Chủ nghĩa tự do chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa Mác

Description: http://www.brookings.edu/~/media/Blogs/FixGov/faith_equality_promo002.jpg

Nguồn: Gilpin, Robert. “Three Ideologies of Political Economy” (Chapter 2), in R. Gilpin, The Political Economy of International Relations (Princeton University Press, 1987), pp. 25-64.

Biên dịch: Hoàng Thanh Hằng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trong một thế kỷ rưỡi qua, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa dân tộc, và chủ nghĩa Mác đã chia rẽ nhân loại. Cuốn sách này sử dụng thuật ngữ “tư tưởng” để chỉ “hệ thống các suy nghĩ và niềm tin mà các cá nhân và nhóm người dùng để giải thích hệ thống xã hội của họ vận hành như thế nào và theo những nguyên tắc nào” (Heilbroner, 1985,tr.107). Cuộc tranh luận giữa ba học thuyết này xoay xung quanh vai trò và tầm quan trọng của của thị trường đối với việc tổ chức xã hội và các hoạt động kinh tế.

Qua việc đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu của của ba lý thuyết này có thể làm sáng tỏ việc nghiên cứu lĩnh vực Kinh tế chính trị quốc tế. Thế mạnh của những quan điểm này sẽ được áp dụng để thảo luận những vấn đề cụ thể như thương mại, đầu tư, và phát triển. Mặc dù tư tưởng của tôi là chủ nghĩa tự do, nhưng chủ nghĩa hiện thực và thậm chí đôi khi chủ nghĩa Mác mô tả rất tốt thế giới mà chúng ta đang sống. Việc kết hợp cả ba dòng tư tưởng có lẽ không phải là con đường chính xác về mặt lý thuyết, nhưng đôi khi có lẽ là con đường duy nhất mà chúng ta có để hiểu rõ thế giới.

Ba dòng tư tưởng này khác biệt nhau về một số vấn đề như: Thị trường có tầm quan trọng như thế nào đối với tăng trưởng kinh tế và sự phân phối của cải giữa các nhóm người và các xã hội? Thị trường nên đóng vai trò như thế nào trong việc tổ chức xã hội trong nước và quốc tế? Hệ thống thị trường có tác động gì tới các vấn đề như chiến tranh và hòa bình hay không? Những câu hỏi này và những câu hỏi tương tự chính là trọng tâm của kinh tế chính trị quốc tế.

Ba dòng tư tưởng này khác nhau cơ bản trong quan điểm về mối quan hệ giữa xã hội, nhà nước, và thị trường. Và không quá khi nói rằng tất cả tranh cãi trong lĩnh vực kinh tế chính trị quốc tế suy cho cùng đều liên quan đến sự khác nhau trong quan điểm về mối quan hệ giữa xã hội, nhà nước, và thị trường. Sự tranh luận không chỉ là một điều lý thú về mặt lịch sử. Chủ nghĩa tự do về kinh tế, chủ nghĩa Mác, và chủ nghĩa dân tộc kinh tế đều rất giàu sức sống vào cuối thể kỷ 20. Các lý thuyết này chỉ ra những quan điểm khác nhau của cá nhân về tác động của hệ thống thị trường đối với xã hội trong nước và quốc tế. Có nhiều vấn đề gây tranh cãi trong thế kỷ 18 và 19 nay lại được tranh cãi mạnh mẽ.

Việc hiểu nội dung và bản chất của những quan điểm trái ngược nhau này về kinh tế chính trị là rất quan trọng. Từ “dòng tư tưởng” được sử dụng thay vì từ “lý thuyết” vì mỗi quan điểm chứa đựng một hệ thống niềm tin về bản chất của con người và xã hội và do đó giống như những gì mà Thomas Kuhn gọi là “dòng tư tưởng” (Kuhn; 1962). Như Kuhn đã chứng minh các quan điểm học thuật được bảo vệ một cách chặt chẽ và khó bị đánh đổ bởi các logic hoặc những bằng chứng trái ngược. Điều này xuất phát từ thực tế rằng những học thuyết này không chỉ miêu tả một cách khoa học về việc thế giới thực tế vận hành như thế nào mà cả về mặt quy phạm, nghĩa là thế giới nên vận hành như thế nào nữa.

Mặc dù các học giả đã có nhiều lý thuyết giải thích về mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, nhưng ba học thuyết này nổi bật và có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới học giả và các công việc chính trị. Theo một cách đơn giản hóa, có thể nói rằng chủ nghĩa dân tộc kinh tế (hay trước đây gọi là chủ nghĩa trọng thương), xuất phát từ hành vi của các nhà lãnh đạo nhà nước trong giai đoạn đầu cận đại. Tư tưởng này cho rằng chính trị quan trọng hơn kinh tế. Đây là một học thuyết về xây dựng nhà nước và cho rằng thị trường phải là thứ yếu so với mục đích theo đuổi lợi ích của nhà nước. Học thuyết này cho rằng các yếu tố chính trị quyết định, hay ít nhất nên quyết định các quan hệ kinh tế.

Chủ nghĩa Tự do, xuất phát từ Kỷ nguyên Khai sáng trong những tác phẩm của Adam Smith và một số tác giả khác, là một sự phản kháng chống lại chủ nghĩa trọng thương và đã được thể hiện trong kinh tế học chính thống. Chủ nghĩa này cho rằng kinh tế và chính trị tốt nhất là tồn tại tách biệt nhau. Chủ nghĩa này đưa ra ý tưởng rằng thị trường, nhằm đạt được mục tiêu hiệu quả, phát triển, và sự lựa chọn của người tiêu dùng, cần không bị chính trị can thiệp.

Chủ nghĩa Mác, xuất hiện vào giữa thế kỷ 19 như là một phản ứng chống lại chủ nghĩa tự do và kinh tế học cổ điển, cho rằng kinh tế chi phối chính trị. Các xung đột chính trị nổi lên giữa các giai cấp vì sự phân chia của cải. Do đó, các cuộc xung đột chính trị sẽ chấm dứt khi thị trường và các giai tầng xã hội bị loại bỏ. Bởi vì cả chủ nghĩa dân tộc và Chủ nghĩa Mác trong thời hiện đại đều phát triển chủ yếu chống lại các quan điểm của kinh tế tự do nên tôi sẽ bắt đầu việc thảo luận và đánh giá ba dòng tư tưởng này từ chủ nghĩa tự do về kinh tế.

Quan điểm tự do

Một số học giả cho rằng không có cái gọi là học thuyết tự do về kinh tế chính trị vì chủ nghĩa tự do tách biệt giữa kinh tế và chính trị và cho rằng mỗi lĩnh vực hoạt động theo một số quy luật và logic riêng. Nhưng thực ra chủ nghĩa tự do có quan tâm đến cả lĩnh vực kinh tế và chính trị. Cho dù họ chỉ rõ ràng trong các tác phẩm của mình hoặc chỉ ám chỉ, người ta có thể nhận ra được học thuyết kinh tế chính trị tự do.

