Kiến trúc phong thủy Cố đô Huế

PHÚC AN KHANG Fengshui Marina Tâm  0938168807

So với các cố đô khác ở Đông Nam Á, Huế là nơi bảo lưu được tương đối nguyên vẹn nhất diện mạo của một quần thể kiến trúc kinh đô thời quân chủ, bao gồm thành lũy, cung điện, lăng tẩm v.v… Nó đã được triều Nguyễn (1802-1945) cho quy hoạch và xây dựng một cách có hệ thống, đầy tính triết lý và giàu chất nghệ thuật.

Ngày 11-12-1993, Ủy ban Di sản Thế giới (thuộc UNESCO) đã công nhận Quần thể Di tích Huế là Di sản Văn hóa của nhân loại, khi nhận định rằng :

“Quần thể Di tích Huế là một thí dụ điển hình về thiết kế đô thị và xây dựng một thành phố kinh đô có phòng thủ, biểu hiện quyền lực của vương quốc phong kiến ngày xưa ở Việt Nam vào thời tột đỉnh của nó đầu thế kỷ 19”.

Ở Bờ Bắc sông Hương, kinh thành với diện tích 500 ha và chu vi gần 10 km đã được xây dựng để bảo vệ cho mọi cơ quan và các sinh hoạt hành chánh của triều đình. Xây dựng suốt 27 năm (1805-1832) với hàng triệu nhân công, kinh thành Huế là một kỳ công của dân tộc. Bên trong kinh thành là Đại hội, gồm Hoàng thành và Tử Cấm thành, với hơn 100 công trình kiến trúc lớn nhỏ, trong đó có hàng chục cung điện lộng lẫy vàng son, dành cho vua cùng các đình thần làm việc và hoàng gia ăn ở.

Xa xa về phía Nam sông Hương là 7 khu lăng tẩm của các vua từ Gia Long đến Khải Định. Lăng tẩm các nhà vua Nguyễn là những đóa hoa nghệ thuật đầy hương sắc nở ra giữa chốn núi rừng. Mỗi lăng vua là một cõi thiên đường mà chủ nhân của nó đã tạo ra khi còn tại vị, để sau đó trở thành cõi sống vĩnh cữu của mình ở thế giới bên kia. Chính nhờ vẻ đẹp mỹ miều đầy chất triết lý ấy mà lăng tâm Huế đã được đánh giá là một thành tựu rực rỡ nhất trong nền kiến trúc cổ của đất nứớc và được xem là một kỳ quan của thế giới.

Nằm xen kẽ giữa các khu vực kiến trúc nghệ ấy và rải rác đó đây là đàn Nam Giao (nơi vua tế trời), Hổ Quyền (chỗ voi cọp đấu nhau), Văn Miếu (với 32 tấm bia tiến sĩ), diện Hòn Chén (nơi thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na), núi Ngự Bình, đồi Vọng Cảnh, núi Bạch Mã, Cầu Ngói Thanh Toàn và đặc biệt nhất là dòng sông Hương kiều diễm.

Là thủ đô Phật giáo của Việt Nam một thời, Huế có hàng chục ngôi chùa nổi tiếng tọa lạc giữa những thung lũng của vùng gò đồi tĩnh mịch hay trong các thôn làng hẻo lánh. Huế cũng là thành phố của nhà vườn, với bao ngôi nhà cổ nép mình trong những xóm phường yên ả giữa lòng cố đô.

Dựa vào các nguyên tắc địa lý phong thủy (géomancie) của Đông phương và thuyết âm dương ngũ hành của Dịch học, các nhà kiến trúc đầu thế kỷ XIX đã cho hệ thống thành quách và cung điện ấy quay mặt về hướng nam. Họ đã dùng núi Ngự Bình cao 104 m (cách bờ nam sông Hương 3km) làm tiền án và hai hòn đảo nhỏ mang tên Cồn Hến và Dã Viên trên sông Hương làm “Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ” chầu vào trước mặt kinh thành.

