48 năm một mẩu chuyện nhỏ (Tập 2)

Dù sao, đối với Dương Văn Ba, và mọi người thân, thì được trả về đời sống tự do là không có gì hơn. Bởi ai cũng biết câu “một ngày ở tù như…” mà Dương Văn Ba thì phải ở tù oan đến 7 lần 365 ngày hơn. Tuy rằng, nhờ có cuộc vận động minh oan ráo riết dồn dập của toàn bộ “tập thể” tôi đã nói ở trên, mà Dương Văn Ba cũng có được những ngày tháng cuối cùng ở trong tù “dễ thở” hơn. Dương Văn Ba đã được cho ra cai quản một trại sản xuất đồ mộc riêng bên ngoài nhà tù (sản xuất cho Trại tù hay cho lãnh đạo các Trại tù thì tôi không biết), được đưa người nhà đến ở chung để lo cơm nước, và thỉnh thoảng được cho về Sài Gòn chơi. Được về Sài Gòn chơi chớ không phải về nhà. Và tôi biết có rất nhiều bạn bè đã đến thăm Dương Văn Ba khi Ba còn ở trại, mà không phải chỉ một lần, vì không phải quá khó khăn, nhất là quá tốn kém như cái thời nhiều gia đình phải tảo tần, có khi phải bán hết đồ đạc và lặn lội đi thăm những người đi cải tạo ở ngoài Bắc 11.

Qua cơn mưa. Người ta cũng thường nói “qua cơn mưa trời lại sáng”. Nhưng đây không là một cơn mưa, mà là một cơn dông. Hơn cả một cơn dông, đây chinh là một cơn bão. Sau dông bão thì gãy đổ là không thể tránh khỏi. Được tự do sau hơn 7 năm thử thách ở trong tù,Dương Văn Ba đã phải trải qua một thời kỳ thử thách mới kéo dài triền miên cho đến nay. Toàn bộ sản nghiệp gần như mất hết, Ba phải lo gầy dựng lại từ đầu gần như với hai bàn tay trắng. Bắt đầu là thử chạy vạy đòi lại mấy thứ đã bị tịch thâu, mà không đi đến đâu, lại còn đổ thêm nợ chạy đòi nợ. Có cái nhà ở đường Đinh Bộ Lĩnh Sài Gòn bị tịch giao cho Minh Hải bán. Sau nhiều tháng kiện, sau nhiều phiên xử, Minh Hải phải trả nhà thì Minh Hải lại tách đôi, Bạc Liêu trả một phần, Cà Mau một phần, bằng tiền Nhà nước. Tức trả nhỏ giọt, sở hụi đi về để lãnh từng giọt không đủ ăn cơm đường, tiền đâu trả nợ chạy đòi nợ ? Có cái nhà mua của Giáo sư Lê Văn Thới, nguyên Chủ tịch Hội Trí thức yêu nước Thành phố, ở mặt tiền Làng Đại học Thủ Đức, thì bị tịch thu luôn, cả mấy con heo được nuôi ở đó cũng bị hốt hết… Vậy là thử nhảy vô một số ngành mới, cả đấu thầu bếp ăn tập thể, cả mở quán ăn, cả trở lại đất Lào… Các bạn Lào ai còn lại sau biến cố Cimexcol cũng hết sức giúp. Bạn bè thân nhân ở đây cũng vậy. Mà thời vận đã khác, sức khỏe tuổi tác của Ba và mỗi ngưởi cũng khác, cái thì ngày càng xuống, cái thì ngày càng chồng cao. Vậy mà cuộc sống bây giờ, thường là không bình thường lắm, nó cứ không ngừng rượt đuổi theo. Dương Văn Ba bị tai biến mạch máu não lần nầy nằm liệt một chỗ là lần thứ ba. Với một người bình thường chỉ hai lần tai biến thôi cũng đủ vắt kiệt cả sức người sức của. Và mọi người, kể cả anh em con cái trong nhà, sau hơn 7 năm liên tục dốc hết sức mình để vận động cho Dương Văn Ba được trả tự do, cũng bắt đầu thấy đuối. Phải lo củng cố lại mình cũng là lẽ tự nhiên không khó hiểu.