Có những giá trị mà từ đó học thuyết tự do về kinh tế và chính trị phát sinh, và trong thế giới hiện đại những giá trị đó xuất hiện cùng nhau. Lý thuyết kinh tế tự do ủng hộ sự tự do của thị trường và sự cam thiệp của nhà nước ở mức tối thiểu, mặc dù như sẽ trình bày trong phần sau, sự nhấn mạnh vào thị trường tự do hay sự can thiệp của nhà nước có thể khác nhau. Lý thuyết chính trị tự do ủng hộ tự do và bình đẳng cá nhân, và một lần nữa sự nhấn mạnh có thể khác nhau. Chúng ta quan tâm chủ yếu đến những khía cạnh kinh tế của chủ nghĩa tự do.

Quan điểm tự do về kinh tế được thể hiện trong các ngành kinh tế học đã được phát triển ở Anh, Mỹ, và Tây Âu. Từ thời Adam Smith đến hiện đại, các nhà tư tưởng tự do chia sẻ một quan niệm chung về về bản chất con người, xã hội và các hoạt động kinh tế. Chủ nghĩa tự do có nhiều dạng – cổ điển, tân cổ điển, chủ nghĩa Keynes, chủ nghĩa trọng tiền, trường phái nước Áo, tính toán lý trí, vv… Những biến thể này khác nhau từ việc ưu tiên sự công bằng và xu hướng sử dụng dân chủ xã hội và sự can thiệp của nhà nước để đạt được mục tiêu này, cho đến việc nhấn mạnh tự do và không can thiệp và bỏ qua sự công bằng xã hội. Tuy nhiên, tất cả các dạng của tư tưởng tự do về kinh tế đều xem thị trường và cơ chế giá cả là biện pháp hiệu quả nhất nhằm tổ chức các mối quan hệ kinh tế trong nước và quốc tế. Thực ra, chủ nghĩa tự do có thể được định nghĩa là một học thuyết và các nguyên tắc tổ chức và quản lý kinh tế thị trường nhằm đạt được hiệu quả cao nhất, tăng trưởng kinh tế, và sự giàu có cho các cá nhân.

Chủ nghĩa tự do cho rằng thị trường ra đời một cách tự phát nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người, và thị trường vận động tuân theo những quy luật nội tại của mình. Con người về bản chất là những “sinh vật kinh tế”, do đó thị trường tiến hóa một cách tự nhiên mà không theo một hướng chủ đạo nào cả. Như Adam Smith từng nói, “trao đổi, trao đổi và trao đổi” thuộc về bản năng của con người. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi mua bán, gia tăng sự giàu có, con người tạo ra thị trường, tiền bạc, và các thể chế kinh tế. Do đó, trong cuốn sách “Tổ chức kinh tế của trại tù nhân chiến tranh”, R.A. Radford đã chỉ ra một thị trường phức tạp và tinh vi đã phát triển một cách tự phát như thế nào nhằm thõa mãn những mong muốn của con. Nhưng câu chuyện của ông còn chỉ ra rằng một dạng thức quản lý nào đó của chính phủ là cần thiết nhằm giám sát và duy trì hệ thống thị trường sơ khai đó.

Cơ sở tồn tại của hệ thống thị trường là nó gia tăng hiệu quả kinh tế, tối đa hóa tăng trưởng kinh tế, và do đó gia tăng của cải cho con người. Mặc dù, những nhà tự do tin tưởng rằng các hoạt động kinh tế cũng thúc đẩy quyển lực và an ninh của nhà nước, họ cho rằng mục tiêu chủ yếu của các hoạt động kinh tế là mang lại lợi ích cho mỗi người tiêu dùng cá nhân. Sự bảo vệ đến cùng thương mại tự do và thị trường mở của những người theo chủ nghĩa tự do là vì chúng gia tăng số lượng hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng có thể lựa chọn.

Tiền đề cơ bản của chủ nghĩa tự do là các cá nhân người tiêu dùng, các công ty, hoặc hộ gia đình là nền tảng của xã hội. Các cá nhân hành động một cách lý trí và cố gắng tối đa hóa hoặc thỏa mãn một số nhu cầu nhất định với chi phí thấp nhất. Tính lý trí chỉ áp dụng cho sự cố gắng, không áp dụng cho kết quả. Do đó, việc thất bại và không đạt được một mục đích do sự ngu dốt hoặc một số lý do khác, theo những nhà tự do, không làm vô hiệu tiền đề của họ là con người hành động trên cơ sở những tính toán về thiệt/ hơn và phương tiện/ mục tiêu. Cuối cùng, những nhà tự do cho rằng các cá nhân sẽ tìm cách đạt được mục tiêu của mình cho tới khi thị trường đạt đến điểm cân bằng, có nghĩa là khi chi phí để đạt được mục tiêu ngang bằng với lợi nhuận. Các nhà kinh tế tự do cố gắng giải thích các hành vi kinh tế, và trong một số trường hợp là tất cả các hành vi của con người, dựa trên những tính toán mang tính cá nhân và có lý trí như vậy.

Chủ nghĩa tự do cũng giả định rằng tồn tại một thị trường mà trong đó các cá nhân có đầy đủ thông tin và do đó có thể lựa chọn những hành động sao cho có lợi nhất. Những nhà sản xuất và những người tiêu dùng sẽ phản ứng nhanh nhạy đối với các dấu hiệu giá cả, và điều này sẽ tạo ra một nền kinh tế linh hoạt mà trong đó bất cứ sự thay đổi giá cả nào cũng sẽ tạo ra những phản ứng tương ứng trong mô hình sản xuất, tiêu dùng, và cả các thể chế kinh tế, và những yếu tố này chính là sản phẩm chứ không phải là nguyên nhân của các hành vi kinh tế. Hơn nữa, trong một thị trường thực sự cạnh tranh, các điều khoản trao đổi được quyết định chủ yếu bởi những cân nhắc về cung cầu hơn là dựa trên sức mạnh và sự ép buộc. Nếu như sự trao đổi là tự nguyện, cả hai bên sẽ có lợi. Theo cách nói thông thường, “tự do trao đổi không phải là cướp bóc”.

Kinh tế học, hay chính xác là kinh tế học được giảng dạy tại hầu hết các trường đại học Mỹ (mà Mác gọi là kinh tế học chính thống hay tư sản) được coi là khoa học thực chứng về hành vi tối đa hóa. Các hành vi được xem là bị chi phối bởi các quy luật kinh tế, các quy luật này không mang tính cá nhân và phi chính trị, do đó kinh tế và chính trị nên và có thể tách ra hai lĩnh vực riêng rẽ. Chính quyền không nên can thiệp vào thị trường trừ phi “thị trường thất bại” (Baumol, 1965) hoặc là khi cần phải cung cấp các sản phẩm và tiện ích công cộng (public good) (Olson, 1965).

Một nền kinh tế thị trường bị chi phối chủ yếu bởi quy luật về cầu. Quy luật này (hay có thể gọi giả định này) cho rằng người ta sẽ mua một sản phẩm nào đó nhiều hơn nếu như giá giảm và sẽ mua ít đi nếu giá tăng; người ta cũng sẽ mua nhiều sản phẩm hơn nếu như thu nhập của họ tăng và mua ít nếu thu nhập giảm. Bất kỳ điều gì làm thay đổi tương đối giá cả của sản phẩm hoặc thu nhập sẽ khiến các cá nhân có xu hướng mua hoặc sản xuất nhiều hay ít hơn sản phẩm đó. Quy luật này có những tác động to lớn đối với toàn xã hội. Mặc dù có một số ngoại lệ,  quy luật đơn giản này vẫn là quy luật cơ bản chi phối sự vận động và thành công của một hệ thống trao đổi kinh tế thị trường.