Trên các mặt thành đều có xây các pháo đài (bastion), giác bảo (lunette d’angle), pháo nhãn (embrasure), tường bắn (mur de tir), vọng lâu (mirador) .. để canh gác, phòng thủ. Ở giữa mặt tiền kinh thành là Kỳ đài cao lớn uy nghi.

Được kết hợp với các nguyên tắc kiến trúc của Đông phương lẫn Tây Phương và vận dụng vào điều kiện địa lý tại chỗ để xây dựng một cách thích hợp và tự nhiên, Kinh thành Huế là cái thành vĩ đại và kiên cố nhất so với các Kinh đô khác trong lịch sử Việt Nam.

Bố cục mặt bằng của hệ thống kiến trúc hết sức chặt chẽ, cân đối, nhịp nhàng và liên tục. Phần lớn đối xứng nhau từng cặp qua đường trục chính của Đại Nội, gọi là đường Dũng đạo, và các công trình kiến trúc đều ở vào những vị trí tiền, hậu, tả, hữu, thượng, hạ rất nhất quán. Các nguyên tắc cổ điển được tôn trọng : tả văn, hữu võ, tả na, hữu nữ, tả chiêu, hữu mục … Các con số Dịch học đã được áp dụng tối đa, nhất là số 9 và số 5 trong hào “cửu ngũ” của Kinh dịch :”Ngọ Môn 5 cửa 9 lầu”, cửu đỉnh, cửu vị thần công, cửu phẩm v.v…

Về vị trí, phương hướng của Kinh Thành, các nhà kiến trúc Việt Nam thời Gia Long đã áp dụng các nguyên tắc Âm Dương ngũ hành của Dịch học, Kinh Thành quay mặt về phía Nam, vì Kinh dịch đã viết :”Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (vua quay mặt về phía nam để cai trị thiên hạ). Dùng núi Ngự Bình ở phía nam sông Hương làm tiền án. Chọn cồn Hến và cồn Dã Viên trên sông làm thế “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”… Nghệ thuật kiến trúc Việt Nam biểu lộ rõ nét nhất là những vọng lâu bên trên các cửa thành : mái lợp ngói âm dương, bốn góc uốn cong hình con phụng, mặt trong của vọng lâu lại khoét hai bên hai chữ “thọ” lớn, làm toàn bộ vọng lâu giống như một cái miếu cổ.

Về nghệ thuật bố phòng quân sự, Kinh Thành Huế được xây dựng theo kiểu thành lũy của Vauban : chung quanh xây 24 pháo đài và giác bảo, cùng một thành phụ là Trấn Bình Đài. Tất cả các bộ phận đó cùng với vòng đai bảo vệ bên ngoài là Hộ Thành Hà, hào, thành giai (glacis), phòng hộ (berme) … tạo nên một hệ thống bố phòng rất nghiêm ngặt, vững chắc.

”Kinh Thành Huế nhất định là cái pháo đài đẹp nhất và đều đặn nhất ở Đông Dương, kể cả pháo đài William ở Calcutta và Saint – Georges ở Madras do người Anh làm”.

“Nét ưu việt trong kiến trúc Kinh Thành Huế là sự kết hợp chặt chẽ đầy trí tuệ giữa kiến trúc và thiên nhiên, kéo thiên nhiên về phía mình để phục vụ cho ý đồ quy hoạch. Sông Hương không chỉ là trục giao thông quốc phòng đường thủy nối liền với các cửa khẩu, mà còn là xương sống tạo nên vẻ đẹp của thành phố, hệ thống sông ngòi và hồ có chức năng bảo vệ thành trì .. vừa là nơi trồng sen tạo nên vẻ yên tĩnh, sâu thẳm của thành phố  từ hạ sang thu. Cũng trong ý đồ quy hoạch thông minh ấy, vùng rừng đồi Tây Nam Huế được dùng cho quần thể các kiến trúc lăng tẩm và những làng vườn trung du, đồng thời là vùng đất dự trữ nhằm phát triển thành phố về sau”.

