Chứng khoán vẫn sẽ hấp dẫn dòng tiền
“Kinh tế đi lên thực sự”
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia khẳng định như vậy, mặc dù nhìn nhận những khó khăn mà nền kinh tế đang đối mặt là không nhỏ. Chẳng hạn, từ quý II/2014 đến nay, nhiều DN giải thể, phá sản, làm xuất hiện tâm lý hoài nghi, thậm chí hơi bất an về triển vọng của nền kinh tế trong ngắn hạn.
“Khi họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, hầu hết ý kiến đánh giá, diễn biến kinh tế xét trong cả trong ngắn hạn và trung hạn đang có xu hướng đi lên thực sự. Có thể dùng chữ ‘khá vững chắc’ để đánh giá về kinh tế vĩ mô 2014. Đây không phải là lạc quan tếu”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC cho rằng, đến nay, có thể đánh giá, kinh tế vĩ mô năm 2014 ổn định, với các điểm nổi bật: Việt Nam là một trong những nước có tỷ giá ổn định nhất trên thế giới, lạm phát thấp… Với nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ, giới đầu tư kỳ vọng, kinh tế vĩ mô sẽ có thêm tín hiệu tích cực trong năm tới.
Để hỗ trợ vĩ mô thêm ổn định trong thời gian tới, ông Nghĩa cho biết, các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề nghị Chính phủ triển khai các giải pháp đột phá về tài chính, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo hướng lành mạnh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm tới cao hơn năm nay.
Theo ông Nghĩa, hiện giới đầu tư trong và ngoài nước đang kỳ vọng, năm 2015 sẽ có bước đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi sắp được Quốc hội thông qua, với nhiều nội dung cải cách khá lớn. Ngoài hai luật này, để thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh, cần rà soát, kịp thời sửa đổi các luật khác theo tinh thần cải cách của Hiến pháp mới. Đây sẽ là những bước đi quan trọng để nền kinh tế, cộng đồng DN đón bắt hiệu quả các động lực phát triển trong trung và dài hạn, đó là các hiệp định thương mại tự do, có triển vọng sắp được ký kết, nhất là Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Lợi thế thu hút dòng tiền
Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM Trịnh Hoài Giang đánh giá, nền kinh tế đang dần đi qua thời kỳ tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng đầu tư vốn, thay vào đó là những yếu tố tăng trưởng dựa trên cải thiện chất lượng, năng suất lao động. Tái cơ cấu DNNN tuy chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng việc siết hoạt động đầu tư, kinh doanh của khu vực DN này đã giảm bớt các khoản đầu tư không hiệu quả. Nguồn lực này đang dần được chuyển cho các khu vực hiệu quả hơn trong nền kinh tế.
“Diễn biến trên đang gây sự chú ý của của giới đầu tư quốc tế, họ gia tăng tìm kiếm các cơ hội giải ngân vào TTCK Việt Nam”, ông Giang nói.
Kênh chứng khoán cũng đang thu hút dòng tiền trong nước và theo ông Nghĩa, lãi suất có thể giảm thêm, khiến kênh gửi tiết kiệm kém hấp dẫn, TTCK sẽ có sức hút NĐT hơn nữa.
Đáng chú ý, ông Nghĩa cho hay, có một xu hướng rót tiền mới vào TTCK. Đó là nhiều DN có tiền mặt, nhưng không gửi ngân hàng, mà làm 2 việc: một là, mua bán, sáp nhập với DN trong các ngành đồ gỗ, nhựa, công nghiệp cao su…; hai là, tham gia tái cấu trúc một số DN yếu kém và đưa lên niêm yết. Tuy việc này diễn ra trong khối DN tư nhân theo kiểu tự phát, nhưng có DN đầu tư tới 2.000 tỷ đồng để vực dậy các DN yếu, sau đó đưa lên sàn.
“Đây là tín hiệu tích cực với TTCK”, ông Nghĩa nói và cho biết thêm, dòng vốn nước ngoài đang chịu một số bất lợi khi giải ngân vào Việt Nam, nhưng với niềm tin vào sự cải thiện của nền kinh tế, cả dòng vốn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) lẫn gián tiếp (FII) vẫn tích cực. Với vốn FII, ngoài giải ngân vào thị trường cổ phiếu, một lượng đáng kể đang được các ngân hàng nước ngoài đổ vào Việt Nam thông qua tự doanh trái phiếu chính phủ.
Nhìn nhận về cơ hội đầu tư vào TTCK cuối năm 2014, cũng như đầu năm tới, ông Ngô Thế Triệu, Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Eastspring Investments cho rằng, so sánh với các kênh đầu tư như: bất động sản, vàng, gửi tiết kiệm…, chứng khoán đang có lợi thế trong thu hút dòng tiền. Việc tích lũy tài sản là cổ phiếu, trái phiếu DN hiện có nhiều cơ hội hấp dẫn.