Về mặt cung của nền kinh tế, kinh tế học tự do cho rằng các cá nhân theo đuổi những lợi ích của họ trong một thế giới khan hiếm và bị giới hạn về nguồn lực. Đây là điều kiện cơ bản và không thể tránh khỏi trong sự tồn tại của con người. Mỗi quyết định đều liên quan đến những chi phí cơ hội, một sự đánh đổi trong việc sử dụng theo những cách khác nhau các nguồn lực sẵn có (Samuelson, 1980). Bài học cơ bản của kinh tế học tự do là “không có gì có thể gọi là một bữa trưa miễn phí”, nếu muốn có một thứ gì đó thì bạn phải sẵn lòng từ bỏ một thứ khác.

Chủ nghĩa tự do cũng cho rằng một nền kinh tế thị trường chứa đựng những khuynh hướng dẫn đến sự cân bằng và ổn định, ít nhất là trong dài hạn. Quan niệm về một điểm cân bằng tự động và tự điều chỉnh đạt được nhờ sự cân bằng giữa các lực lượng trong một thế giới duy lý đóng vai trò cốt yếu dẫn đến niềm tin của các nhà kinh tế về sự vận động của thị trường và các quy luật chi phối sự vận động đó. Nếu thị trường bị rơi vào tình trạng mất cân bằng do một số yếu tố bên ngoài như sự thay đổi trong thị hiếu của người tiêu dùng hay các yếu tố về công nghệ sản xuất, sự vận động của cơ chế giá cả cuối cùng sẽ đưa thị trường trở về trạng thái cân bằng mới. Giá cả và số lượng sẽ một lẫn nữa cân bằng lẫn nhau. Do đó, sự thay đổi về cung hoặc cầu đối với một loại hàng hóa sẽ dẫn đến sự thay đổi về giá của sản phẩm. Phương pháp so sánh tĩnh, kỹ thuật cơ bản của phân tích kinh tế hiện đại, cũng dựa vào những giả định về khuynh hướng dẫn đến sự cân bằng hệ thống.

Một giả định khác nữa của những nhà tự do là sự hài hòa về mặt lợi ích lâu dài đằng sau sự cạnh tranh thị trường của các nhà sản xuất và những người tiêu dùng, sự hài hòa này sẽ vượt qua được những mâu thuẫn tạm thời về lợi ích. Sự theo đuổi lợi ích cá nhân trong thị trường sẽ tăng sự giàu có của toàn xã hội bởi nó tối đa hóa hiệu quả kinh tế, và cuối cùng sự phát triển kinh tế sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Do đó, mỗi người sẽ được hưởng lợi tương ứng với những đóng góp của họ, nhưng cũng nói thêm rằng không phải tất cả mọi người đều được hưởng lợi như nhau bởi vì năng suất lao động của mỗi người khác nhau. Trong điều kiện trao đổi tự do, cả xã hội sẽ giàu có hơn, nhưng mỗi cá nhân sẽ được hưởng lợi tùy theo năng suất biên và những đóng góp tương đối của của họ đối với tổng sản phẩm xã hội.

Cuối cùng, các nhà kinh tế học tự do gần đây tin tưởng vào sự tiến bộ xã hội, được định dạng là sự gia tăng của cải theo đầu người. Họ cho rằng sự tăng trưởng của một nền kinh tế vận hành hợp lý là theo tuyến tính, dần dần và liên tục. Mặc dù chính trị hay những sự kiện khác – như chiến tranh, cách mạng, hoặc các thiên tai – có thể làm gián đoạn sự tăng trưởng, nền kinh tế cuối cùng sẽ trở lại một mô hình phát triển ổn định được quyết định chủ yếu bởi sự gia tăng về dân số, tài nguyên, và năng suất lao động. Hơn nữa, các nhà tự do không cho rằng cần phải có sự liên kết giữa quá trình phát triển kinh tế và những yếu tố chính trị như chiến tranh và chủ nghĩa đế quốc; những điều xấu xa về chính trị này có thể ảnh hưởng và có thể bị ảnh hưởng bởi các hoạt động kinh tế, nhưng chúng chủ yếu do các yếu tố chính trị chứ không phải các yếu tố kinh tế gây nên. Ví dụ, các nhà tự do không tin là có bất kỳ sự liên hệ nào giữa sự phát triển của chủ nghĩa tư bản vào cuối thế kỷ 19 với sự nổi lên của chủ nghĩa đế quốc sau năm 1870 và việc nổ ra Chíến tranh thế giới lần thứ nhất. Các nhà tự do cho rằng kinh tế mang tính tiến bộ và chính trị mang những yếu tố chậm tiến. Do đó, họ coi sự tiến bộ không liên quan đến chính trị mà chỉ phụ thuộc vào sự tiến hóa của thị trường mà thôi.

Dựa vào những giả định trên, các nhà kinh tế học hiện đại đã xây dựng nên khoa học kinh tế thực chứng. Hơn hai thế kỷ qua, họ diễn dịch xung quanh quy luật tối đa hóa hành vi, thể hiện ở lý thuyết lợi thế so sánh và lý thuyết về lợi ích biên, lý thuyết về lượng tiền. Như Arthur Lewis đã nói, các nhà kinh tế cứ một phần tư thế kỷ lại phát hiện ra một quy luật mới. Những quy luật này vừa mang tính logic có điều kiện vừa mang tính quy phạm. Họ cho rằng tồn tại con người kinh tế – những con người lý trí, tối đa hóa lợi ích – một biến thể của người homo sapiens, tồn tại khá hiếm trong lịch sử nhân loại và chỉ trong một số điều kiện thuận lợi nhất định mà thôi. Hơn nữa, những quy luật này mang tính quy phạm theo nghĩa chúng đưa ra định hướng xã hội phải được tổ chức như thế nào đó và con người ta phải cư xử ra sao nếu họ mong muốn tối đa hóa sự gia tăng của cải. Các cá nhân và xã hội có thể vi phạm những quy luật này, nhưng như vậy họ sẽ làm giảm hiệu quả sản xuất. Ngày nay, những điều kiện cần thiết cho sự hoạt động của nền kinh tế thị trường đã tồn tại, và những cam kết mang tính quy phạm đối với thị trường đã lan rộng từ nơi sản sinh ra nó là nền văn minh phương Tây đến các nơi khác. Mặc dù có những bước lùi, thế giới hiện đại đã di chuyển theo hướng kinh tế thị trường và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng trong nền kinh tế thế giới chính là vì kinh tế thị trường hiệu quả hơn những hình thức tổ chức kinh tế khác.

Về bản chất, các nhà tự do tin rằng thương mại và các giao dịch kinh tế là nguồn gốc của các mối quan hệ hòa bình giữa các quốc gia bởi vì các lợi ích tương hỗ về thương mại và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng giữa các nền kinh tế sẽ giúp tăng cường các quan hệ hợp tác. Trong khi chính trị có khuynh hướng chia rẽ, kinh tế lại có khuynh hướng kết nối con người. Một nền kinh tế quốc tế tự do sẽ có những ảnh hưởng ôn hòa đến nền chính trị thế giới vì nó tạo ra những sợi dây liên kết về mặt lợi ích và những cam kết duy trì nguyên trạng. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh thêm một lần nữa là mặc dù tất cả mọi người sẽ hoặc ít nhất là có thể sẽ được hưởng lợi theo nghĩa tuyệt đối trong điều kiện trao đổi tự do, nhưng lợi ích tương đối sẽ khác nhau. Chính vấn đề lợi ích tương đối và sự phân chia của cải do hệ thống thị trường tạo ra đã dẫn đến sự ra đời của chủ nghĩa dân tộc về kinh tế và chủ nghĩa Mác như là những lý thuyết trái ngược với các quan điểm của những nhà tự do.

