48 năm một mẩu chuyện nhỏ (Tập 3)

Chú thích

1 Ngoài gia đình chánh trị nhỏ nầy, tôi còn có: “Gia đình những anh em lính cũ của tôi” gồm những bạn cùng quân ngũ trong QĐVNCH ở núi Cấm, Thất Sơn, và vài nơi khác, hồi đầu những năm 1960, “Gia đình những anh em tôi ở Chương trình Phát triển Quận 8”, “Gia đình những anh em cùng trường lớp cũ ở trường dòng Lasan Taberd Sài Gòn”, hiện đang được mượn để làm trường Trần Đại Nghĩa, và “Gia đình Tin Sáng ”. Các gia đình nầy của tôi đều có một số anh em đang sinh sống trong nước, một số đang định cư ở nước ngoài, và thường thì “đèn nhà ai nấy sáng”, nhưng thỉnh thoảng khi thấy tôi bị “ăn hiếp” quá thì cũng nhảy ra cứu bồ. Tôi đã có nói qua một phần về các gia đình nầy trong bản thảo quyển Đời, và khi có dịp sẽ nói rõ hơn sau nầy.

2 Tờ Tin Sáng hải ngoại cũ ở Paris, đã gợi ý cho ông Võ văn Kiệt đề nghị với Ngô Công Đức và tôi cho ra một tờ Tin Sáng hài ngoại mới, mà phạm vi phát hành dự kiến là rộng lớn hơn Paris và Pháp. Ông Kiệt còn triệu tập họp để nghe chúng tôi trình bày về một số việc cần chuẩn bị, chỉ vài tháng trước ngày 29-6-1981, là ngày ra số báo cuối cùng của tờ Tin Sáng bộ mới. Trong số bốn người nằm trong dự tính nầy của ông Võ văn Kiệt, có hai người đã cùng ông ra đi là chủ nhiệm Ngô Công Đức và phụ tá chủ bút Lý Quý Chung. Phụ tá chủ bút Dương Văn Ba thì hiện đang nằm bất động. Mình tôi còn lại không biết phân chứng với ai về tờ “Tin Sáng hải ngoại mới”, chưa kịp tượng hình thì phải chịu “chết non” theo tờ “Tin Sáng bộ mới”.

Nhưng mấy năm sau khi Tin Sáng đã ngưng hoạt động, ông Trần Bạch Đằng, có sự hỗ trợ của ông Dương Đình Thảo, nguyên Trưởng ban tư tưởng văn hóa Thành ủy, và Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà, lúc bấy giờ là Trưởng ban Việt Kiểu Thành phố, với lời hứa tài trợ được biết là từ một bạn kiều báo ở Mỹ, cũng lại muốn cho ra một tờ báo na ná như tờ Tin Sáng hải ngoại cũ, nhưng chỉ chuyên về văn hóa văn nghệ, làm từ trong nước, mà “rao bán” chủ yếu ở Hoa Kỳ. Nhiều người đã được ông Trần Bạch Đằng và Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà mời họp ở ban Việt Kiều Thành phố, và mọi người, cùng với ông Trần Bạch Đằng, gần như bắt ép tôi phải nhận làm chủ bút. Từ chối mãi không được, tôi đành miễn cưỡng chấp nhận làm thử vài số “báo nháp” để mọi người cùng đánh giá. Từ các bài vỡ đóng góp với tất cả thiện chí nhiệt tình của những người viết, tôi đã cố gắng biên tập thử ba số báo nháp gọi là “tạm coi được” của tờ Hương Việt, là tên tờ báo mới mà mọi người đồng chọn, nhưng thật sự tôi không vừa ý số nào hết. Với ba số báo nháp trước mặt mọi người, tôi đề nghị dứt khóat là không nên tốn sức vô ích. Bởi chỉ riêng những chữ nghĩa mọi người đang dùng cũng là những chữ nghĩa mà một số bà con không quen đọc. Và mọi người, trong đó có ông bạn hứa tài trợ vốn ra báo, đều đồng thanh tán thành đề nghị của tôi. Những người trong cuộc mà tôi còn nhớ, ngoài ba vị chủ xướng kể trên, còn có Giáo sư Hoàng Như Mai, nhà văn Anh Đức, nhà báo Lý Quý Chung,và mấy người nữa, Tôi cũng nhớ có người đề nghị ông Lý Quý Chung làm chủ bút. Tôi nghe rất mừng. Nhưng ông Trần Bạch Đằng và mọi người còn lại cứ đổ riệt cho tôi. Tôi cũng nhớ trong vụ nầy không có Dương Văn Ba, vì Ba lúc đó đang bị kẹt trong vụ án Cimexcol. Đến nay, trong những người đã họp bàn để cho ra đời tờ Hương Việt, không biết ai còn ai mất, ai nhớ, ai quên, nhưng tôi tin hai trong ba ông chủ chốt còn đây, dù một ông nay đã gần 90, và một ông thì gần 100, vẫn rất minh mẫn và không quên, hay không thể quên hết. Riêng tôi thì vẫn còn giữ ba số báo nháp, với cả bút tích của các tác giả, để làm kỷ niệm, theo thói quen.

3 Thời nào thì Tin Sáng cũng “bị” bán chợ đen, vì vậy mà trước cửa tòa soạn Tin Sáng váo giờ phát hành luôn đông nghẹt trẻ em và người lớn chen nhau nhận báo bán. Đến nỗi chế độ cũ đã phải cho ra luật báo chí mới, luật 007, cho phép, mỗi khi có lệnh tịch thu, cảnh sát được thu luôn các bản chì, bản kẽm, để tránh báo bị in lén khi cảnh sát rút đi, và tịch cả chiếc xe đạp của các trẻ bán báo dạo. Vậy mà các em cũng không tởn, mất xe thì chạy bộ, miễn có báo Tin Sáng để bán chợ đen. Qua chế độ mới , những dịp Tin Sáng bị bán chợ đen cũng có, mà ít. Không phải vì Tin Sáng bị tịch thâu, mà vì có lúc Tin Sáng có những tin “không giống ai”. Ví dụ như lúc nữ Nghệ sĩ Thanh Nga bị sát hại, ký giả Kiên Giang Hà Huy Hà “xuất chiêu” đưa ra trên Tin Sáng hàng loạt hình ảnh độc đáo của nghệ sĩ, từ hồi còn bé cho đến khi nổi tiếng.

4 Về tác giả “Người giấu tên”. Năm 2002, Nhà Xuất Bản Trẻ, TP Hồ Chí Minh, có xuất bản cuốn “Ký sự nhân vật” của Huỳnh Bá Thành, với “những người thực hiện” là Nguyễn thị Ninh, Lý Tiến Dũng, Trần Tử Văn, và với “Lời giới thiệu” của ông TRẦN BẠCH ĐẰNG (Nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn). Dương Văn Ba đến báo cho tôi biết, với cuốn sách mới xuất bản làm vật chứng trong tay. Nhận thấy sách “Ký sự nhân vật”, mà ông Trần Bạch Đằng trong “Lời giới thiệu” gọi là “di sản văn hóa”, có những điều không chính xác trung thực, với tư cách là Giám Đốc chánh trị nhật báo Điện Tín (và cả Tin Sáng bộ cũ), chánh thức có tên trên manchette và trên thực tế, tôi đã viết một lá thư gởi cho các nơi và các người có liên quan, nêu rõ:

– Toàn bộ nội dung tranh bài in trên sách là trích từ mục “Ký sự nhân vật” của báo Điện Tín, nhưng người giới thiệu lại chỉ nói chung là “gồm một số tác phẩm chọn lọc đã đăng công khai trên báo Sài Gòn trước kia. Các “báo Sài Gòn trước kia” có tờ cũng có mục KSNV, nhưng hình thức nội dung và tác giả là hoàn toàn khác với mục KSNV của báo Điện Tín. Như vậy, tại sao những người thực hiện sách KSNV không nêu rõ xuất xứ các bài được trích đăng, theo thông lệ trong làng văn làng báo ?