Bố cục mặt bằng của hệ thống kiến trúc rất chặt chẽ, đăng đối. Phần lớn các công trình kiến trúc đều đối xứng từng cặp qua đường trục chính và ở vào những vị trí tiền, hậu, tả, hữu, thượng, hạ nhất quán. Các con số 9 và số 5 trong Kinh dịch đã được sử dụng nhiều trong kiến trúc vì nó ứng với mạng Thiên tử.

- Các công trình kiến trúc biểu hiện rõ tư tưởng độc tôn quân quyền. Tử Cấm Thành là một tiểu vũ trụ của hoàng gia, trong đó có đầy đủ mọi tiện nghi sinh hoạt : ăn, ở, làm việc, giải trí. Điện Càn Thành, nơi nhà vua ăn ngủ, tọa lạc ở trung tâm của vũ trụ đó.

Vì Kinh dịch quy định ông vua bao giờ cũng quay mặt về phía nam để cai trị thiên hạ, cho nên, ngay từ thời Gia Long (1802-1819), khi xây dựng kinh đô Huế, các nhà kiến trúc đã cho hệ thống thành quách và cung điện ở vào vị thế “tọa càn hướng tốn” (tây bắc – đông nam). Hướng này cũng được xem như hướng bắc – nam. Đối với ngai vàng trong điện Thái Hòa được xem như vị trí trung tâm của mặt bằng tổng thể, Ngọ Môn nằm ở phía nam của nó. Căn cứ trên la kinh (la bàn) của khoa địa lý phong thủy Đông phương, phía nam thuộc  hướng “ngọc” trên trục “tý – ngọ” (nghĩa là bắc – nam). Do đó, triều Minh Mạng đã đặt tên cho cái cổng mới xây ở chính giữa mặt trước Hoàng Thành và Ngọ Môn, thay cho cái tên cũ trước đó là Nam Khuyết Đài. Chúng ta nên hiểu Ngọ Môn là cổng phía nam với ý nghĩa mang tính không gian, chứ không nên cho rằng chữ “ngọ” ở đây mang tính thời gian là giờ “ngọ”, lúc mặt trời đứng bóng giữa ngày. Thành thử, không thể dịch chữ Ngọ Môn ra thành “Noon Time Gate” như có người đã dịch. Có hiểu đúng ý của người xưa khi đặt tên, mới thấy rõ hơn vị trí của Ngọ Môn trong tổng thể kiến trúc Đại Nội. Ngày xưa, cổng này thường đóng chặt quanh năm, chỉ được mở khi vua ra vào Hoàng Thành có đoàn Ngự đạo đi theo, và trong những dịp tiếp kiến các sứ thần ngoại quốc quan trọng trong Hoàng Cung.

Mặt khác, những số đếm trên kiến trúc Ngọ Môn cũng đã được áp dụng theo nguyên tắc của Dịch học Đông phương, chẳng hạn như số 5, số 9, số 100. Năm lối đi tượng trưng cho “Ngũ hành”.

Hai chữ “thái hòa” có gốc từ kinh Dịch. Ở phần viết về quẻ “Càn” trong sách này có câu:”Bảo hợp thái hòa, nãi lợi trinh” (tạm dịch : giữ gìn và thể hiện được sự hòa hợp thì lợi ở điều chính). Trong lời chú giải về câu ấy, Chu Hy viết “Thái hòa, âm dương hội hợp xung hòa chi khí dã” (thái hòa là cái khí âm dương hội hợp mà dung hòa với nhau). Càn, quẻ đầu tiên trong “bái quái” là quẻ nói về những biểu tượng cao cả nhất, như trời, như vua … Người ta nói tượng trời là “Càn tượng”, quyền vua là “Càn cương”. Những biểu tượng ấy thuộc về “dương”. Nếu ông vua, người cầm cương nẩy mực trong thiên hạ, mà chỉ thuần có “dương” thôi thì dễ sinh ra “cương bạo” (cứng cỏi hung ác). Cho nên, cần phải giữ cho được sự hòa hợp tốt đẹp giữa dương và âm, cương và nhu, thì mới hữu ích cho vạn vật. Ở một câu khác trong quẻ Càn, Chu Hy đã chú thích rằng :”Quân đạo cương nhi nhu, thiên hạ vô bất trị hỹ” (Đạo làm vua cứng mà biết mềm, thì mọi việc trong thiên hạ đều bình trị được cả).

