Trời vẫn cứ mưa mãi, mưa mãi…Lòng sao ngập những nỗi buồn…

Image result for mưa ngập sài gòn

Địa hình Sài Gòn thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Vùng cao nằm ở phía Bắc - Đông Bắc và một phần Tây Bắc, trung bình 10 đến 25 mét. Ngược lại, vùng trũng nằm ở phía Nam - Tây Nam và Ðông Nam thành phố, có độ cao trung bình trên dưới 1 mét, nơi thấp nhất 0,5 mét. Sài gòn , về cấu tạo địa hình là vùng châu thổ bằng phẳng và thấp, là điểm tiếp giáp sông đồng nai và sông Sài gòn trước khi đổ ra biển đông. Từ phía nam kinh Tẻ dần về Nhà bè rồi ra Duyên hải là vùng thoát nước địa hình của gần cả miền đông Nam bộ bao gồm đồng nai và bình dương là vùng tiếp cận và đây cũng là vùng giao thoa giữa nước mặt thoát ra từ đất liền và triều cường nhập vào từ biển. Do vậy từ  thời Pháp thuộc và về sau các nhà quy hoạch bỏ ngỏ vùng phía nam sài gòn và định hướng Sài gòn chỉ nên phát triể về phía Bắc, là vùng cao có địa chất phù sa cổ. 

Bao đời trước, chẵng cần kiến thức gì cao siêu cha ông ta từ thủa còn đất rộng người thưa đã biết khi đắp một cái nền nhà thì phải trả lại cho tự nhiên một cái ao, trồng trầu  thì phải khai mương…, trời mưa xuống, nước sẽ về đâu ?!, có hai hướng, theo chiều đứng: thấm vào đất; theo chiều ngang: chảy ra mương kêng sông suối…rồi ra biển và cách thấm vào đất là giải pháp tối ưu

Sài gòn trước kia từ phía đông sông Sài gòn kéo trãi dái tới Thủ đức rồi sông đồng nai, phía bắc sông Vàm thuật tới Lái Thiêu…là những vùng ruộng thấp giữ và điều tiết lượng nước mưa, đường xa lộ Sài gòn- Biên hòa xác định hướng phát triển của thành phố về hướng đông bắc. Khu đại học ra tới Thủ đức, các khu công nghiệp bắt đầu từ Biên hòa trên vùng cao trãi dài về Dĩ an và Vũng tàu. Cộng thêm với việc bỏ ngỏ vùng phía nam dài ra biển đông, Sài gòn sống bình yên giữa một vành đai xanh, nơi đất và nước hài hòa.

Trong báo cáo quy hoạch phát triển Saigon 2020- 2025 xác định hướng Nam, tiến ra biển đông nêu rõ: " ... Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Sài Gòn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Thành phố sẽ phát triển với hai hướng chính là hướng Đông, và hướng Nam ra biển. Theo Quyết định của Chính Phủ. Cụ thể, phát triển thành phố theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực trung tâm hiện hữu gồm Quận 1, Quận 3, một phần Quận 4, quận Bình Thạnh (930 ha) và khu đô thị mới Thủ Thiêm (737 ha); bốn trung tâm cấp thành phố tại bốn hướng phát triển. Bên cạnh đó, phát triển thành phố với hai hướng chính là: hướng Đông và hướng Nam ra biển và hai hướng phụ là: hướng Tây - Bắc và hướng Tây, Tây - Nam. Việc hình thành cơ sở hạ tầng các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu đô thị mới hiện đại, cảng biển và kinh doanh vận tải biển, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển Sài Gòn về phía Nam tiến ra Biển Đông....... "- Mô hình nầy được ví von là mô hình phát triển Sài gòn theo dạng trái sầu riêng, bung ra tứ hướng, và nhờ vậy mà hướng nào cũng có thể gở múi ra mà ăn một cách dễ dàng bất chấp. Khởi thũy là sự hình thành khu Phú mỹ hưng rồi kéo theo sự hăm hở mở ra khu Nam sài gòn với con đại lộ hoành tráng Nguyễn Văn Linh sau kết nối vào đường vành đai 2 thực sự trở thành một con đê bao chặn cái ngỏ thoát bao đời về phía nam thành phố. Cộng thêm với sự chính thức hình thành các quận mới: quận 2, 9, 7, 12…mở đường cho việc san  ấp hồ ao mặt ruộng dựng lên vô số khu dân cư chen lẫn các khu công nghiệp…thu tiền ăn ngay, còn tương lai thì lâm vào ngỏ cụt bế tắt như đã thấy.