– Dưới mỗi bài báo được trích in thành sách đều có cẩn thận ghi ngày, tháng, năm, có thể hiểu là thời điểm báo được phát hành, nhưng tác giả sách cũng rất cẩn thận không ghi tên Điện Tín dưới bất cứ bài nào ! Tại sao ?

– Riêng tranh biếm họa vẽ Dân biểu Đinh Văn Đệ trên báo Điện Tín đề ngày 28-5-74 đến 30-5-74, là hình vẽ một con ếch, được trích in lại y chang trên sách KSNV, ở trang 151, cũng là hình vẽ một con ếch, với nét mặt hí họa của ông Đinh Văn Đệ, nhưng lại được giới thiệu là mộtcon rùa. Và ông Đệ là một Dân biểu Quốc Hội VNCH, thuộc Hạ Nghị Viện, có một thời gian cùng ở Khối Xã Hội với tôi, thì được giới thiệu là “thượng nghị sĩ nghị viện Sài Gòn”, một chức vụ không hề có, trong một định chế không hề có, dưới chế độ cũ ở Sài Gòn. (Dưới chế độ cũ, các Đại biểu dân cử ở Hạ Nghị Viện và Thượng Nghị Viện đều là Đại biểu Quốc Hội. Chính danh đại biểu Quốc Hội ở Hạ Nghị Viện là Dân Biểu, chớ không là Hạ Nghị Sĩ hay Dân biểu Hạ nghị viện. Chính danh đại biểu Quốc Hội ở Thương Nghị Viện là Nghị Sĩ, chớ không là Thượng nghị sĩ hay Nghị sĩ Thượng Nghị Viện, còn cái gọi là “thượng nghị sĩ nghị viện Sài Gòn” thì không hề có.)

– Đặc biệt “Lời giới thiệu” sách KSNV có đoạn viết “…Huỳnh Bá Thành đánh đám phản động hai tay: nét vẽ và lời văn. Hai cái tung hứng cho nhau…” Nói như vậy là hoàn toàn sai. Bởi tranh vẽ thì rõ ràng là của Huỳnh Bá Thành, tức họa sĩ Ớt, có ký tên hẳn hòi dưới tác phẩm, nhưng lời văn thì cũng rõ ràng là của…“Người giấu tên”, cũng có ghi hẳn hòi trên mục Ký sự nhân vật của báo Điện Tín mỗi ngày, cùng với tên tác giả hý họa. Nếu những người thực hiện sách “Ký sự nhân vật”, và người giới thiêu sách, cho rằng “nét vẽ và lời văn” là của một người, là của họa sĩ Ớt, “hai tay tung hứng cho nhau”… thì đã cố tình loại bỏ tác giả lời văn là “Người giấu tên”. Hoặc hiểu ngầm rằng “Người giấu tên” với họa sĩ Ớt chỉ là một. Nhưng tại sao phải hiểu ngầm mà không thể nói trắng ra ? Bởi nói trắng ra thì tác giả KSNV trên báo Điện Tín do tôi làm giám đốc chánh trị là hai người, chớ không phải hai tay của một người.

– Và “Người giấu tên” là Dương Văn Ba, lúc bấy giờ là Thư ký Tòa soạn trên thực tế của Điện Tín mà mọi người trung thực đều biết rõ.

Thư tôi được Dương Văn Ba mang đi, đến gặp từng người, gồm ông Trần Bạch Đằng, Bà Nguyễn Thị Ninh, ông Lý Tiến Dũng, ông Trần Tử Văn, yêu cầu trả sự thật lại cho sự thật, và công bằng cho Dương Văn Ba. Mỗi người đều chỉ trả lời miệng với Dương Văn Ba. Câu trả lời thế nào thì chắc mỗi người còn nhớ. Riêng ông Trần Bạch Đằng thì không thể hỏi lại được nữa, và Dương Văn Ba thì hiện kể như không biết gì. Về phần tôi thì những gì Dương Văn Ba kể lại sau khi gặp những người có trách nhiệm, tôi không quên. Cũng như toàn bộ hồ sơ chuyện “Ký sự nhân vật” của họa sĩ Ớt và “Người giấu tên” trên báo Điện Tín Sài Gòn, trước năm 1975, cả về quyển “Ký sự nhân vật” của Huỳnh Bá Thành, ấn bản năm 2002 thì tôi vẫn giữ đây. Thật lòng tôi chưa hề thấy ở đâu, thời nào, dưới chế độ nào mà có người làm văn hóa giáo dục lại coi thường mọi người, và mọi nguyên tắc sơ đẳng đến như vậy, như trong vụ cuốn sách là “di sản văn hóa” cùa Huỳnh Bá Thành.

– Cũng cần nói thêm cho rõ: mục Ký Sự Nhân Vật mà tôi nói ở đây là mục KSNV của “Người giấu tên” và họa sĩ Ớt, một người viết và một người khác vẽ, trên báo Điện Tín mà tôi làm Giám Đốc chánh trị, Dương Văn Ba làm Thư ký tòa soạn, chớ không phải mục Ký Sự Nhân Vật của anh Trần Trọng Thức, trên tờ Điện Tín cũng của Đại tá Hồng Sơn Đông mà do ông Lý Quý Chung hợp đồng ra vốn khai thác. Tờ Điện Tín nầy phát hành bao nhiêu số thì ngưng, tôi không biết. Tôi cũng không biết ông Lý Quý Chung đã chuyển tờ Điện Tín sang cho “Dương Văn Ba và Hồ Ngọc Nhuận phụ trách” hồi nào, khi ông viết “ …khi tôi không còn làm tờ Điện Tín nữa, chuyển sang các anh Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận phụ trách…” (Hồi Ký Không Tên, ấn bản II, tr.203), bởi cách viết lấp lửng nầy là đặc thù của tác giả HKKT. Còn tờ Điện Tín do ba anh em chúng tôi, Hồng Sơn Đông, Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận hợp tác cho tái bản, để Dương Văn Ba làm Thư Ký Tòa soạn thì đã thăng trầm từ những tháng cuối năm 1971 cho đến cuối tháng 4-1975, như tôi đã nói rõ về sự ra đời và sự điều hành nó ở phần trên.

5 Ngoài 18 ký giả bị bắt, như anh Sơn Nam, anh Vũ Hạnh, có một số ký giả đã trốn thoát, trong đó có anh Chu Thao, nhà văn, ký giả Tin Sáng và Đại Dân Tộc, mà tôi đã nhờ linh mục Huỳnh Công Minh (sau nầy là Tổng Đại Diện Tổng Giáo Phận Thành phố Hồ Chí Minh), gởi cho trốn ở một xóm đạo nhỏ miệt cầu Sài Gòn. Sau 1975 anh Chu Thao không làm ở Tin Sáng, mà về báo Sài Gòn Giải Phóng, rồi sau đó được biết đã về dưỡng bệnh ở Củ Chi.