Về trang trí cũng như kiến trúc của điện Thái Hòa nói chung, có một khái niệm đáng lưu ý đặc biệt là con số 5, và nhất là con số 9. Hai con số ấy xuất hiện chẳng những ở trang trí nội ngoại thật của tòa nhà mà còn ở trên các bậc thềm của nó nữa. Từ phía Đại Cung Môn của Tử Cấm Thành đi ra điện Thái Hòa, vua phải bước lên một hệ thống bậc thềm ở tầng nền dưới là 9 cấp và ở tầng nền trên là 5 cấp. Trước mặt điện số bậc cấp bước lên Đệ nhị Bái đình và Đệ nhất Bái Đình cộng lại là 9. Tiếp đó, hệ thống bậc thềm ở nền điện cũng có 5 cấp. Đứng ở sân Đại Triều nhìn vào, hay từ phía Tử Cấm Thành nhìn ra, người ta đều thấy trên mỗi mái điện đều được đắp nổi 9 con rồng ở trong các tư thế khác nhau : lưỡng long chầu hổ phù đội bầu rượu, lưỡng long chầu mặt nhật, hồi long (rồng quay đầu lại), rồng ngang v.v.. Ở nội điện cũng thế, từ ngai vàng, bửu tán, các mặt diềm gỗ chung quanh, cho đến mỗi mặt của ba tầng bệ : mỗi nơi đều trang trí một bộ 9 con rồng. Có thể nói rằng điện Thái Hòa là giang sơn để cho loài rồng bay lượn. Các nhà kiến trúc triều Nguyễn đã lấy ý nghĩa của con rồng và con số ấy từ hào “cửu ngũ” trong kinh Dịch để thể hiện thành những hình ảnh đó. Hào này viết “Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân (như con rồng đã hiện ra giữa trời, mình đi ra mắt kẻ đại nhân thì có lợi). Hào cửu ngũ (chín năm) thuộc quẻ Càn, ứng với mạng thiên tử, sánh với đức của thánh nhân, ở vào địa vị tột đỉnh trong xã hội (cư tôn vị). Cho nên, chỗ vua ở thường được gọi là chốn cửu trùng, địa vị của vua gọi là “cửu ngũ chi tôn” hoặc “tôn cưu cửu ngũ”.

Cách đây gần 80 năm, một người Tây phương tên là Ph. Eberhard đã viết :

“Huế là một trung tâm du lịch hấp dẫn, nơi có Kinh Thành, Hoàng Thành và lăng tẩm, có một sức cuốn hút sự chú ý đặc biệt của du khách và các nhà mỹ thuật. Chỉ riêng lăng tẩm các vua nhà Nguyễn không thôi cũng đã đủ có giá trị đối với cuộc du lịch rồi, theo ý kiến chung, lăng tẩm Huế đẹp hơn lăng tẩm các vua nhà Minh ở Trung Quốc”.

Nhiều thể hiện trên di tích tại chỗ cho thấy vua là đấng chí tôn được biểu trưng bằng hình ảnh mặt trời cao cả. Và hình ảnh mặt trời lặn biểu thị khái niệm  vua băng hà. Khi đã băng hà, vua cùng mặt tròi đi về phía tây để an giấc ngàn thu nơi vùng đồi núi tĩnh mịch. Ở góc trời yên ả đó có dòng sông Hương êm đềm thơ mộng chảy qua.