Điều khó hiểu. Duy chỉ có điều khó hiểu, mà nhiều bạn bè đang hỏi tôi, như ba nhà báo, anh Tống văn Công, chị Minh HIền và anh Võ Văn Điểm đã hỏi. Đó là: Tại sao Dương Văn Ba lại viết trong hồi ký, nói rằng “Ngô Công Đức đối xử vối cộng sự thân tín như xưa: một đàng là chủ báo, một đàng là công nhân. Quan hệ chủ thợ...” ..“Nguyên do khách quan khiến chính quyền Hà Nội đi tới quyết định.....Tin Sáng hoàn thành nhiệm vụ lịch sử”. Và đây không chỉ là điều “không tốt” duy nhất Ba viết về Đức,

Anh Tống Văn Công, và có thể có nhiều bạn nữa, đã “yêu cầu Hồ Ngọc Nhuận lên tiếng để: Một là trả cho lịch sử đúng sự thật. Hai là minh oan cho người bạn đã qua đời”.

Và tôi xin thưa:

1/ Câu nói trên không thể là của Dương Văn Ba ;

2/ Dương Văn Ba chỉ lặp lại câu nói của một người khác.

1/ Câu nói trên không thể là của Dương Văn Ba. Tại sao ? Bởi khi nói “Ngô Công Đức đối xử vối cộng sự thân tín như xưa: một đàng là chủ báo, một đàng là công nhân. Quan hệ chủ thợ...” thì hai chữ như xưa ở đây có nghĩa là dưới chế độ cũ. Vậy thử xem “như xưa” với tờ Tin Sáng cũ, và “như xưa” với tờ Điện Tín, thì cái gọi là “Quan hệ chủ thợ” là thế nào:

a) “Như xưa”, từ 1967/1968 đến 1971, với tờ Tin Sáng cũ:

– Ngô Công Đức, Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận, và nhiều anh em của cả ba từng viết báo Tin Sáng, là dân biểu Quốc Hội VNCH, là đồng viện, là đồng khối chánh trị ở Hạ nghị viện, đồng lập trường tranh đấu ở Miền Nam mà mọi người đều biết.

– Đức, Nhuận đứng tên tờ Tin Sáng thì Dương Văn Ba là một trong những cây viết chủ lực của Tin Sáng. Cùng với các cây viết nòng cốt khác, như: anh Nguyễn Ngọc Lan, giáo sư Lý Chánh Trung, giáo sư Nguyễn Văn Trung, các dân biểu Phan Xuân Huy, Kiều Mộng Thu, Hồ Hữu Tường, Huỳnh Ngọc Diêu, v.v…

– Viết báo thì có nhuận bút, theo quy chế nhuận bút. Tiền nhuận bút không phải là tiền lương và thường là rất hậu hĩ, đặc biệt với những cây viết chủ lực. Nhuận bút trên các báo tôi đứng tên giám đốc chánh trị hay chủ bút đều do tôi duyệt, bút tích đến nay vẫn còn. Các chủ nhiệm Hồng Sơn Đông, Ngô Công Đức đều ủy quyền đó cho tôi.

– Báo hằng ngày ở Sài Gòn cùng thời với Tin Sáng cũ, thường có khoảng trên dưới 30 tờ tùy thời điểm tịch thâu nhiều ít, vừa báo thương mại, báo chánh trị thân chính hoặc đối lập. Mà báo thương mại là đa số. Mỗi tòa soạn báo thường có một ê kíp nhỏ chuyên lo các trang báo mỗi ngày, là chỗ tin cậy của chủ báo chủ nhiệm, đa số ký giả còn lại đều làm freelance 12, môt người viết cho nhiều tờ báo, ai không bằng lòng tờ nào thì cứ bỏ đi, nhưng thường là được tờ báo “ôm cứng” nếu bài vở ăn khách, hay là cây viết nổi tiếng.