Quan điểm của chủ nghĩa dân tộc kinh tế

Chủ nghĩa dân tộc kinh tế, cũng như chủ nghĩa tự do kinh tế, tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau trong những thế kỷ qua. Tên gọi của nó cũng có nhiều thay đổi: từ chủ nghĩa trọng thương, chủ nghĩa nhà nước, chủ nghĩa bảo hộ, trường phái Lịch sử Đức, và gần đây là chủ nghĩa bảo hộ mới. Tuy nhiên, những dạng thức khác nhau đó đều có chung một chủ đề hay một thái độ, chứ không phải là một lý thuyết kinh tế hay chính trị nhất quán và mang tính hệ thống. Nội dung chính của nó cho rằng các hoạt động kinh tế nên chỉ là các yếu tố phụ so với mục tiêu xây dựng quốc gia và các lợi ích của nhà nước. Các nhà dân tộc chủ nghĩa đều đề cao tầm quan trọng của nhà nước, an ninh quốc gia và sức mạnh quân sự trong việc tổ chức và hoạt động của hệ thống quốc tế. Trong phạm vi những cam kết chung này, có thể thấy được hai quan điểm cơ bản. Một số nhà dân tộc chủ nghĩa xem việc bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia không quan trọng bằng an ninh và sự tồn tại của quốc gia. Quan điểm nhìn chung mang tính phòng vệ này được gọi là “chủ nghĩa trọng thương tích cực”. Mặc khác, có những nhà dân tộc chủ nghĩa xem kinh tế quốc tế là một đấu trường của sự phát triển chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa bành trướng quốc gia. Trường phái mang tính chất hiếu chiến này được gọi là “chủ nghĩa trọng thương tiêu cực”. Chính sách kinh tế của bộ trưởng kinh tế Đức quốc xã Hjalmar Schacht đối với Đông Âu vào những năm 1930 là thuộc loại này.

Mặc dù chủ nghĩa dân tộc kinh tế nên được xem là những cam kết đối với việc xây dựng quốc gia, nhưng những mục tiêu được theo đuổi và các chính sách được ủng hộ lại khác nhau theo từng thời kỳ và theo từng nơi. Dẫu vậy, Jacob Viner cho rằng các nhà dân tộc chủ nghĩa về kinh tế (những người mà ông gọi là nhà trọng thương) đều chia sẻ quan điểm về mối quan hệ giữa sự giàu có và quyền lực như sau:

Tôi tin rằng về mặt thực tiễn tất cả các nhà trọng thương, ở bất kỳ giai đoạn nào, hoặc địa vị cá nhân nào, đều tuân theo những quan điểm sau: (1) sự giàu có là một phương tiện tuyệt đối để giành được quyền lực, cho dù để phòng vệ hoặc tấn công; (2) quyền lực là một phương  tiện cần thiết hoặc có giá trị để đạt được hay duy trì sự giàu có; (3) của cải và quyền lực đều là những mục tiêu cuối cùng của chính sách quốc gia; (4) có sự hòa hợp về dài hạn giữa những mục tiêu đó, mặc dù trong một số bối cảnh cụ thể có thể cần phải hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo an ninh, cũng có nghĩa là đảm bảo sự thịnh vượng về lâu dài.

Trong khi các nhà tự do cho rằng sự theo đuổi quyền lực và sự giàu có, hay sự lựa chọn giữa “súng và bơ”, liên quan đến sự đánh đổi, các nhà dân tộc chủ nghĩa lại xem hai yếu tố này bổ trợ cho nhau.

Các nhà dân tộc kinh tế nhấn mạnh vai trò của các yếu tố kinh tế trong quan hệ quốc tế và coi sự đấu tranh giữa các quốc gia – các nhà nước tư bản, xã hội chủ nghĩa hay bất kỳ nhà nước nào khác đi nữa – là nhằm giành các nguồn lực kinh tế là một hiện tượng phổ biến và cố hữu trong chính bản chất của hệ thống quốc tế. Như một tác giả đã viết, vì các nguồn lực kinh tế là cần thiết đối với quyền lực của quốc gia, mỗi sự xung đột đều liên quan đến kinh tế và chính trị. Các nhà nước, ít nhất là trong dài hạn, sẽ đồng thời theo đuổi sự giàu có và quyền lực cùng lúc.

Ra đời trong bối cảnh lịch sử cận đại, chủ nghĩa dân tộc kinh tế phản ứng lại và phản ánh những thay đổi về kinh tế, chính trị và quân sự của thế kỷ 16, 17, 18: sự xuất hiện của các quốc gia dân tộc mạnh trong thế cạnh tranh liên tục, sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu ban đầu trong lĩnh vực thương mại và sau đó là sản xuất, và tốc độ ngày càng nhanh của các hoạt động kinh tế do sự thay đổi ở Châu Âu và sự phát hiện ra Tân thế giới cùng nguồn tài nguyên của nó. Sự phát triển của một nền kinh tế thị trường được tiền tệ hóa và sự thay đổi bản chất của các cuộc chiến tranh được mô tả như một “cuộc cách mạng quân sự” là hết sức quan trọng. Các nhà dân tộc chủ nghĩa, hay các nhà trọng thương, có lý do để ưu tiên an ninh hơn so với thương mại.

Do nhiều lý do khác nhau, mục tiêu quan trọng nhất của những nhà dân tộc chủ nghĩa là công nghiệp hóa. Trước hết, các nhà dân tộc chủ nghĩa tin rằng công nghiệp có hiệu ứng lan tỏa và dẫn đến sự phát triển toàn diện của nền kinh tế. Thứ hai, họ cho rằng sỡ hữu các ngành công nghiệp dẫn tới khả năng tự cung tự cấp và sự tự chủ về mặt chính trị. Thứ ba, và quan trọng hơn hết, công nghiệp được coi trọng vì đó là nền tảng của sức mạnh quân sự và thiết yếu đối với an ninh quốc gia trong thời hiện đại. Trong hầu hết các xã hội, kể cả các xã hội tự do, các chính phủ theo đuổi những chính sách có lợi cho sự phát triển của công nghiệp. Như mô tả của một nhà trọng thương Alexander Hamilton về sự phát triển kinh tế của Mỹ, “không chỉ sự thịnh vượng mà cả sự độc lập và an ninh của một quốc gia liên quan mật thiết đến sự giàu có của các nhà sản xuất”. Mục tiêu công nghiệp hóa của các nhà dân tộc chủ nghĩa trở thành một nguyên nhân chính của các xung đột kinh tế.