Điều mà các nhà kiến trúc dưới thời Nguyễn phải tuân thủ triệt để trước tiên là nguyên tắc phong thủy (géomancie). Đó là phần việc chuyên môn của các quan ở bộ Lễ, ở Khâm Thiên Giám và một vài cơ quan khác. Âm phần của các vua có phát hay không, hậu vận của Hoàng tộc tốt hay xấu đều do sự lựa chọn của đất “vạn niên cát địa”, do việc định đặt phương hướng và việc coi ngày khởi công xây dựng. Lăng tẩm nào cũng phải theo đúng những quy luật liên quan đến các thực thể địa lý thiên nhiên như : sống núi, ao hồ, khe suối và nhất là “Huyền cung” ở trung tâm điểm của mặt bằng kiến trúc phải tọa lạc đúng long mạch. Các thấy địa giỏi nhất bấy giờ phải bỏ ra hàng tháng nếu không nói là hàng năm, đi khắp vùng núi đồi tây và tây nam kinh thành để chọn cho ra một địa cuộc hội đủ các nguyên tắc sơn triều thủy tụ, tiền án hậu chẩm, tả long hữu hổ, huyền thủy minh đường … Dù lý thuyết ohong thủy cổ xưa ấy được nhận định , đánh giá như thế nào, hệ quả tốt đẹp của nó cũng đã tạo ra được cho kiến trúc Huế nói riêng những ngoại cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tráng lệ.

Ít ai nghĩ rằng vùng lăng Gia Long rộng tới 2.875 ha và có đến 42 ngọn núi chầu vào trung tâm điểm là mộ địa. Vùng lăng Triệu Thị rộng 475 ha, có những ngọn núi đứng làm tiền án cách xa lăng đến 8km. Trước mặt lăng Khải Định là dòng khe Châu Ê chảy khuất khúc từ trái sang phải rồi rẽ lại theo thế “chi huyền thủy” và hai bên là hai dãy núi Chóp Vung và Kim Sơn nằm trong tư thế rồng chầu hổ phục.

Hầu hết các núi đồi, khe suối, sông hồ, cây cỏ ở miền cận sơn xứ Huế đều đã được tận dụng hoặc chỉnh trang lại, cải tạo thành để làm bối cảnh cho kiến trúc lăng tẩm. Các nghệ nhân tài ba ngày trước đã khai thác không gian và thiên nhiên ngoại cảnh một cách triệt để, đưa chúng vào trong kiến trúc một cách chủ động, bắt chúng phải phục tùng ý định của tác giả công trình. Đồng thời, nơi nào thiên nhiên thiếu sót thì họ uốn nắn lại, hoặc đưa kiến trúc vào để tạo nên một vẻ mỹ quan thích đáng. “Không gian bên ngoài luồn vào không gian của kiến trúc, kéo kiến trúc về với thiên nhiên, góp phần tổ chức lại không gian chung”.

Năm 1918, Phạm Quỳnh đã nhận xét trên tạp chí Nam Phòng :

“Lăng đây là gồm cả màu giời, sắc nước, núi cao, rừng rậm, gió thổi ngọn cây, suối reo hang đá … Lăng đây là bức cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ghép thêm một bức cảnh nhân tạo tuyệt khéo. Lăng đây là cái nhân công tô điểm cho sơn thủy … Không biết lấy nhời gì mà tả được cái cảm lạ, cái êm đềm vô cùng … Không đâu cái công dựng đặt của người ta với cái vẻ thiên nhiên của giời đất khéo điều hòa nhau bằng ở đây, cung điện đình tạ cùng một màu, một sắc như núi non, cây cở …”