6 Địa chỉ văn phòng của tôi, số 132 Lê lai Q1 Sài Gòn, đã lưu dấu nhiều kỷ niệm của nhiều anh chị em làm báo hoặc thuộc các phong trào đấu tranh, trước và sau ngày 30-4-1975. Trước năm 1975, nhiều bạn từng đến hội họp với tôi ở đây hằng đêm, và từng bị cảnh sát hằng đêm bao vây, trong đó có nhiều Dân biểu, như anh Phan Xuân Huy hay anh Nguyễn Hữu Chung, có nhiều sinh viên tranh đấu như chị Cao Thị Quế Hương, có nhiều nhà sư, có cả anh cựu linh mục Nguyễn Ngọc Lan… Sau ngày 30-4-1975 cũng có một kỷ niệm khó quên đối với tôi, cũng tại văn phòng nầy. Khi tôi đang cùng anh Ngô Công Đức bận túi bụi để chuẩn bị cho ra đời tờ Tin Sáng mới ở số 63 Bùi Thị Xuân, Q1, chỉ cách 132 Lê Lai một quãng đường ngắn, thì có mấy bạn sinh viên tranh đấu cũ, mà tôi không nhớ hết có ai, chỉ nhớ hình như có anh Nguyễn Xuân Lập (dược sĩ) và anh Dương Văn Đầy, sau nầy là Chủ tịch UBND Q1, kéo đến “khiếu nại”, bắt tôi phải làm một cuộc “đoàn viên” ở chốn cũ, tức chỗ đã từng bị cảnh sát bao vây hằng đêm trước đây. Phải chạy vạy nhờ vả lắm mới có được cái giấy phép họp mặt để bỏ túi. Rồi quên. Tới ngày giờ hẹn, lật đật chạy về thì anh em đã gần đủ mặt. Chưa kịp mừng thì có tin báo là địa phương vác súng đến, vì hội họp không giấy phép.Trực nhớ cái giấy phép bỏ quên trong túi, tôi lật đật lôi ra trình, và không ngớt xin lỗi. Kết quả là cuộc họp cũng được lạnh lùng thông qua. Với lời cảnh cáo: “Nên nhớ, Thủ tướng nếu muốn làm gì ở đây cũng phải thông qua KHÓM” ! Thời đó Thành phố còn giữ đơn vị hành chánh hạ tầng căn bản là “Khóm”. Bây giờ hầu hết đã thành Phường. Từ đó tôi luôn nhớ: Ở đây, ngoài ông Thủ tướng ở Thủ đô, còn có ông Thủ tướng ở Khóm.

7 Tin Sáng bộ mới hoạt đông được một năm thì Đức bàn với tôi rồi rút lại vốn ban đầu ra báo, để nhường tờ Tin Sáng lại cho tập thể quản lý. Số vốn ban đầu nầy một phần là của Đức, một phần là vốn vay của Ngân hàng Thành phố, do anh Mười Thanh, Phó Chủ tịch UBMTDTGP khu SGGĐ giới thiệu, và của bạn bè. Từ tháng 8-1976 cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ cuối tháng 6-1981, tức gần 5 năm trên gần 6 năm hoạt đông, thì bộ phận quản lý kế toán là của tập thể Tin Sáng, điều hành theo nội quy của tập thể. Chế độ tiền lương của mọi người từ chủ nhiệm trở đi đều được quy định theo nội quy. Theo nội quy của tập thể Tin Sáng mới thì Chủ bút cũng được giao duyệt nhuận bút như Giám đốc chánh trị Tin Sáng cũ và Điện Tín.Trong đời làm báo của tôi, đây là lần đầu tiên tôi thấy một chủ nhiệm báo lãnh lương. Tôi nói chủ nhiệm báo chớ không gọi tổng biên tập, bởi ai và lúc nào ở Tin Sáng cũng gọi Ngô Công Đức là chủ nhiệm. Và đây cũng là lần đầu tôi lãnh lương chủ bút, bởi hồi làm giám đốc chánh trị Tin Sáng cũ, rồi Điện Tíntôi không có lãnh lương. Đây là một chế độ đặc biệt tôi nghĩ chỉ có ở hai tờ báo nầy mà thôi. Do thỏa thuận giữa những người chủ trương điều hành báo, ở Tin Sáng cũ là giữa Ngô Công Đức với tôi, ở Điện Tín là giữa anh Hồng Sơn Đông, Ngô Công Đức và tôi, Văn phòng Giám đốc chánh trị được khoán trọn gói một số chi phí gồm các món tiền thuê nhà, lương thư ký (tôi luôn có 3 thư ký), tiền mua văn phòng phẩm, mua các bản tin nước ngoài, mua sách báo để điểm tin và trang bị thư viên, cước phí các loại, phí tiếp khách, chiêu đãi, và đi lại, cộng với một ít bất thường chi Quỹ nầy là do thư ký trưởng văn phòng giám đốc chánh trị kết toán hằng tháng, nhận thanh toán và báo cáo. Thư Ký tòa soạn Dương Văn Ba, ngoài bảng lương tòa soạn được đề nghị cho giám đốc chính trị duyệt chi, cũng có một quỹ khoán dự phòng để mua thêm tin tức, bài vở phụ trội đặc biệt.

8 Về mối quan hệ giữa Tin Sáng và Minh Hải, phải nói đây là một quan hệ hơn cả đặc biệt. Phải chăng vì Minh Hải là địa bàn hoạt động cũ của ông Võ Văn Kiệt, mà ông Kiệt thì không xa lắm với Tin Sáng, đặc biệt với Ngô Công Đức ? Hay vì Minh Hải đã chọn Tin Sáng bộ cũ là tờ báo của mình, từ hồi còn chiến khu ? Hay vì có Dương Văn Ba ? Có Thạch Phen ở tờ báo ? Hay phải chăng vì tất cả những thứ đó gộp lại ?

Không biết vì sao, nhưng hầu hết những vị lãnh đạo Minh Hải nhiều trào – trừ cái trào có ông Bí thư dính tới vụ tố cáo Dương Văn Ba và Cimexcol là phản động và ngầm nhắm tới ông Võ Văn Kiệt – mỗi lần đi Sài Gòn hay Hà Nội, thường tranh thủ chia nhau ghé thăm Tin Sáng. Và Ngô Công Đức với tôi cũng thường về thăm Minh Hải. Đặc biệt, tôi cũng thường nhiều lần đưa bà con kiều bào ở Pháp về đi thăm Đất Mũi. Thời kỳ đầu sau 1975, khi lương thực thực phẩm thường khan hiếm, Ban Đời sống Tin Sáng thường được mua gạo và thịt của Minh Hải về cho công nhân viên Tin Sáng. Vào thời kỳ “người người, nhà nhà tăng gia sản xuất lương thực”, cơ quan, xí nghiệp, đoàn thể, đâu đâu ai ai cũng làm ruộng, chăn nuôi, vỉa hè lề đường cũng được tận dụng tăng gia trồng khoai lang, Tin Sáng không thể đứng ngoài mà còn tham gia rất tích cực. Ngoài trại sản xuất ở Cây Trường 2, Sông Bé, chủ yếu là trồng bắp ; ngoài mấy khoảnh ruộng, cũng như mọi cơ quan đoàn thể khác, nhưng khá èo uột, ở Thái Mỹ, Củ Chi, Tin Sáng còn có một khu trại nuôi heo nuôi cá rộng hai hecta khá thành công ở Bình Quới Thanh Đa, đồng thời là nơi nghỉ dưỡng của anh em công nhân viên và gia đình. Nhưng đặc biệt nhất là Tin Sáng đã được tỉnh Minh Hải cấp cho 40 ha ruộng để trồng lúa ở Huyện Vĩnh Lợi. Nói là trồng lúa chớ chủ yếu là nuôi vịt, do đây là những ruộng muối cũ, trồng lúa không dễ. Nhưng nuôi vịt cũng không dễ, vì vịt thường chết toi… Tưởng như vậy là đủ thành vấn đề. Nhưng không. Vấn đề ở đây là vì nông trường nằm sát biển. Cũng như Cây Trường 2, cũng như khu Bình Quới, nông trường Tin Sáng ở Vĩnh Lợi Minh Hải cũng được anh chị em Tin Sáng chia nhau chiếu cố thăm viếng vào dịp cuối tuần. Để “lao động tăng gia”, để được hưởng gió biển, nhất là để biết qua thế nào là muỗi Cà Mau, và có dịp trải qua kinh nghiệm “nằm mùng chống muỗi” (Trừ một số rất ít vài người không hề biết Cây Trường 2 hay Vĩnh Lợi nằm ở đâu). Nhưng hễ mỗi lần có chủ nhiệm hay chủ bút tham gia đi thăm ruông, là y như rằng đoàn nhà báo bị… mọc đuôi. Khiến có khi chúng tôi phải bỏ cuộc, nửa đường quày về Sài Gòn, và có lần Ngô Công Đức, quá ức, đem chuyện bị mọc đuôi thưa với ông Võ Văn Kiệt, khi chúng tôi được mời ăn cơm riêng. Nói trắng ra thì đó là do người ta nghi chúng tôi dùng nông trường Minh Hải để tổ chưc vượt biên. Vấn đề còn nằm ở chỗ nông trường lọt tỏm giữa vùng đồng bào Khmer. Và anh bạn Mười, một công nhân viên trẻ của nông trường Tin Sáng, (chớ không phải Mười Nhuận, CBTS) lại đem lòng yêu một cô gái Khmer người địa phương và đòi cưới làm vợ. Chuyện bình thường và đáng vui. Một đám cưới đã được chủ nhiệm Ngô Công Đức yểm trơ tổ chức tại nông trường, vói đông đủ gia đình, bạn bè hai họ cùng dự. Với một số nhân viên Tin Sáng. Với anh Thạch Phen, coi như “ông tơ”, với Hồ Văn Tư, cháu HNN, trưởng trại, nói tiếng Khmer rất giỏi, đóng vai chủ nhà… Nhưng chuyện không bình thường ở đây là có người lại làm “bao cáo”, cho đây là đám cưới giả, là màn kịch để đám Ngô Công Đức móc nối với đám Sơn Ngọc Thành !