Chủ nghĩa dân tộc kinh tế, trong cả thời kỳ đầu hiện đại và ngày hôm nay, xuất hiện một phần từ khuynh hướng của thị trường trong việc tích tụ của cải và thiết lập sự phụ thuộc hay quan hệ quyền lực giữa các các nền kinh tế mạnh và các nền kinh tế yếu hơn. Ở dạng tích cực, chủ nghĩa dân tộc kinh tế cố gắng bảo vệ nền kinh tế trong nước trước những tác động kinh tế và chính trị từ bên ngoài. Chủ nghĩa dân tộc kinh tế mang tính phòng thủ như vậy tồn tại ở các nền kinh tế kém phát triển hoặc các nền kinh tế phát triển nhưng đang suy yếu, các quốc gia này theo đuổi những chính sách bảo hộ hay những chính sách tương tự nhằm bảo vệ các nghành công nghiệp non trẻ hoặc đang suy thoái cũng như lợi ích quốc gia. Ở dạng tiêu cực, chủ nghĩa dân tộc kinh tế là hành vi tiến hành chiến tranh kinh tế. Dạng này phổ biến đối với các cường quốc bành trướng. Ví dụ cổ điển là Đức Quốc xã.

Trong thế giới của các nhà nước cạnh tranh lẫn nhau, các nhà dân tộc chủ nghĩa cho rằng lợi ích tương đối quan trọng hơn các lợi ích chung. Do đó, các các quốc gia liên tục cố gắng thay đổi các luật lệ hoặc các thiết chế điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế quốc tế nhằm mang lại những lợi ích cho mình. Như Adam Smith đã chỉ ra tất cả mọi người đều muốn trở thành nhà độc quyền và sẽ cố gắng trở thành nhà độc quyền trừ khi bị các đổi thủ cản trở. Do đó, một nền kinh tế quốc tế tự do sẽ không phát triển được trừ phi nó được các quốc gia có sức mạnh kinh tế áp đảo ủng hộ vì điều này trùng hợp với lợi ích của các nước đó.

Trong khi các nhà tự do nhấn mạnh các lợi ích chung của thương mại quốc tế, các nhà dân tộc chủ nghĩa và các nhà Mác xít xem các mối quan hệ này mang tính xung đột. Mặc dù điều này không loại trừ các quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế và sự theo đuổi các chính sách tự do, mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế không bao giờ mang tính cân xứng, thực ra nó chứa đựng những nguyên nhân dẫn tới xung đột và bất ổn liên tục. Những nhà dân tộc chủ nghĩa từ Alexander Hamilton cho đến những nhà lý luận về thuyết phụ thuộc sau này đều nhấn mạnh tự chủ về kinh tế quốc gia hơn so với sự phục thuộc lẫn nhau về kinh tế.

Chủ nghĩa dân tộc kinh tế đã tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau trong thế giới hiện đại. Để đáp lại cuộc cách mạng thương mại và sự mở rộng thương mại quốc tế ở những giai đoạn đầu, các nhà trọng thương cổ điển nhấn mạnh sự phát triển của thương mại và thặng dư thương mại. Sau cuộc cách mạng công nghiệp, các nhà trọng thương công nghiệp như Hamilton và List nhấn mạnh ưu thế của công nghiệp và sản xuất so với nông nghiệp. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai bên cạnh những sự quan tâm trên còn có những cam kết mạnh mẽ đối với sự thịnh vượng trong nước và sự giàu có của quốc gia. Vào những thập niên cuối của thế kỷ qua, tầm quan trọng ngày càng cao của công nghệ tiên tiến, sự mong muốn kiểm soát đỉnh cao của nền kinh tế hiện đại, và sự xuất hiện của cái được gọi là “sự cạnh tranh về chính sách” đã trở thành đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa trọng thương đương đại. Tuy nhiên, trong mọi thời đại, sự mong muốn giành được quyền lực và sự độc lập trở thành mối quan tâm chủ chốt của các nhà dân tộc kinh tế.

Bất chấp những điểm mạnh và điểm yếu với tư cách là một lý thuyết về kinh tế chính trị quốc tế là gì đi nữa, sự nhấn mạnh của chủ nghĩa dân tộc kinh tế đối với vị trí địa lý và sự phân chia các hoạt động kinh tế đã mang lại cho nó những sức hút mạnh mẽ. Trong suốt lịch sử hiện đại, các quốc gia đã theo đuổi các chính sách thúc đẩy công nghiệp, công nghệ tiên tiến, và các hoạt động kinh tế có lợi nhuận cao và tạo ra nhiều việc làm trong phạm vi lãnh thổ của nước mình. Các quốc gia sẽ cố gắng tạo ra một sự phân công lao động quốc tế có lợi cho các lợi ích kinh tế và chính trị của mình. Thực ra, chủ nghĩa dân tộc kinh tế vẫn có một sức ảnh hưởng lớn đối với quan hệ quốc tế khi mà hệ thống các quốc gia vẫn tồn tại.

Quan điểm của chủ nghĩa Mác

Cũng như chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa Mác đã phát triển theo nhiều hướng quan trọng kể từ khi các ý tưởng cơ bản của nó được Karl Marx và Friedrich Engel đưa ra vào giữa thế kỷ 19.  Chính tư tưởng của Mác cũng thay đổi trong suốt cuộc đời của ông, và các lý thuyết của ông cũng là chủ đề của các cách hiểu trái ngược nhau. Mặc dù Mác xem chủ nghĩa tư bản như là một nền kinh tế toàn cầu, ông đã không phát triển một hệ thống ý tưởng về quan hệ quốc tế; công việc này do những nhà tư tưởng kế thừa Mác thực hiện. Hơn nữa, sau khi chọn chủ nghĩa Mác làm hệ tư tưởng chính thức của mình, Liên Xô và Trung Quốc đã thay đổi cách hiểu về chủ nghĩa Mác khi cần thiết nhằm phục vụ lợi ích quốc gia của riêng mình.

Cũng như chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa dân tộc, có hai quan điểm cơ bản có thể rút ra từ chủ nghĩa Mác hiện đại. Trường phái thứ nhất là quan điểm tiến hóa của chủ nghĩa Mác về dân chủ xã hội với Eduard Berntein và Karl Kautsky, trong lịch sử đương đại tư tưởng này đã thay đổi và trở nên khó phân biệt với những quan điểm của chủ nghĩa tự do. Trường phái khác là những quan điểm cách mạng của Lenin, ít nhất là trên lý thuyết. Vì trở thành hệ tư tưởng chi phối ở một cường quốc trong số hai cường quốc của thế giới nên trường phái này quan trọng hơn và sẽ được nhấn mạnh ở trong bài viết này.

Như Robert Heilbroner đã lập luận, mặc dù tồn tại những dạng khác nhau của chủ nghĩa Mác, bốn yếu tố quan trọng có thể được tìm thấy trong các tác phẩm của những người theo chủ nghĩa Mác. Yếu tố thứ nhất là cách tiếp cận biện chứng đối với kiến thức và xã hội, theo phương pháp này bản chất của sự vật là luôn luôn vận động và mang tính mâu thuẫn, bất ổn xã hội và những thay đổi sau đó là do sự đấu tranh giai cấp và giải quyết những mâu thuẫn nội tại trong các hiện tượng chính trị và xã hội. Do đó, theo những người theo chủ nghĩa Mác, không có sự hòa hợp nội tại trong lòng xã hội hay sự trở lại trạng thái cân bằng như những nhà tự do tin tưởng. Yếu tố thứ hai là cách tiếp cận mang tính duy vật đối với lịch sử; sự phát triển của các lực lượng sản xuất và các hoạt động kinh tế là trung tâm của những biến đổi lịch sử và xảy ra thông qua đấu tranh giai cấp về phân chia các sản phẩm xã hội. Yếu tố thứ ba là quan điểm về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản; phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và số phận của nó bị chi phối bởi các “quy luật kinh tế về sự vận động của xã hội hiện đại”. Yếu tố thứ tư là những cam kết mang tính mong muốn đối với chủ nghĩa xã hội; tất cả những nhà Mác xít tin tưởng rằng chủ nghĩa xã hội là kết cục vừa cần thiết vừa đáng mong đợi của sự phát triển lịch sử. Phần này chỉ trình bày về yếu tố thứ ba.