Kiến trúc cổ Việt Nam nói chung là kiến trúc phong cảnh, còn gọi là kiến trúc cảnh vật hóa (architecture paysagée). Nghệ thuật kiến trúc này đã đạt đến đỉnh cao ở lăng tẩm Huế. Vào năm 1981, sau khi đến thăm Huế, ông Tổng giám đốc UNESCO Amadou-Mahtar-M’ Bow đã viết :”Lăng tẩm các vua nhà Nguyễn … biểu hiện những biến tấu độc đáo trên một chủ đề thống nhất. Mỗi một lăng vua với đặc tính riêng của nó là một thành tựu tuyệt mỹ của nền kiến trúc cảnh vật hóa, và mỗi lăng tẩm khơi dậy trong cảm xúc khách tham quan một âm vang đặc biệt. Lăng Gia Long giữa một khu vườn thiên nhiên bao la, gợi lên một ấn tượng hùng tráng và thanh thản, lăng Minh Mạng đầy vẻ trang nghiêm và lăng Tự Đức đem đến cho du khách một hồn êm thơ mộng”.

Vào thăm lăng tẩm Huế, người ta có cảm giác như đi chơi ở công viên mỹ lệ giữa chốn núi rừng bao la, ở đó có thể nghe thấy được chim hót, hoa nở, suối chảy, thông reo.

Kiến trúc lăng tẩm Huế có ngôn ngữ riêng biệt và ý nghĩa sâu xa của nó. Có hiểu thấu thì mới giải thích được tại sao ở chốn âm phần lại có cả hệ thống cung điện để ăn chơi hưởng thụ, có cả nhà hát để thưởng thức nghệ thuật sân khấu và sắc đẹp giai nhận, mới lý giải được tại sao phần nội thất cung Thiên Định ở lăng Khải Định giống như một viện bảo tàng mỹ thuật trông thật vui mắt, sống sít, và mới biết được tại sao khắp các lăng tẩm đều trang trí rất nhiều hóa văn hình chữ “thọ” (nghĩa là sống lâu) và chữ “hỷ” (nghĩa là vui mừng).

Kiến trúc lăng tẩm Huế còn cho thấy một thái độ thanh thản khôn ngoan đối với cái chết tất nhiên phải đến với đời người. Lăng và tẩm có nơi chỉ gần nhau trong gang tấc. Các vua đến vui chơi trong khu vực tẩm, nhìn qua cái huyệt đào sẵn ở khu vực lăng mà chẳng băn khoăn lo sợ, ngược lại, họ vẫn sống tự tại, ung dung. Thấu hiểu quy luật tư nhiên của đời người, họ vui vẻ trước cái chết và sẳn sàng chờ tử thần đến đưa họ đi qua thế giới bên kia. Vì đó là ngôi nhà vinh cửu, nơi an giấc ngàn thu, cõi trường sinh bất diệt. Do vậy, kiến trúc ở đây đã thể hiện được một sự tổng hợp (synthèse) giữa đạo (religion) với đời (profane) và trở thành cõi sống của những người đã chết. Kiến trúc giàu tính nghệ thuật ấy đã làm cho nỗi tang tóc lắmkhi phải nhường chỗ cho niềm vui tươi.

Vào thăm lăng tẩm ở Huế, người ta không hề gặp những hình ảnh gây ấn tượng chết chóc, sợ hãi, lạnh lùng như vào viếng “Minh thập tam lăng” ở Trung Quốc, người ta cũng không cảm thấy mình trở nên nhỏ bé bị áp lực nặng nề, và bị “dọa nạt” như khi đứng trước những kim tự tháp quá đồ sộ của các Hoàng đế Ai Cập. Trong lăng tẩm Huế, con người vẫn là chủ thể của kiến trúc và thiên nhiên, Ở đây, người ta bắt gặp những hình ảnh quen thân, gần gũi, có được cảm giác lâng lâng thích thú giữa thực và mộng. Một du khách Tây phương đã từng nói lăng tẩm Huế là nơi “tang tóc mỉm cười và vui tươi thổn thức. Charles Patris trong một bài thờ viết về lăng tẩm Huế cũng đã cho rằng :

Tạm dịch :

Các vua nhà Nguyễn khôn ngoan,

Làm cho cái cảnh tóc tang biết cười.