Việc nầy đã được tôi giữ kín trong hồ sơ riêng từ trên dưới 35 năm qua, cùng nhiều việc nữa, và cứ tường sẽ nằm yên ở đó mãi mãi. Nhưng tôi nghỉ rồi đây có thể sẽ không như vậy nữa…

Ngoài mấy vụ bị mọc đuôi và liên tục bị theo dõi báo cáo “chết người” như vậy, phải thành thật nói rằng anh chị em Tin Sáng làm cái gì cũng hăng và vui. Vì khoái… lao động chân tay sau những ngày miệt mài với chữ nghĩa, nên hấu hết đều tham gia sản xuất hay xây dựng các tuyến phòng thủ thành phố, như đi hội, trong mấy năm Pôn Pôt và Trung cộng đe dọa biên giới. Vì ham vui, nên đa số đều hưởng ứng chủ trương của anh chủ nhiệm thành lập đội bóng đá, bóng bàn và đội văn nghệ riêng. Đội bóng bàn Tin Sáng đã từng đi dự giải toàn quốc, và đội bóng đá đã từng thi đấu giao hữu với các đội bạn trong đó có đội của đoàn Thanh Nga, và đi đá giao hữu với các địa phương ngoài Thành phố.

9 Đối với Dương Văn Ba, ít ra có hai lần tôi phài viết giấy bảo lãnh cho anh. Tôi nói ít ra 2 lần, vì còn vài lần lẻ tẻ khác mà ngoài Ba và tôi với một hai người nữa, ít ai biết.

Đây là lần thứ 2. Khi Dương Văn Ba được cho ra tù sớm, chỉ ở tù có 07 năm mấy tháng (có thể là 02 tháng nhưng con số chính xác tôi không nhớ), thay vì chung thân. Ai yêu cầu ? Chính Dương Văn Ba yêu cầu. Lý do ? Tôi không biết lý do. Chỉ biết có một hôm Dương Văn Ba chạy về gặp tôi, nói: ông Đại tá Trưởng trại cho biết “cấp trên” yêu cầu phải có vài người đứng ra bảo lãnh để Ba được thả, mà một là Hồ Ngọc Nhuận. Tôi có được gặp ông Đại Tá Trưởng trại một lần, trong một buổi cơm, khi Dương Văn Ba đã được trả tự do, và nghe ông nói về tầm quan trọng của tờ giấy bảo lãnh của tôi cho Ba được thả. Ông Đại tá đó tên gì, nay ở đâu, Dương Văn Ba phải biết, và người nhà của Ba có người chắc biết. Tôi thì không. Nhưng nếu ai muốn tìm thì chắc không khó, bởi hồ sơ vụ án, hồ sơ công an, hồ sơ tù… có liên quan tât cả ắt phải còn đó.

Nhưng tại sao người bảo lãnh phải là tôi, và là một bảo lãnh quan trọng nhất ? Tôi không biết, cũng không hỏi. Bởi, như tôi đã nói, đây không phải là lần đầu tôi phải bảo lãnh cho Ba, và cho một số người khác nữa, đặc biệt cho một người tù đặc biệt ở Tiền Giang vài năm sau 1975 mà tôi có nói đến trong quyển ĐỜI. Tuy nhiên, khi có dịp ngẫm nghĩ, như lúc nầy, tôi lại thấy đây là một yêu cầu bảo lãnh có lý do hoàn toàn khác. Lý do đó ẩn trong tiết lộ sau đây của ông Nguyển Quang Sang, nguyên Giám Đốc Sở Tài chánh Minh Hải, nguyên Giam Đốc Công ty Cimexcol Minh Hải, trong đơn “khiếu nại tái thẩm” ông gởi cho các cơ quan có thẩm quyền, sau khi ông ra tù, đề ngày 01 tháng 12 năm 1996.Trong đó có đoạn viết: “…Đại tá Khiết là người điều tra hỏi cung tôi. Ông Khiết hỏi: Anh có biết Dương Văn Ba làm chánh trị không ?... Anh có biết Dương Văn Ba sử dụng người của ngụy đưa vào nội bộ Cimexcol gồm đủ thành phần binh chủng, ngành nghề, đủ lập một quốc gia riêng, lấy Cimexcol làm chỗ dực hợp pháp để thùa cơ lật đổ chính quyền cách mạng, anh có hiểu không ? Anh có biết Hồ Văn Minh, Hồ Ngọc Nhuận đang đóng vai trò trợ lý cho Dương Văn Ba là cấp trên của y chỉ đạo bộ máy phản động không ?... Chúng tôi đã có hồ sơ, biết cả Dương Văn Ba và bè lũ tập đoàn của chúng đang hoạt đông chính trị nằm rtrong nội bộ Cimexcol bao gồm ở tỉnh Minh Hải, ở Tây Nguyên, ở đất Lào, Dương Văn Ba đã liên hệ được với bọn Hoàng Cơ Minh, kỳ nầy quăng một mẻ chài là bắt gọn… Anh phải nhận khai báo sự thật cho chúng tôi, anh đổ hết việc làm đó cho Dương Văn Ba và đồng bọn của nó. Anh nên nhớ, chúng tôi bắt anh thì chúng tôi cũng biết trả anh về trong danh dự, anh không mất gì cả đâu .” (Trích bản thảo “Chuyện một vụ án, năm 1997, trang 370-371, của HNN)

Biết bắt thì biết thả” hay “biết thả thì cũng biết bắt”, vì cùng chung một hồ sơ. Dễ sợ!