– Tất cả những người làm báo đều tập họp trong các hội đoàn hay tổ chức nghiệp đoàn độc lập để tương trợ lẫn nhau và tranh đấu bảo vệ quyền lợi của nghề báo và của cá nhân mình. Riêng các ký giả thì có hai nghiệp đoàn là Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam và Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, cộng với Hội Ái hữu ký giả, để tự do tham gia bảo vệ quyền lợi của mình. Các nghiệp đoàn ở Miền Nam trước đây, đặc biệt là các nghiệp đoàn báo chí, ai cũng biết tiếng là đấu tranh không vừa, kể cả xuống đường, không dễ gì để bị chủ báo ăn hiếp 13.

– Tờ Tin Sáng là một tờ báo đối lập chánh trị, không là một tờ báo thương mại. Ai cũng biết Tin Sáng là một cơ quan tranh đấu, một tờ báo ngày “gần như hằng ngày” bị chánh quyền liên tiếp tịch thâu, liên tục bị đóng cửa, tòa soạn và nhà in liên tiếp bị đốt phá, các báo đương thời đều có đăng tin. Riêng tôi cũng từng bị “đạn thư” đe dọa mạng sống, Ngô Công Đức từng bị ném sơn đầy người khi về Trá Vinh, và cả hai chúng tôi đã từng bị treo hình nộm đốt ở tỉnh nhà, khi chúng tôi tổ chức kêu gọi hoà bình ở Paris và kêu gọi TT Nguyển Văn Thiệu từ chức, trên Tin Sáng. Nhưng Tin Sáng luôn được những người cùng chính kiến hợp tác coi như tờ báo của chính mình. Những tổ chức đấu tranh cho hòa bình dân tộc cũng đều coi Tin Sáng là như vậy. Và đông đảo độc giả nạn nhân chiến tranh, yêu chuộng hòa bình đều chọn Tin Sáng làm tiếng nói của mình 14. Có thể nói Tin Sáng dưới chế độ cũ là một tờ báo đã hội tụ được nhiều cây viết chánh trị nổi tiếng lúc bấy giờ, và nhiều nhà văn nhà báo tên tuổi.

Tất cả những phá hoại đối với Tin Sáng, tất cả những ủng hộ đối với tờ báo, trong đó có Dương Văn Ba, lẽ nào để yên cho chủ nhiệm Ngô Công Đúc đối xử với cộng sự thân tín như chủ thợ. Bởi thật sự là không hề có như vậy.

– Khi nói về “cộng sự thân tín” của Ngô Công Đức “thời xưa”, tức thời 1967-1971, thì ai có thể thân tín với Ngô Công Đức bằng Dương Văn Ba và Hồ Ngọc Nhuận, mà mọi người đều biết, vì luôn sát cánh với nhau ? Nếu không, thì làm sao có chuyện Ba cùng tôi đi cứu Đức ở Trà Vinh, và tôi đi cứu Ba ở Bạc Liêu khi Đức Ba bị nạn, như tôi đã kể trong quyển ĐỜI, trong chương “Ngô Công Đức ngồi tù” ? 15 Nếu không là thân tín với nhau, thì tại sao Ngô Công Đức khi chuẩn bị vượt biên lại sắp xếp cho ra tờ Điện Tín để Dương Văn Ba làm Thư Ký Tòa soạn trong mấy năm trời lánh nạn ở dinh Hoa Lan ?

Tóm lại, mọi người từng biết biết Dương Văn Ba, từ năm 1967 đến năm 1971, là một dân biểu đối lập, là một cây viết nổi tiếng của báo Tin Sáng, và hầu như duy nhất chỉ viết cho Tin Sáng, như anh Nguyễn Ngọc Lan ngoài tờ Đối Diện của anh. Dương Văn Ba không hề là một công nhân ở Tin Sáng ngày nào. Để biết chế độ “chủ thợ” ở Tin Sáng là như thế nào. Trừ phi đã nghe ai nói ? Nếu vậy thì lúc đó sao không lên tiếng ? Nhất là với tư cách một dân biểu đối lập nổi tiếng ? Mà lại im lặng coi như a tòng ? Để đến bây giờ, hơn 40 năm sau, và gần 8 năm sau khi chủ nhiệm Tin Sáng đã chết, và nhiều người nữa cũng đã chết, thì mới lên tiếng ?