Nhiều đường xá mở ra nhưng xe vẫn kẹt bởi vì người ta làm đường để bán đất chứ đâu phải để giải quyết giao thông, tương tự công trình được xây lên cốt để bán mặt bằng các kiểu chứ đâu phải nhằm tạo  ra môi trường sống ..?!. Các nhà quản lý đô thị, quản lý cái kho báu mới mở ra nầy bằng tiêu chí mật độ xây dựng được hiểu như là diện tích ở chân công trình ngay trên mặt nền (dưới mặt đất thì tầng hầm được phép xây 100%) để ngã giá với nhà đầu tư; mật độ cây xanh được tính bằng cách đếm đầu cây…tuyệt nhiên không có một chút suy nghĩ và nhìn nhận điều cốt tử là : mật độ xd chỉ là bao nhiêu phần trăm bê tông hóa và tỹ lệ nào dành lại cho mặt đất tự nhiên ! – đi sang Nhật mà xem, cái xứ đất hẹp người đông mà ở đó tất cả các dự án đô thị khi được gọi là khả thi phải chứng minh được rằng sự phân bổ cách sử dụng đất phải bảo đãm ít nhất 80% lượng nước mưa được giữ lại một cách tự nhiên trên địa bàn quy hoạch; đi sang Hàn quốc mà xem, hầu như bất cứ loại công trình xd nào đều buộc phải tránh xa những vùng đất thấp nơi mà để dành cho nông nghiệp và điều tiết nước mưa.

Vài chục ngàn tỹ đổ ra cho hệ thống cống rãnh ở Sài gòn được thực tế chứng minh rằng chỉ có tác dụng như là một hiệu ứng bình thông nhau, gom nhiều điểm ngập lại thành một cho tất cả cùng hưởng khỏi ai phân bì. Và như thế dẫu có chích vào hàng trăm ngày tỹ đi nữa cũng chẵng ích gì bởi lẽ “nước ngập thì làm cống thôi…” là cái tư suy rất abc trong những cái đầu rất abc của nhà quản lý hiện nay. Không còn bao nhiêu đất để chia chác thì  tất phải chuyễn sang cắn vào ODA, cắn vào tương lai…mọi thứ còn lại cứ để dân ngập mình trong nước bẩn và đội nợ trên đầu.- Có cách hiểu nào khác ?!.

Nội thành bây giờ, dưới mặt đất người ta chúi mủi vào đường xe điện ngầm, các khu thương mại…và không có ý hoặc khả năng xd hệ thống trử và trung chuyển nước ngầm mênh mông dưới lòng đất như ở Paris, Tokyo đã làm hàng trăm năm trước,  ở vành đai các quận mới có ai nghĩ tới việc dùng những khoảnh đất còn sót mà tạo thành những hồ điều hòa đủ dung lượng trử và trung chuyển nước, hay là tất cả đều đã được bán đi hết rồi, có giấy phép rồi chỉ còn chờ giá bất động sản nóng lên là xây ?!. Bán đảo Thanh đa vùng điều tiết nước cận đô thị đã trở thành cái ao do bị nhà cửa vây kín mặt sông, một khi khu đô thị Thủ thiêm mọc lên theo quy hoạch thì chắc chắn chỉ với triều cường Sài gòn sẽ ngập cao thêm hai tất nước và như thế dân Sài gòn sẽ thoải mái dưới trời nắng vẫn soi được bóng mình trên mặt đường…