Chủ nghĩa Mác miêu tả chủ nghĩa tư bản là hình thức sỡ hữu tư nhân đối với các phương tiện sản xuất song song với sự tồn tại của những người lao động làm công ăn lương. Chủ nghĩa Mác cho rằng chủ nghĩa tư bản bị chi phối bởi mong muốn tìm lợi nhuận và tích lũy tư bản trong một nền kinh tế thị trường canh tranh của những nhà tư bản. Những người lao động bị bần cùng hóa và trở thành một dạng hàng hóa vận hành theo cơ chế giá cả. Theo Mác hai đặc điểm quan trọng trên của chủ nghĩa tư bản là nguyên nhân của sự năng động và làm cho nó đến giờ vẫn là phương thức sản xuất hiệu quả nhất. Mặc dù mang sứ mệnh lịch sử là phát triển và thống nhất nhân loại, sự thành công của chủ nghĩa tư bản cũng sẽ mang lại sự tiêu vong của chính nó. Theo Mác, nguồn gốc, sự tiến hóa, và cuối cùng là sự suy vong của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa bị chi phối bởi ba quy luật kinh tế không thể tránh khỏi.

Quy luật thứ nhất, quy luật chênh lệch giữa cung và cầu. Quy luật này phủ nhận quy luật của Say vốn cho rằng cung sẽ tạo ra cầu do đó cung và cầu sẽ luôn cân bằng, trừ một số thời điểm nhất định. Quy luật của Say cho rằng quá trình tự cân bằng này sẽ khiến việc sản xuất dư thừa không thể xảy ra trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hay nền kinh tế thị trường. Mác, cũng giống như John Maynard Keynes, phủ nhận sự tồn tại của khuynh hướng tự cân bằng và cho rằng nền kinh tế tư bản thường có xu hướng sản xuất dư thừa một số sản phẩm. Do đó, Mác cho rằng chủ nghĩa tư bản tồn tại mâu thuẫn nội tại giữa khả năng sản xuất và khả năng tiêu thụ của người tiêu dùng (những người làm công ăn lương), việc chênh lệch cung cầu xảy ra liên tục do tình trạng “vô chính phủ” của thị trường gây nên các cuộc khủng hoảng định kỳ và những bất ổn kinh tế. Ông tiên đoán rằng những cuộc khủng hoảng lặp đi lặp lại sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng và đến một lúc nào đó sẽ làm cho giai cấp vô sản bị áp bức nổi dậy chống lại hệ thống này.

Quy luật thứ hai chi phối sự phát triển của chủ nghĩa tư bản theo chủ nghĩa Mác là quy luật tích lũy tư bản. Mục tiêu của chủ nghĩa tư bản là lợi nhuận và nhu cầu của các nhà tư bản là tích lũy tư bản và đầu tư. Cạnh tranh buộc các nhà tư bản tăng cường hiệu quả và đầu tư tư bản hay tránh rủi ro. Kết quả là sự tiến hóa của chủ nghĩa tư bản hướng tới sự gia tăng tập trung của cải vào tay một ít người và sự bần cùng hóa của nhiều người khác. Trong khi giai cấp tiểu tư sản gia nhập hàng ngũ ngày càng gia tăng của giai cấp vô sản, đội quân thất nghiệp ngày càng lớn, lương lao động giảm, và xã hội tư bản trở nên chín muồi cho các cuộc cách mạng xã hội.

Quy luật thứ ba của chủ nghĩa tư bản là quy luật lợi nhuận giảm dần. Khi tích lũy tư bản ngày càng trở nên lớn hơn và dư thừa, tỉ lệ lợi nhuận đầu tư cũng giảm theo, qua đó làm giảm động lực đầu tư. Mặc dù các nhà kinh tế tự do cổ điển đã nhận ra khả năng này, họ tin tưởng rằng sẽ có giải pháp cho vấn đề này qua những công cụ như xuất khẩu tư bản và các sản phẩm công nghiệp và nhập khẩu thực phẩm rẻ.  Trái lại, Mác tin rằng khuynh hướng lợi nhuận giảm dần là không thể tránh khỏi. Dưới áp lực của cạnh tranh, các nhà tư bản buộc phải gia tăng hiệu quả kinh tế và năng suất lao động thông qua việc đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm lao động và cho năng suất cao hơn, do đó thất nghiệp tăng, tỉ lệ lợi nhuận hay giá trị thặng dư sẽ giảm. Các nhà tư bản sẽ mất đi động cơ để đầu tư vào các nhà máy có năng suất cao và tạo ra việc làm. Điều này sẽ dẫn đến trì trệ kinh tế, gia tăng thất nghiệp, và sự “bần cùng hóa” giai cấp vô sản. Cùng lúc đó, sự gia tăng về tần suất và chiều sâu của chu kỳ kinh doanh sẽ làm cho những người công nhân nổi dậy và phá hủy hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Nội dung chủ yếu của những chỉ trích của Mác đối với chủ nghĩa tư bản là mặc dù cá nhân từng nhà tư bản rất lý trí (như những nhà tự do giả định), nhưng hệ thống tư bản thì lại không lý trí. Thị trường cạnh tranh làm cho cá nhân những nhà tư bản phải tiết kiệm, đầu tư và tích lũy. Nếu như mong muốn đạt lợi nhuận là nhiên liệu của chủ nghĩa tư bản, thì đầu tư là motor và tích lũy là kết quả. Tuy nhiên, trên tổng thể, sự tích lũy tư bản của cá nhân từng nhà tư bản dẫn đến việc sản xuất dư thừa sản phẩm theo định kỳ, sự thặng dư tư bản, và sự biến mất của những động lực đầu tư. Cùng lúc đó, tính trầm trọng ngày càng tăng của khủng hoảng theo chu kỳ kinh doanh và xu hướng lâu dài hướng tới khủng hoảng kinh tế sẽ khiến tầng lớp vô sản đánh đổ hệ thống thông qua bạo lực cách mạng. Do đó, mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản là với tích lũy tư bản, chủ nghĩa tư bản ươm mầm cho chính sự tự hủy diệt chính mình và sẽ được thay thế bằng hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Mác tin rằng vào giữa thế kỷ 19, sự trưởng thành của chủ nghĩa tư bản ở Châu Âu và việc các quốc gia ngoại vi bị kéo vào kinh tế thị trường đã tạo ra bối cảnh cho cách mạng vô sản và sự kết thúc của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Khi điều này không xảy ra, những người kế thừa Mác như là Rudolf Hilferding và Rosa Luxemburg bắt đầu quan tâm đến sự tiếp tục tồn tại của chủ nghĩa tư bản và việc nó không chịu biến mất. Sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc, sự thành công về kinh tế của chủ nghĩa tư bản, và sự xuất hiện của chủ nghĩa đế quốc dẫn đến một dạng thức khác của chủ nghĩa Mác mà đỉnh cao là cuốn Chủ nghĩa đế quốc của Lenin, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1917. Được viết vào giai đoạn cuối của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và dựa vào những tác phẩm khác của các nhà Mác xít khác, Chủ nghĩa Đế quốc vừa là một bút chiến chống lại những tư tưởng đối kháng vừa là một bản tổng hợp những điểm chỉ trích của chủ nghĩa Mác đối với nền kinh tế tư bản thế giới. Để bảo vệ quan điểm của mình, Lenin về cơ bản đã chuyển chủ nghĩa Mác từ một lý thuyết về kinh tế trong nước trở thành một lý thuyết về mối quan hệ chính trị quốc tế giữa các nước tư bản.