Lăng Gia Long hoành tráng mà đơn giản như cuộc đời của một võ tướng. Mật độ kiến trúc tương đối thưa. Các công trình được trải ra theo chiều ngang. Rộng rãi mênh mông nhưng ở đây không có lâu đài đình tạ và cũng chẳng xây dựng la thành. Núi đồi chung quanh dăng ra như một vòng thành thiên nhiên bao bọc. Đơn giản nhất là trong khu mộ táng thi hài vua và hoàng hậu. Hai nấm mộ bằng đá nằm song song, cách nhau chỉ một gang tay, có cùng khuôn khổ và kích thước, bên trên đều có hai máiu chảy xuôi trông như những mái nhà mà thời gian đã nhuộm đen thành màu than đá. Không một nét chạm trổ, chẳng một màu sơn thếp, tất cả chỉ là những tấm đá thanh phẳng lì, trơ trụi, tạo ra giữa chốn hoang liêu này một không khí tĩnh mịch và uy nghiê. Nhưng, hai ngôi mộ nằm sát bên nhau biểu hiện biết bao tình cảm cao đẹp thủy chung giữa vua và hoàng hậu vào sinh ra tử với nhau trong suốt cuộc đời chinh chiến. Đó là một điểm độc đáo của lăng Gia Long mà người ta không tìm thấy ở lăng vua nào khác.

Vào năm Minh Mạng thứ 7, tức năm 1826, nhà vua đã bảo các quan giỏi về địa lý phong thủy trong triều đi coi đất để chuẩn bị xây lăng cho mình. Nhưng, mãi đến 14 năm sau (1840) vua Minh Mạng mới chọn được địa điểm và đề án kiến trúc ưng ý nhất tại vị trí hiện nay. Quan Lê Văn Đức là ngưòi tìm ra địa cuộc tốt lành đó được nhà vua thăng cho hai cấp.

Thầy địa lý Lê Văn Đức thật chí lý khi chọn địa cuộc này, vì vừa hợp với thuật phong thủy, vừa hợp với cảnh quan chung quanh. Toàn bộ lăng giống như cơ thể con người nằm gối đầu lên một ngọn đồi cao trong vùng, tứ chi xuôi duỗi ra phía ngã ba sông gần đó.

Ngoài tính cách đăng đối uy nghiêm đường bệ, lăng Minh Mạng còn có những nét quyến rũ của thiên nhiên đã được chỉnh trang lại để làm bối cảnh cho các công trình kiến trúc.

Xưa nay bất cứ ai đến viếng cảnh chùa cũng đều thừa nhận rằng người chọn vị trí làm chùa là một phật tử có trình độ thẩm mỹ rất cao. Kiến trúc ngôi chùa được lồng vào trong một ngoại cảnh thiên nhiên nên thơ tĩnh mịch. Nó thích hợp với Phật tính ở chỗ vừa cách biệt với những sinh hoạt tục lụy của thế nhận, nhưng lại vừa gần gũiđối với những người con Phật mộ đạo ở chốn thị thành cách đó chưa đầy 4 km.

Ngọn đồi đột khởi giữa quãng đất bằng, được nâng lên thêm bởi ngọn tháp Phước Duyên uy nghi cao cả. Dòng sông Hương thanh khiết uốn khúc trước chùa như để rửa sạch bụi đời cho tâm hôn và thể xác những người hướng đến và tìm về đạo pháp.

PHÚC AN KHANG  Fengshui Marina Tâm  0938168807


Ngày cập nhật 2018/11/04 Tác giả: nhadatphucankhang





Hỗ trợ trực tuyến

 

0835570473 - Họa sĩ Minh Tâm vẽ tranh Phong Thủy và Tôn Giáo

---

0938168807 (Marina)

Hình Ảnh Dự Án

Liên Kết Website

BACK TO TOP