Tóm lại, cái mô hình quy hoạch phát triển kiểu trái sầu riêng có lẽ chỉ áp dụng được ở bắc cực, nơi mà cây kim chỉ nam quay tít không phải định hướng gì cả và nhất là không phải lo gì cái chuyện thế thái nhân tình. Còn áp dụng ở đây, đất Sài gòn nầy lại chứng tỏ một điều: sự mất phương hướng từ lâu đã ngự trị trong những cái đầu. Nam Sài gòn, nơi khởi đầu của một hành trình dẫn Sài gòn vào cái bi kịch đô thị như hiện nay với một con đại lộ rõ khéo trong cách đặt tên, cái tên oan nghiệt như chính bản thân con đường đã ngáng dòng chảy của Sài gòn ra biển lớn và tròng vào nó số phận một cái ao tù đầy rác rưởi và bất trắc; cái tên chặn dòng chảy tự nhiên của lịch sữ và ngang nhiên dẫn kéo cả một đất nước ngược về một vùng đất hứa hảo huyền xa xôi tận miền đất Thục.

Tràn đầy trên mạng : “ mùa mưa nầy về trên quê ta…khắp đất trời nước ngập bao la…” – Vâng chính thế, trời vẫn còn mưa, nước vẫn còn ngập, không biết phải làm gì thì cứ ngồi đó ngoác mồm ra mà ca rồi cù nhau mà cười..…chờ cho đến khi nước vực ?! - đời là bể …ngập, chưa chắc hết ngập là đã qua đời..?!.

Trời vẫn cứ mưa mãi, mưa mãi…Lòng sao ngập những nỗi buồn…Buồn chít mẹ !!!

TP HCM ngập, vì sao?

 

Tôi tát nước, quanh tôi các đồng nghiệp cũng đang lúi húi xách từng xô nước. Cả tầng trệt của công ty lênh láng. Mỗi khi ôtô chạy ngang qua, nước lại tràn vào lớp lớp sóng.

Đó là tình cảnh công ty tôi lúc 19h ngày 26/9. Thay vì đã về nhà ăn uống nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, chúng tôi bị kẹt lại ở công ty, thậm chí còn tham gia lao động công ích chống ngập. Tôi không thấy có sự khác biệt nhiều lắm giữa tôi của ngày hôm đó với tôi của những ngày thơ bé, vừa tát nước vừa nghịch trong căn nhà đơn sơ sau lũ ở miền Trung. Chỉ có điều, mùi nước ngập ở thành phố hiện đại nhất Việt Nam hôi thối hơn mùi nước lũ quê tôi.

Dù đã quen với mưa lụt ở TP HCM, trận ngập lịch sử này khiến tôi băn khoăn, liệu cơn mưa có phải là lý do duy nhất. Điều gì đã khiến nước đổ vào thành phố như lũ? Công tác trong ngành xây dựng, tôi thường tiếp xúc với các số liệu quy hoạch, địa hình. Tôi hiểu một điều cơ bản liên quan đến địa hình của vùng đất này. TP HCM vốn thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Theo đo đạc thì vùng cao nằm ở phía Bắc - Đông Bắc và một phần Tây Bắc, trung bình 10 đến 25 mét. Ngược lại, vùng trũng nằm ở phía Nam - Tây Nam và Ðông Nam thành phố, có độ cao trung bình trên dưới một mét. Vậy, Đông - Tây - Nam - Bắc là ở đâu của thành phố?

Khu đô thị Đông gồm quận 2, 9 và Thủ Đức. Trước mặt khu Đông chính là quận 1, 3, 5. Khu đô thị Nam gồm toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè và một phần diện tích của quận 8 (phần phía nam kênh Tẻ) và huyện Bình Chánh. Khu đô thị Bắc gồm quận 12 và phần lớn huyện Hóc Môn. Cuối cùng là khu đô thị Tây gồm quận Bình Tân, một phần quận 8 và một phần huyện Bình Chánh.