Lenin đặt cho mình nhiệm vụ giải thích cho việc chủ nghĩa dân tộc đã thắng thế trước chủ nghĩa vô sản quốc tế khi cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra và tìm cách để cung cấp những cơ sở học thuật cho việc thống nhất phong trào cộng sản quốc tế dưới sự lãnh đạo của ông. Ông muốn chỉ ra tại sao đảng cộng sản của nhiều nước Châu Âu, đặc biệt là Đảng Dân chủ Xã hội Đức dưới thời Karl Kautsky đã ủng hộ cho những người tư sản. Ông cũng cố giải thích tại sao sự bần cùng hóa giai cấp vô sản đã không xảy ra như dự đoán của Mác mà thay vào đó lương đã được tăng và các công nhân trở thành những thành viên nghiệp đoàn.

Những năm trong giai đoạn giữa Mác và Lenin, chủ nghĩa tư bản đã trải qua một sự thay đổi to lớn. Mác đã viết về Chủ nghĩa tư bản chủ yếu là ở Tây Âu, một nền kinh tế đóng sẽ ngừng phát triển khi gặp phải những cản trở. Tuy nhiên, giữa những năm 1870 và 1914, chủ nghĩa tư bản đã trở thành một hệ thống kinh tế mở toàn cầu phát triển mạnh và có trình độ kỹ thuật cao. Trong thời kỳ của Mác, sự kết nối chủ yếu của nền kinh tế phát triển chậm chạp lúc đó chủ yếu thông qua thương mại. Tuy nhiên, sau năm 1870 sự xuất khẩu tư bản với quy mô lớn của Anh và sau đó là của nhiều quốc gia phát triển khác đã làm thay đổi nền kinh tế thế giới; đầu tư nước ngoài và tài chính quốc tế đã thay đổi sâu sắc các mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa các xã hội. Hơn nữa, chủ nghĩa tư bản của Mác chỉ bao gồm các nhà máy công nghiệp nhỏ và canh trạnh nhau. Tuy nhiên, đến thời của Lenin, các tập đoàn công nghiệp lớn do giới tư bản ngân hàng kiểm soát đã chế ngự nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Đối với Lenin, việc kiểm soát tư bản bằng tư bản, có nghĩa là việc tư bản công nghiệp bị kiểm soát bởi tư bản tài chính, chính là giai đoạn phát triển tột cùng của chủ nghĩa tư bản.

Lenin cho rằng chủ nghĩa tư bản đã thoát khỏi ba quy luật thông qua chủ nghĩa đế quốc ở hải ngoại. Việc chiếm thuộc địa đã tạo điều kiện cho nền kinh tư bản tiêu thụ được những sản phẩm dư thừa, thu được các nguồn tài nguyên rẻ và giải phóng thặng dư tư bản. Việc khai thác các thuộc địa này gia tăng thặng dư kinh tế mà các nhà tư bản có thể dùng để mua chuộc lãnh đạo (các công nhân quý tộc) của chính giai cấp vô sản trong nước. Ông cho rằng, chủ nghĩa đế quốc thuộc địa đã trở thành một đặc điểm cần thiết của chủ nghĩa tư bản tiên tiến. Khi lực lượng sản xuất phát triển và trưởng thành, nền kinh tế tư bản phải bành trướng ra nước ngoài, chiếm thuộc địa, nếu không sẽ vấp phải trì trệ kinh tế và các cuộc cách mạng bên trong. Lenin chỉ ra sự mở rộng cần thiết này của chủ nghĩa tư bản cuối cùng sẽ dẫn đến sự suy tàn của hệ thống tư bản chủ nghĩa quốc tế.

Bản chất của lập luận của Lenin là chủ nghĩa tư bản quốc tế đã làm thế giới phát triển, nhưng phát triển không đồng đều. Các nền kinh tế tư bản riêng rẽ phát triển ở những trình độ khác nhau và sự phát triển sức mạnh quốc gia khác nhau này là nguyên nhân của chủ nghĩa đế quốc, chiến tranh, và sự thay đổi chính trị quốc tế. Đáp lại những ý kiến của Kautsky cho rằng các nhà tư bản quá lý trí nên không thể đánh nhau vì các thuộc địa và có thể liên kết với nhau cùng bóc lột các nhân dân thuộc địa, Lenin nói rằng điều này là không thể do “quy luật phát triển không đồng đều”.

Vấn đề này (khả năng liên minh lâu dài và không xung đột với nhau của các nhà tư bản) cần phải được nói rõ ràng để không ai có thể đồng ý với khả năng đó, bởi không có cơ sở nào giúp chủ nghĩa tư bản có thể phân chia khu vực ảnh hưởng rõ ràng hơn là sự tính toán sức mạnh của những người tham gia vào sự phân chia đó, như sức mạnh tổng hợp về kinh tế, tài chính và quân sự. Và sức mạnh của những nước tham gia vào sự phân chia này không thay đổi để đạt mức cân bằng, bởi vì dưới chế độ tư bản, sự phát triển các nhà máy, các tập đòan và các ngành công nghiệp, hay các quốc gia không thể đồng đều nhau. Nửa thế kỷ trước, nếu nhìn vào sức mạnh tư bản, Đức là một quốc gia nghèo, không có sức ảnh hưởng nếu so với sức mạnh của Anh tại lúc đó. Nhật Bản cũng là một quốc gia kém quan trọng khi so sánh với nước Nga. Và liệu có thể cho rằng trong vòng mười hay hai mươi năm sức mạnh tương đối của các cường quốc đế quốc vẫn không thay đổi hay không? Điều này là hoàn toàn không thể (Lenin, 1917).