Lần 1 tôi bảo lãnh Ba là sau 30 tháng 4/ 1975, để DVB được khỏi đi học tập cải tạo. Thời đó không biết do ai mà Ủy Ban Quân Quản và Ủy ban Mặt trận giải phóng Thành phố đã kêu tôi đến và đặc biệt cho phép tôi đứng ra bảo lãnh một số người để khỏi đi học tập cải tạo. Trong danh sách dài tôi nạp có một số người được chấp nhận,vài người về sau là nhân viên Tin Sáng,một số khác, nhiều hơn, bị bác. Trong số bị bác có Dương Văn Ba, mà tôi không biết tại sao, vì ai cũng biết Ba đã từng hoạt động sát cánh với tôi cả khi đang trốn nơi Đại tướng Dương văn Minh. Cả chú ruột của Ba từng có chân trong Ban Hoa Vận ở Chợ Lớn cũng “để” tôi lo “chạy thuốc”. Thật tình có lúc tôi tự hỏi không biết khi làm Điện Tín với tôi, có ai đó đã có báo cáo gì về Ba hay không. Đối với nhiều anh em phải đi trình diện học tập, tôi đã cố dùng mọi lý lẽ để “tranh đấu”, thật ra là “năn nỉ” xin được miễn, nhưng cuối cùng đành bỏ cuộc. Duy chỉ có Dương Văn Ba là tôi cố níu tới cùng, có lúc gần như “làm nư” với anh Tạ Bá Tòng, lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch Ủy Ban MTDTGP khu Sài Gòn – Gia Định, xin anh nói giúp cho Ba. Nếu vẫn không được thì xin cho tôi cùng đi học tập luôn. Anh 8 Cần Tạ Bá Tòng chắc phải “chứng giám” cho tôi về việc nầy.

10 Tôi được biết Tổng Bí Thư đảng Lào đã từng qua Hà Nội “để xin” cho Dương Văn Ba và Cimexcol. Hay ít ra là để khiêm tốn nói rõ rằng các điện đài ở Đà Nẵng hay Vinh, nơi Cimexcol xuất khẩu gỗ thông Lào qua Nhật, là của Bộ Quốc Phòng Lào chớ không là của Cimexcol, như đã có báo cáo. Rằng Bộ Quốc Phòng Lào không phải dễ để cho ai lợi dụng, và rằng Cimexcol Minh Hải đã thật sự làm lợi cho Lào, chớ không như “ai kia” từ nhiều chục năm qua. Rằng “triệt” Cimexcol là cắt cỏ dưới chân Bộ Quốc Phòng Lào, là làm hại cả hai phía, nhất là phía Lào, bị buộc phải ngưng ngang các dự án phát triển đang được tiến hành rất tốt.

11 Tôi còn nhớ một lần tôi đi thăm anh Dương Văn Ba tại trại sản xuất của anh bên ngoài trại tù. Cái lần đó tôi nhớ nó hơn mọi lần khác vì thật sự hào hứng và có được một kỷ niệm khó quên. Tôi hào hứng vì thấy Dương Văn Ba được thoải mái. Không phải như ở nhà, nhưng cũng không hẳn như trong tù. Tôi hào hứng vì những món đồ được sản xuất ở đây thật không thua gì ở ngoài, đa dạng và rất bắt mắt, được những anh em “công nhân tù” sắp mãn hạn tù sản xuất. Những anh em nầy thường là có những bản án rất nặng, đi từ một vài chục năm cho đến chung thân, được cho ra “Trại Thầy Ba”, để chờ ngày được trả tự do. Và ở đây tôi đã gặp một người, với một câu chuyện thật khó quên, nhưng lại rất tiếc không nhớ tên anh. Đang lững thững ngấm nghía từng món đồ và từng thao tác của từng “nghệ nhân” (thật sự lúc đó tôi không hề có một chút cảm giác nào rằng đó là những người tù), tôi bổng để mắt đến một nghệ nhân với một món đồ gỗ anh đang chạm dở. Anh người gầy gầy, cỡ trung niên. Tôi đến gần anh và hỏi “xin lỗi anh đang làm món gì ?”. Anh trả lời: “Dạ, bas-relief”. Tôi ngạc nhiên nhìn lại anh một thoáng khá lâu, và nói: “ Thật ra tôi biết anh đang chạm món gì, nhưng vì bỗng dưng quên bẳng tên gọi món đồ nên mới hỏi anh. Tên tiếng Việt cơ chớ không phải tiếng Pháp. Nhưng bây giờ thì tôi nhớ ra rồi”. Chưa kịp nói, anh lại nhanh miệng nói tiếp: “Dạ là phù điêu”. “Nhưng sao anh lại gọi bằng tiếng Pháp ?”, tôi lại hỏi. “Dạ, vì cứ quen gọi từ hồi còn ở trường. – Trường nào ? – Trường Mỹ thuật Gia Định. Đúng là một con “nhà nòi”, tôi nghĩ. Và hỏi tiếp: “Anh bị án bao nhiêu năm, và ở được bao lâu rồi? ” – Dạ, ở lâu rồi, chung thân nhưng được giảm nhiều lần, còn hơn năm nữa thì về nên được cho ra đây”. Tôi lai không ngăn được tiếng kêu trời, và nói: “Xin lỗi, về tội danh gì ?”. Anh cười đáp: “ Cưa cẳng ghế ” ! Cưa cẳng ghế ? Nghĩa là gì ? Tôi vừa hỏi xong thì cũng vừa đoán ra nghĩa là gì, vì cũng đã nghe ai đó nói về cái tội danh đó rồi, mà lâu quá nên quên. Anh lại đáp: “Lật đổ chánh quyền”. – Thật sao ? – Thật mà cũng không thật. Hồi mấy năm đầu đó mà. Tôi ở Bến Tre, hoang mang lắm, có mấy anh em “không chịu được”, rồi vu vơ nghe rủ rê thế nầy thế khác, rồi tính vầy tính khác. Nhưng có kịp làm gì đâu, rồi bể, rồi bị bắt… Tôi có nghe biết ông, định khi được về sẽ xin gặp ông ?... Tôi lại được ngạc nhiên thêm một lần nữa ! Sao anh nầy lại biết tôi ? Mà ngạc nhiên nhất là sao anh lại muốn gặp tôi ? Sau khi ra tù vì “tội cưa cẳng ghế”, dù cưa hụt, hay chưa cưa ? Tôi chưa kịp hỏi, anh đã giải tỏa cho tôi ngay: “Để xin ông giúp tìm việc làm”…

Thỉnh thoảng tôi có nhớ lại chuyện nầy, rồi quên bẵng. Và chắc anh bạn ấy cũng quên, hay đã có việc làm ổn định. Hay đã đi ra nước ngoài… Nhưng tôi mong có dịp gặp lại anh, để nói chuyện chơi.

12 Nhà văn Sơn Nam, tuy là cột trụ của Tin Sáng như nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà,như nhà báo Phan Ba và vài bạn khác nữa, nhưng cũng làm freelance cho tờ Tia Sáng của ông Nguyễn Trung Thành. Anh Sơn Nam thỉnh thoảng lại “kể công” với tôi: “Tôi làm với anh mà qua bên Tia Sáng của ông Nguyễn Trung Thành để tắm, cho ông ấy trả tiền nước, vì thương Tin Sáng cứ bị tịch thâu hoài”. Và từ chế độ cũ qua chế độ mới nhà văn Sơn Nam luôn là một người anh khả kính của của gia đình Tin Sáng.

Tôi cũng thường nói giỡn là tác giả Kim Dung cũng là freelance của tôi vì mỗi ngày ông đều viết thêm cho tôi mấy giòng trên feuilleton của ông đăng ở Tin Sáng. Nhưng kỳ thật đó là nhờ người dịch cắt bớt mấy giòng khi gời cho các báo khác…

13 Ngoài hai Nghiệp đoàn ký giả và Hội Ái Hữu Ký giả, mà mọi người làm báo đều được tự do tham gia, các chủ báo còn có Hội Chủ báo. Nhưng giữa Hội nầy và các nghiệp đoàn ký giả không hề có mâu thuẫn nhau. Các ông bà chủ báo thường dùng Hội để đối phó với ông Nhà nước, ông Thông tin, ông Tài chánh Ngân hàng. Hoạt động của hội nầy đặc biệt rộ lên trong những lần chánh quyền có quyết định cấp quota chia “bông” giấy in báo. Sau đó thì hội hoạt động cầm chừng, chờ tới mùa chia quota năm sau. Đa số chủ báo ai nấy đều lo cho tờ báo riêng của mình. Có chủ báo lại bán bớt “bông” giấy cho các tờ báo có số phát hành cao. Có khi đem manchette cho một số nhà báo chuyên nghiệp mướn.