Với địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và với nguyên tắc vật lý cơ bản: nước chảy chỗ trũng thì vùng phía Nam là vùng thấp, nên nó là vùng thoát nước của thành phố. Mà vùng phía Nam chính là Phú Mỹ Hưng - Quận 7 hiện tại. Khi tiến hành phát triển phía Nam, xây dựng khu đô thị Phú Mỹ Hưng và đại lộ Nguyễn Văn Linh, người ta đã thực hiện song song: nâng nền khu đất phía Nam và san lấp các kênh rạch thoát nước của thành phố. Điều này dẫn đến tình trạng khi mưa lớn, nước sẽ phải chạy lòng vòng tìm các hố ga, ao hồ để thoát. Khi ao hồ vượt quá sức chứa, nước sẽ dồn ứ lên vỉa hè, đường sá. Nguyên nhân quận 1, 3, 5... ngập là vậy. Chính vì khu thoát nước phía Nam đã bị san lấp nên kênh rạch, ao hồ, ở trung tâm không chịu nổi sức chứa.

Với địa hình thấp từ Tây sang Đông, khi thành phố ngập, khu bến xe miền Tây và khu Bình Tân sát quận 6 là thê thảm nhất. Nhưng phía thấp để khu Tây thoát nước là khu Đông lại đã nâng nền, dẫn đến khu Bình Tân gặp đúng tình trạng như trung tâm: nước không thể chảy về phía thấp để thoát và cứ lơ lửng chảy tràn. Phía Đông có lợi thế là sông Sài Gòn cùng các con kênh dọc quanh nó. Nhưng sông Sài Gòn và các con kênh giờ phải hứng một lượng nước quá lớn do phía khu Nam không còn thoát nước, nên không đủ sức chứa thêm nước từ Bình Tân đưa xuống. Cuối cùng cả thành phố bốn mặt Đông Tây Nam Bắc đều ngập.

Tôi gọi đó là một vòng luẩn quẩn của nước. Đấy là lý do thành phố đổ bao nhiêu tiền mà không chống ngập được. Quy hoạch ngay từ đầu đã sai. Làm sao có thể bứng nguyên cả khu Phú Mỹ Hưng - Quận 7 đi nơi khác? Thành phố đã không đánh giá hết về Thủ Thiêm. Chính Thủ Thiêm mới là điểm cần đầu tư để phát triển trước. Chỉ sau khi đô thị hóa xong bán đảo Thủ Thiêm, tạo cú hích cho kinh tế và bất động sản, ta mới có đủ tiềm lực để đi tiếp mở rộng ở khu Nam. Nhưng mọi thứ đã được làm ngược lại. Để rồi trong quá trình xây dựng quận 7, chúng ta mải miết đô thị hóa mà không tính đến phương án thoát nước cho cả thành phố.

Theo tôi, vẫn có cách khắc phục. Nước thoát được khi kênh rạch, hồ, đập đủ lớn để làm chỗ chứa nước cho thành phố khi mưa lớn. Vấn đề là ai cũng tham lam đầu tư, nâng nền, bán đất, ai cũng giành nhau từng mét vuông đất để bỏ túi cho mình, ai cũng thích san lấp. Không ai hy sinh, pháp quyền thì chưa đủ nặng với doanh nghiệp bất động sản thiếu hạ tầng thoát nước, chính phủ cũng thoải mái với những dự án mà doanh nghiệp sẵn sàng lót tay. Còn mưa tất nhiên sẽ vẫn tiếp tục đổ xuống thành phố.

Nếu không nhìn thấy và giải quyết sự việc từ nguyên nhân gốc rễ là vấn đề quy hoạch, tôi và bao người khác, sẽ lại vẫn ngồi tát nước, dù chỉ để khô ráo dưới chân mình.

Dũng Phan

 


Ngày cập nhật 2016/10/18 Tác giả: nhadatphucankhang





Hỗ trợ trực tuyến

 

0835570473 - Họa sĩ Minh Tâm vẽ tranh Phong Thủy và Tôn Giáo

---

0938168807 (Marina)

Hình Ảnh Dự Án

Liên Kết Website

BACK TO TOP