Trên thực tế, trong đoạn văn vừa rồi cũng như trong nỗ lực của ông nhằm chứng minh rằng hệ thống chủ nghĩa tư bản quốc tế chứa đựng những yếu tố nội tại không ổn định, Lenin đã bổ sung một quy luật thứ tư vào ba quy luật của Mác về chủ nghĩa tư bản. Quy luật này là khi nền kinh tế tư bản trưởng thành, khi tư bản được tích lũy và lợi nhuận giảm, các nền kinh tế tư bản buộc phải chiếm thuộc địa và tạo ra sự phụ thuộc để có được thị trường, nơi đầu tư và nguồn nhập khẩu thực phẩm và các nguyên liệu thô. Trong khi cạnh tranh với nhau, các nước này phân chia thuộc địa tùy theo sức mạnh tương đối của mình. Do đó, nền kinh tế tư bản phát triển nhất, ví dụ như Anh, có được phần thuộc địa nhiều nhất. Tuy nhiên, khi các nền kinh tế khác phát triển, họ tìm cách chia lại thuộc địa. Mâu thuẫn đế quốc này sẽ dẫn đến các cuộc đấu tranh vũ trang không thể tránh khỏi giữa các đế quốc đang nổi lên và các đế quốc đang suy tàn. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, theo như những phân tích này là cuộc chiến tranh nhằm chia lại lãnh thổ giữa đế quốc đang suy tàn là Anh và các cường quốc đang nổi lên khác. Ông cho rằng các cuộc chiến tranh phân chia thuộc địa như vậy sẽ tiếp tục, tới khi các vùng thuộc địa công nghiệp và giai cấp vô sản của các nước tư bản nổi dậy chống lại hệ thống này.

Xét một cách tổng thể, Lenin lập luận rằng vì nền kinh tế tư bản phát triển và tích lũy tư bản với những tốc độ khác nhau, một hệ thống tư bản quốc tế không bao giờ ổn định lâu dài. Đối lập lại với những quan điểm của Kautsky, Lenin cho rằng tất cả các liên minh tư bản đều là tạm thời và phản ánh cân bằng quyền lực nhất thời giữa các nước tư bản vốn cuối cùng cũng sẽ bị suy yếu bởi quy luật phát triển không đều. Và điều này sẽ dẫn đến cuộc xung đột giữa các nước tư bản để giành thuộc địa.

Quy luật phát triển không đồng đều, với những kết cục mang tính định mệnh của nó, đã được chứng minh trên hiện thực trong thời đại của Lenin vì thế giới bỗng nhiên trở nên có hạn, bản thân quả địa cầu trở thành một hệ thống đóng. Trong nhiều thế kỷ các cường quốc tư bản Châu Âu đã bành trướng, xâm chiếm các lãnh thổ nước ngoài, nhưng các cường quốc đế quốc cũng ngày càng giao thiệp với nhau nhiều hơn và do đó sẽ xung đột với nhau khi mà các vùng đất có thể biến thành thuộc địa giảm đi. Lenin tin rằng bi kịch cuối cùng sẽ là sự phân chia Trung Quốc giữa các đế quốc, và với sự khép lại của các vùng đất có thể làm thuộc địa, tranh chấp giữa đế quốc sẽ ngày càng khốc liệt. Cùng lúc đó, mâu thuẫn giữa các các cường quốc đế quốc sẽ đưa đến các cuộc nổi loạn của chính các thuộc địa và làm suy yếu sự áp bức của chủ nghĩa tư bản phương Tây đối với các dân tộc bị bóc lột trên toàn cầu.

Việc quốc tế hóa chủ nghĩa Mác của Lenin thể hiện một sự biến chuyển quan trọng. Theo những chỉ trích của Mác đối với chủ nghĩa tư bản, nguyên nhân của những suy thoái bắt nguồn từ kinh tế, chủ nghĩa tư bản sẽ thất bại vì những lý do kinh tế khi những người vô sản nổi dậy chống lại sự bần cùng hóa. Hơn nữa, Mác đã chỉ ra những chủ thể chính trong những bi kịch này là các giai cấp xã hội. Tuy nhiên, Lenin đã thay thế những chỉ trích chính trị đối với chủ nghĩa tư bản mà theo đó các chủ thể chính trên thực tế đã trở thành các quốc gia thương mại tranh giành nhau nguồn lực kinh tế. Mặc dù chủ nghĩa tư bản quốc tế đã thành công về mặt kinh tế, Lenin cho rằng hệ thống này không ổn định và tạo nên một hệ thống chiến tranh. Công nhân hay giới lao động quý tộc ở các nước tư bản phát triển tạm thời chia sẻ sự bóc lột các dân tộc thuộc địa nhưng cuối cùng sẽ phải trả giá cho những lợi ích kinh tế đó trên chiến trường. Lenin tin tưởng rằng mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản nằm ở những mâu thuẫn giữa các quốc gia hơn là sự đấu tranh giai cấp. Chủ nghĩa tư bản sẽ tiêu vong do sự nổi dậy chống lại xu hướng hiếu chiến cố hữu của chủ nghĩa tư bản cũng như các hậu quả chính trị của quá trình đó.

Tóm lại, Lenin cho rằng sự mâu thuẫn bên trong của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa tư bản phát triển thế giới nhưng đồng thời ươm những hạt mầm chính trị của sự hủy diệt chính nó thông qua quá trình phổ biến công nghệ, các nghành công nghiệp và sức mạnh quân sự. Nó tạo ra các đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài với mức lương và mức sống thấp hơn, vốn có thể cạnh tranh thắng lợi với những nền kinh tế áp đảo trước đây trên thị trường thế giới. Sự gia tăng cạnh tranh kinh tế và chính trị giữa các cường quốc đang nổi lên với các cường quốc đang suy tàn dẫn đến các cuộc xung đột kinh tế, tình trạng đối đầu, và cuối cùng là chiến tranh. Ông cho rằng nhận định này đã từng là số phận của nền kinh tế tự do mà Anh là trụ cột trong thế kỷ 19. Ngày nay Lenin sẽ cho rằng khi nền kinh tế Mỹ suy thoái, một số phận tương tự sẽ đe dọa trật tự kinh tế tự do của thế kỷ 20 mà Mỹ là trụ cột.

Với thắng lợi của chủ nghĩa Bolshevic ở Liên Xô, lý thuyết của Lenin về chủ nghĩa đế quốc tư bản trở thành lý thuyết Mác xít chính thống về kinh tế chính trị quốc tế; dẫu vậy những người kế thừa khác của Mác vẫn tiếp tục thách thức ý tưởng chính thống này. Lý thuyết này cũng đã được chỉnh sửa do những biến đổi về bản chất của chủ nghĩa tư bản cũng như những sự thay đổi lịch sử khác. Chủ nghĩa tư bản với nhà nước phúc lợi đã tiến hành nhiều cải cách mà Lenin tin là không thể xảy ra, sự cai quản về mặt chính trị các vùng thuộc địa không còn được các nhà Mác xít xem là một đặc điểm quan trọng chủ nghĩa đế quốc, tư bản tài chính của thời Lenin đã bị thay thế một phần bởi các công ty đa quốc gia, và quan điểm cho rằng chủ nghĩa đế quốc tư bản làm cho các quốc gia kém phát triển trở nên phát triển hơn đã được thay thế bằng những lập luận ngược lại. Và một số nhà Mác xít còn đi xa hơn khi áp dụng những lý thuyết của Mác vào nước Nga Xô Viết, một tác phẩm chính trị của Lenin. Vì vậy dù có thay đổi, vào cuối thế kỷ 20, chủ nghĩa Mác dưới các dạng biểu hiện khác nhau vẫn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và vẫn là một trong ba tư tưởng quan trọng về kinh tế chính trị.

 


Ngày cập nhật 2014/11/07 Tác giả: nhadatphucankhang





Tag:
Hỗ trợ trực tuyến

 

0835570473 - Họa sĩ Minh Tâm vẽ tranh Phong Thủy và Tôn Giáo

---

0938168807 (Marina)

Hình Ảnh Dự Án

Liên Kết Website

BACK TO TOP