Chính những ông mướn manchette báo nầy, cũng là những nhà báo chuyên nghiệp với nhau, cũng là ký giả với nhau, nhưng khi làm ăn thua lỗ thì có ông, hoặc quỵt tiền thuê manchette, hoặc quỵt tiền bài vở của các ký giả đồng nghiệp. Có ký giả có lần còn nhờ tôi hỗ trợ tiếng nói để đi kiện. Một nhà báo lão thành, anh Tường Hữu mà làng báo Sài Gòn đều biết tiếng, hiện đã ngoài 90 nhưng còn rất minh mẫn, thỉnh thoảng gặp tôi vẫn tâm sự về một người “như vậy” đã đối xử với anh “như vậy”. Khi nghe tin ông ấy mất, anh Tường Hữu nói với tôi là bỏ qua cho ông ấy, nhưng không đi đám ma. Tôi cũng từng biết những tay như vậy, chớ không hề thấy chù báo đi ăn chận hay bóc lột ký giả bao giờ.

Ngoài việc đấu tranh trong khuôn khổ các nghiệp đoàn báo chí còn có luật báo chí, luật lao động và tòa án. Nhưng tòa án “thời xưa” thường bận rộn xử báo bị chánh quyền tịch thâu. Còn xử các vụ tranh chấp chủ-thợ giữa chủ báo và người làm báo thì không bao giờ nghe thấy. Có thể kể thêm một định chế nữa về nghề báo là Hội Đồng Báo Chí, gồm một nửa nhân sự là do các đoàn thể báo chí đề cử, một nửa còn lại là do Nhà nước chỉ định. Nhưng Hội Đồng “lão làng” nầy chỉ để làm vì là chủ yếu, và có thể nói tôi là một thành viên trẻ nhất trong Hội Đồng, do các Nghiệp đoàn đề cử.

14 Các anh chị em nòng cốt các phong trào quần chúng đấu tranh cho hòa bình thường tổ chức họp mặt hằng đêm ở Văn phòng Giám đốc chánh trị nhật báo Tin Sáng, số 132 Lê Lai Quận 1, bên cạnh Tòa soạn báo, có khi còn bị cảnh sát bao vây cả đêm, như anh Nguyễn Ngọc Lan và một số nhà sư trẻ, hay như cô Cao thị Quế Hương hiện ở Đà Lạt. Anh em cảnh sát chế độ cũ ở Quận 1 cũng không lạ gì văn phòng nầy, vì hằng đêm phải kéo đến để lập biên bản, hoặc chận hai đầu đường để “nhìn mặt người quen”. Báo Tin Sáng đã từng là một thành viên trong Ban tổ chức kỷ niệm ngày tự thiêu của Thích nữ Nhất Chi Mai ở chùa Từ Nghiêm vào tháng 5/1971, cùng với nhiều đoàn thể đấu tranh cho hòa bình. Thích nữ Nhất Chi Mai đã tự thiêu để cầu nguyện cho hòa bình Việt Nam ngày 16/5/1967, lúc 7 giờ 20 sáng, với mấy lời di chúc: Xin đem thân làm đuốc, Xin soi sáng u minh, Xin lòng người thức tỉnh, xin Việt Nam Hòa Bình.

15 Như tôi đã có kể trong bản thào quyển “ĐỜI, hay chuyện về những người tù của tôi”, ai cũng biết tôi từng cầm đầu một phái đoàn Hạ Nghị Viện về Trà Vinh khi Đức bị ông Thiệu cho bao vây để bắt, trong thời gian Khối đối lập chúng tôi cương quyết đấu tranh “phá đám” dự luật bầu cử “độc diễn” ở Hạ Nghị Viện Sài Gòn. Trong đoàn có anh Dương Văn Ba, có anh Đinh Văn Đệ và anh Phan Xuân Huy hiện vẫn còn đây, có anh Trần Minh Nhựt hiện đang ở Mỹ, Và khi tôi cùng đoàn phải bay về Sài Gòn để vận động tướng Nguyễn Cao Kỳ cho trực thăng trở xuống Trà Vinh để cứu Đức, thì Đức đã yêu cầu Ba ở lại với Đức “cho có bạn”. Rồi đến khi Ba và Đức cùng bị bao vậy, người ở Bạc Liệu, người ở Trà Vinh, trong cuộc vận động bầu cử Quốc Hội VNCH khóa 2 năm 1971, thì cũng chính tôi đã phải một lần nữa mượn trực thăng của ông Kỳ đi Bạc Liêu “cứu bồ”, mà lần nầy là với luật sư Trần Ngọc Liễng. Tôi chỉ giúp được Ba ra khỏi ngôi chùa nơi Ba và các bạn bị bao vây, chớ không làm được gì cho Đức, vì tôi không thể cùng một lúc ở hai nơi. Luật sư Trần Ngọc Liễng nay đã mãn phần, ông Tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng ra đi, nhưng một số nhân sĩ, nhà sư ở Bạc Liêu, một số các bạn cựu nghị viên Bạc Liêu là chỗ thân tình chí cốt của Dương Văn Ba đều còn đó, người đang ở Sài Gòn, người ở Bạc Liêu, người ở Úc… đều có thể làm chứng cho mối quan hệ giữa Đức và Ba và tôi “thời xưa” là như thế nào.

16 Cả hai bộ phận nòng cốt của Tòa soạn Tin Sáng cũ và Điện Tín, các anh Phan Ba, Minh Đỗ, Trần Trọng Thức, Trương Lộc, nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà, các nhà văn Sơn Nam, Vũ Hạnh… đều hội về đủ mặt ở Tin Sáng mới. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp từ ngoài Bắc về cũng góp bài hay nhà văn lão thành Nguyễn Tuân cũng gởi bài cho Tin Sáng từ Hà Nội. Các giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Chu Phạm Ngọc Sơn, Trần Kim Thạch, Nguyễn Xuân Oánh và nhiều vị khác là công tác viên thường xuyên của Tin Sáng… Nhẩm đếm có thể có đến cả chục nhà giáo là đồng môn cũ của Dương Văn Ba, cũng là đồng nghiệp cũ của tôi, đã nắm giữ những Ban Biên tập trọng yếu tại Tin sáng, như các anh Huỳnh Công Minh, nguyên Hiệu trưởng trường Sư phạm Vĩnh Long, Hoàng Ngọc Biên, Cao Thanh Tùng, Võ Văn Điểm, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Đồng, Đào Văn Phước, Nguyễn Ngọc Thạch, Diễm Châu… Anh Nguyễn Ngọc Lan, là chủ bút báo Đối Diện, Đứng Dậy nhưng vẫn viết rất đều cho Tin Sáng. Và gần như chỉ viết cho Tin Sáng mà thôi, như Giáo sư Lý Chánh Trung. Hai bạn sau nầy đã từng ra sách in lại những bài viết nổi tiếng trên Tin Sáng. Và đây chỉ là và đơn cử điển hình.

Trung tá Trương Minh Đẩu, nguyên Chánh Văn phòng Đại tướng Dương văn Minh, sau khi đi “học tập cải tạo” về cũng vào làm việc ở Tin Sáng. Anh Đẩu và anh Trịnh Bá Lộc là hai sĩ quan thân cận với ĐT Dương văn Minh đã từng đùm bọc giúp đỡ anh Dương ăn Ba và gia đình anh rất nhiều. Anh Đầu mất sau khi Tin Sáng ngưng hoạt động khá lâu. Hôm đến tiễn anh, được gặp cùng lúc anh giáo sư Nguyễn Văn Trường, nguyên Bộ Trưởng Bộ Giáo dục VNCH, và anh Thiếu tướng nhà báo Phạm Xuân Ẩn, tôi mới biết ba anh là bạn thân với nhau từ hồi còn để chỏm…

17 Các dân biểu nghị viên chế độ cũ, mà đa số là dân biểu, là nhân viên Tin Sáng mới, gồm: Ngô Công Đức (Trà Vinh), Hồ Ngọc Nhuận (Sài Gòn), Nguyễn văn Binh (Gia Định), Dương Văn Ba (Bạc Liêu), Phan Xuân Huy (Đà Nẵng), Hồ Ngọc Cứ (Sài Gòn), Hồ Văn Minh (Sài Gòn), Đinh Xuân Dũng (Bình Thuận), Lý Quý Chung (Sài Gỏn), Dương Văn Long (Nghị vên Đô Thành), Tạ Văn Bo, chánh văn phòng chủ nhiệm Tin Sáng là cựu nghị viên Bạc Liêu, Thạch Phen (Bạc Liêu), Huỳnh Ngọc Diêu (Bến Tre)Trần Văn Thung (Nha Trang), Nguyễn Văn Tiếp (Long An) và anh Nguyễn Hữu Hiệp.

Anh Trần Văn Thung làm ở Tin Sáng được mấy tháng thì về Nha Trang để vượt biên cùng với hai đồng viện cũ của chúng tôi ở HNV/QH/VNCH, trong đó có một anh là tân đại biểu [Nguyễn Công Hoan, chú thích của Diễn Đàn] của Quốc Hội mới toanh của nước Việt Nam thống nhất, thuộc một đơn vị ngoài Trung. Anh Nguyễn Văn Tiết thì vượt biên sau anh Thung vài năm. Đặc biệt anh Nguyễn Hữu Hiệp còn là nguyên Thứ trưởng đặc trách liên lạc với Quốc Hội trong chánh phủ Trần Văn Hương, và là cựu dân biểu Quốc Hội Lập Hiến Đệ nhị CHVN, đồng viện với Dân biểu lập hiến chủ báo Lý Quý Chung. Gia đình hai anh Chung Hiệp là bạn rất thân với nhau trong một thời gian rất lâu, cho tới một thời gian ngắn trước ngày Tin Sáng hoàn thành nhiệm vụ.

Tất cả các cựu dân biểu nghị viên nầy gộp lại là thừa túc số để làm thành mộkhối chánh trị chánh thừc ở trong Quốc Hội VNCH, Bởi ở đây đã có tới hơn 15 người, trong khi ở Hạ nghị viện cũ túc số cần và đủ để thành lập khối là 12. Vậy mà có khi cũng khó hội đủ, đành phải được gọi là “nhóm”.

18 Các bác sĩ nổi tiếng của Sài Gòn xưa từng là bác sĩ riêng của Tin Sáng, như Bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn, nguyên Thị Trưởng Đà Nẵng, nguyên Phó Giám Đốc Bệnh viện Sùng Chính (đã định cư và mất ở Pháp), như Bác sĩ Nguyễn Hải Nam, nguyên Giám Đốc BV Cảnh sát, nguyên GĐ BV An Bình, nguyên GĐ BV Triều An, như Bác sĩ Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó GĐ Sùng Chính, bây giờ là BV Chỉnh Hình TP, từng là đồng viện của Đức, của Ba và của tôi ở Hạ Nghị Viện QH/VNCH, hiện đang định cư ở Mỹ, như BS Nguyễn Tấn Trung, bạn cùng trường cùng lớp với My Sơn Nguyễn Ngọc Thạch thời trung học, và sau Tin Sáng là một cây viết chuyên mục “đàn ông” của báo Tuổi Trẻ cho tới khi mất, hay như Bác sĩ Hồ Văn Minh, từng là Phó Chủ tịch Hạ Nghị Viện, từng là ứng cử viên Phó Tổng thống liên danh với ĐT Dương Văn Minh, và khi Tin Sáng hoàn thành nhiệm vụ đã về làm trưởng ban y tế của Cimexcol…

19 Báo Tin Sáng có một thư viện khá đồ sộ mà chúng tôi đã tặng cho Hội Nhà báo Thành phố khi “hoàn thành nhiệm vụ”. Khá lâu sau, tôi được biết thư viện nầy đã bị mối ăn gần hết. Chút gì còn lại thì được tặng lại cho báo Tuổi Trẻ. Khi tôi có dịp đến hỏi thăm báo Tuổi Trẻ thì anh quản thủ thư viên ở đây cho biết và cho coi “chút gì còn lại” của thư viện Tin Sáng là một ít sách cũng bị mối gậm.Tôi thật ngẩn ngơ ! Mất gì không tiếc bằng mất cái thư viện nầy. Bởi tôi đã gôm nó từ thư viện của Tin Sáng cũ và thư viện của riêng tôi, gồm tât cả sách báo, tài liệu, hình ảnh trong và ngoài nước mà tôi đã cố công tích luỹ trong nhiều năm, tại văn phòng tôi ở số 132 Lê Lai, đem về tòa soạn báo Tin Sáng mới ở 63 Bùi Thị Xuân. Ngoài ra còn liên tục mua vớt lại rất nhiều sách báo đã lưu hành dưới chể độ cũ đang bị cấm. Ở thời sách báo cũ bị cấm lưu hành, và giấy trắng lại hiếm, cái gì cũng có thể cho vô bồn để quậy làm bột giấy báo, cả sách bị tịch thâu, cả sách kinh điển, Trưởng ban thư viện Nguyễn Hữu Hiệp, với chút quỹ dành cho thư viện, gần như mỗi ngày đều cho nhân viên tranh mua sách báo cũ các loại với mấy chị bán xôi và mấy nhà công nghệ “giấy quậy”. Cả các bộ án lệ Dalloz của các luật sư nổi tiếng tích luỹ hằng chục năm cũng mua nốt. (Chỉ trừ của bà luật sư cựu nghị sĩ Nguyễn Phước Đại thì không kịp mua). Tôi còn nhớ có lần nhà văn Nguyễn Công Hoan ghé thăm nhà báo, tôi đã mời bác đi thăm thư viện Tin Sáng và hồ hởi tặng bác một tác phẩm của bác, mà in ở Sài Gòn. Tôi không nhớ là “Lá ngọc cành vàng” hay “Tắt lửa lòng”, vì bác nói “sách đã cạn”, Hà Nội không tái bản, mà tủ sách riêng của bác cũng không còn. Một lần khác, thường trú hãng tin Novosti Liên Xô ghé chơi, tôi cũng hân hạnh tặng ông một bộ Encyclopaedia Britannica, thời đó là rất quý.

Xem ra thì báo Tuổi Trẻ và báo Tin Sáng cũng có chút “duyên nợ”. Một số cây viết của Tin Sáng sau tháng 6/1981 đã về làm ở Tuổi Trẻ, trong đó có anh Võ Ngàn Song đã trụ luôn ở đó chớ không nhảy qua báo nào khác. Phu nhân nhà thơ nhà báo Cung Văn Nguyễn Vạn Hồng, sau khi “hoàn thành nhiệm vụ” kế toán trưởng Tin Sáng gần 6 năm, cũng qua làm việc ở Tuổi Trẻ, đến khi nghỉ hưu thì về quê Đà Nẵng mở hiệu kinh doanh. Sau nầy, nhà báo Binh Nguyên, con trai anh Nguyễn Văn Binh, quản lý Tin Sáng, cũng là một cây viết phóng sự nổi tiếng của Tuổi Trẻ. Tới cái Thư Viện Tin Sáng, với chút gì cứu được, cũng được cho về với Tuổi Trẻ. Và có người còn nói về cái manchette “tuổi trẻ” nữa, nó cũng có nét chữ hao hao như nét chữ “tin sáng”, nhưng điều nầy thì tôi không chắc.

20 “Gia đình Tin sáng” là “đại gia đình” của nhiều gia đình anh em nhân viên Tin Sáng. Cháu ruột anh Hồ Ngọc Cứ, Trưởng ban kiểm tra Tin Sáng, con gái anh Hồ Ngọc Chiếu đi tập kết ở miền Bắc về cũng làm việc ở Tin Sáng. Vợ và em gái, em rể anh Dương Văn Ba, hai người con trai lớn và con dâu anh Hồng Sơn Đông chủ nhiệm báo Điện Tín cũng là nhân viên Tin Sáng mới. Anh Nguyễn Chức Sắc và con trai anh cùng làm chung Ban sắp chữ, mà anh là Trưởng ban. Ba anh em Trương Nguyên, Trương Lộc, Trương Thọ đều làm ở đây. Anh Nguyên là Trưởng phòng tối (rửa ảnh), anh Lộc là trưởng ban biên tập, anh Thọ là trưởng ban phóng viên ảnh. Đây không là trường hợp duy nhất có ba anh em cùng làm chung ở Tin Sáng. Và các trường hợp nêu trên đây chỉ là một vài ví dụ. Chớ nếu tính hết những người có anh em, cha con, vợ chồng… cùng làm việc ở Tin Sáng bộ mới thì còn nhiều lắm, kể ra mà thiếu thì e có bạn sẽ trách. Và nếu kể hết thì hình như mọi người ở Tin Sáng đều không chê cái “chế độ chủ thợ” ở đây chút nào hết. Ngay như con trai lớn của Phụ tá chủ bút Lý Quý Chung, tuy chưa đủ tuổi đi làm cũng được gởi cho chủ nhiệm Ngô Công Đức để được xếp một chân chạy việc ở văn phòng chủ bút.

Tôi có một thằng cháu chạy nạn Pon Pot về từ Campuchia, làm trường nông trường Minh Hải của Tin Sáng, nói tiếng Khmer rất giỏi nên sau nầy đã bị “tố ngầm” là người của Đức, của Nhuận “nằm vùng” để móc nối với Sơn Ngọc Thành chống phá cách mạng. Một thằng cháu họ Hồ khác của tôi cũng là nhân viên Tin Sáng, rồi đi nghĩa vụ quân sự, rồi về đầu quân Cimexcol khi Tin Sáng bị đóng cửa, rồi theo Dương Văn Ba qua Lào và ở lại thành dân Lào vì vụ án Cimexcol…

21 Khi Tin Sáng ngưng hoạt động, đại diện Ban Tuyên huấn, Sở Thông tin báo chí, lãnh đạo và các đoàn thể Tin Sáng đã họp để cho ra đời một Ban Thanh lý Tin Sáng mà tôi được cử làm Trưởng Ban. Nhiệm vụ Ban nầy là:

– Cung cấp hồ sơ công tác tại Tin Sáng của các anh chị em được chuyển sang các cơ quan khác, cung cấp thông tin, hỗ trợ tìm việc và tạm thời quản lý hành chánh các anh chị em chưa có việc làm.

– Chuyển giao Khu nghỉ mát Bình Quới Thanh Đa cho Công ty Du lịch Thành Phố, chuyển giao Thư viện Tin Sáng và khu nghỉ mát Bãi Dâu Vũng Tàu cho Hội Nhà báo Thành phố, theo quyết định tập thể khi thành lập Ban Thanh lý.

– Thanh lý cơ sở Sơn mài Lam Sơn. Sơn mài Lam Sơn là cơ sở của tập thể Tin Sáng, do anh Nguyễn Hữu An, Phụ tá Chủ bút, đại diện tập thể làm Giám Đốc. Khi Tin Sáng hoàn thành nhiệm vụ, Ngô Công Đức mua lại cơ sở sơn mài Lam Sơn theo thời giá. Tất cả anh chị em Tin Sáng, từ chủ nhiệm trở đi, đều được chia phần, dựa theo công điểm và thâm niên ở Tin Sáng, theo tính toán của Công Đoàn. Mọi người có quyền nhận bằng hiện vật sơn mài, hoạc bằng tiền (Ngô Công Đức, sau khi mua lại cơ sở sơn mài, đã đưa vào hợp tác liên doanh một thời gian với Quận Phú Nhuận, về sau thì giao hết cho Quận).

Tin Sáng giải thể, văn phòng Ban Thanh lý TS phải đặt ờ nhà riêng của tôi, công việc của Ban Thanh Lý Tin Sáng đã phải kéo dài vài năm sau mới chấm dứt, và trưởng ban Thanh Lý mới được giao con dấu cho Sở Chủ quản là Sở Thông tin báo chí. Tôi còn nhớ công việc chủ yếu của trưởng Ban Thanh Lý là ký giấy giới thiệu mua dầu lửa và gạo cho những anh chị em chưa được các cơ quan khác chấp nhận vào làm.

22 Phụ tá chủ bút Nguyễn Hữu An, gốc Huế, quê Kontum, là bạn học từ thời trung học với Ngô Công Đức, Hồ Văn Minh và với tôi. Khi làm báo Tin Sáng cũ, An được giao coi sóc tòa soạn với anh Phan Ba, sau anh Trần Chi Lăng. An còn đặc trách mục quốc tế, và là một trong năm anh “Tư Trời Biển” của mục “tin vịt nghe qua rồi bỏ” (Tôi đã tập hợp hầu hết các bài của tập thể TTB , định có ngày sẽ cho in thành sách khi đã chọn lọc biên tập xong lần chót). Nguyễn Hữu An còn là một kiến trúc sư, một sĩ quan công binh trừ bị, đã cùng tôi, một thiếu úy bộ binh trừ bị, phục vụ ở phòng báo chí Phủ Quốc Trưởng Dương văn Minh một thời gian sau cuộc chỉnh lý đầu năm 1964, và cùng bỏ trốn khi có lệnh tướng Nguyễn Khánh đưa các sĩ quan phục vụ Quốc Trưởng Dương văn Minh đi Pleiku. Đó là lần bỏ trốn thứ nhất của “hai đứa” chúng tôi. Lần bỏ trốn thứ hai của An là khi làm thư ký tòa soạn Tin Sáng bộ cũ (1968-197). Đang là sĩ quan công binh trừ bị, An bị người của TT Nguyễn văn Thiệu ra lệnh tái ngũ để lại được cho đi Pleiku. Đức và tôi chạy vạy xin cho An ở lại mà không được, nên tôi đành rước An về trốn ở nhà tôi. Cả bốn anh em chúng tôi, An, Đức, Minh và Nhuận, đã từng gắn bó với nhau như vậy, ngay từ hồi còn đi học, nên các em của An khi xuống Sài Gòn đi học cũng thường tá túc tạm thời ở nhà Hồ Văn Minh và tôi. Và khi làm Tin Sáng, cũ hay mới, người đầu tiên Đức và tôi nghĩ tới là Nguyễn Hữu An, và Dương Văn Ba rồi mới đến các bạn khác.

Xem tiếp....


Ngày cập nhật 2015/08/30 Tác giả: nhadatphucankhang





Hỗ trợ trực tuyến

 

0835570473 - Họa sĩ Minh Tâm vẽ tranh Phong Thủy và Tôn Giáo

---

0938168807 (Marina)

Hình Ảnh Dự Án

Liên Kết Website

BACK TO TOP