Và vì vậy tôi nói Dương Văn Ba không thể là tác giả của những câu chết người kể trên.

b) “Như xưa”, từ 1971 đến 30-4-1975, với tờ Điện Tín.

– 1971: Dương Văn Ba thất cử dân biểu ở Bạc Liêu và Ngô Công Đức ở Trà Vinh.

– Cuối năm 1971: Ngô Công Đức chuẩn bị mọi thứ cho ra lại tờ Điện Tín, giao cho tôi và Dương Văn Ba điều khiển rồi đi lưu vong.

– Từ cuối 1971 đến 30-4-1975: Dương Văn Ba trốn ở “Dinh Hoa Lan”, vừa làm Thư ký Tòa soạn Điện Tín

– Tháng 5-1975: Ngô Công Đức về nước.

Tóm lại: Thời xưa, từ 1971 đến 1975 , với tờ Điện Tín do Ngô Công Đức góp công gầy dựng, Tòa soạn Điện Tín không hề thấy mặt Ngô công Đức ngày nào, hay có chăng cũng chỉ trong mấy ngày đầu. Tòa soạn Điện Tín cũng không hề thấy mặt Thư Ký Tòa soạn Dương Văn Ba. Mà nhuận bút và chi phí biên tập các thứ đều do Dương Văn Ba đề nghị để Giám Đốc chánh trị Hồ Ngọc Nhuận duyệt cho mọi người lãnh. Trong đó có cả Dương Văn Ba, bút tích còn lưu.

Vì vậy cái gọi là chế độ chủ thợ thời xưa, ở Điện Tín, giữa Ngô Công Đức và những người làm báo với Đức cũng là đặt điều.


c) Tới thời nay, với tờ Tin Sáng bộ mới, từ ngày 10-8-1975 đến ngày 29-6-1981 khi Tin Sáng bị đóng cửa.

Trong thời gian gần 6 năm hoạt động, Tin Sáng bộ mới đã có một bộ mặt hoàn toàn khác với các báo cùng thời ở Thành phố Hồ Chí Minh, lại có một “đội ngũ” làm báo hùng hậu đa dạng mà cả Tin Sáng và Điện Tín ngày xưa không thể mơ ước có được, mà vài tờ báo cũ mới, xưa nay cũng khó có:

– Tập thể công nhân viên “Tin Sáng mới” gồm khoảng trên dưới 200 người, đông hơn cả tổng số nhân viên của Tin Sáng cũ, Điện Tín và nhiều tờ báo khác gộp lại. Mặc dù đã có hơn 50 anh chị em đã mất, gia đình Tin Sáng vẫn còn lại khá đông để hằng năm hoặc vài năm một lần cùng nhau đoàn viên kỷ niệm ngày Tin Sáng mới ra đời, mà ngày 10 tháng 8 năm nay (2015) là đúng 40 năm.

– Tòa soạn, bộ biên tập của Tin Sáng mới chẳng những tập họp gần như toàn bộ hai bộ biên tập của Tin Sáng cũ và Điện Tín, mà còn được sự tăng cường tiếp sức của nhiều thành phần tiêu biểu trong làng văn, làng báo Sài Gòn cũ, và một phần của miền Bắc cùng các bạn từ miền Bắc về, cùng nhiều trí thức tên tuổi, nhiều giáo chức, bác sĩ, luật sư, thẩm phán, sĩ quan chế độ cũ 16.

– Đặc biệt anh em chúng tôi còn có được một số đông anh em dân biểu, và nghị viên, là “đồng viện” cũ của Ba, của Đức và của tôi ở Quốc Hội chế độ cũ, tin cậy về hợp tác trong biên chế chính thức của Tin Sáng. Tổng cộng trước sau đếm được cũng phải hơn 15 anh, trong đó có nhiều người là bạn học cũ của nhau. Con số nầy là thừa túc số để có thể làm thành một khối chánh trị chánh thức tại một Quốc Hội như Quốc Hội VNCH 17. Đặc biệt trong những anh em dân cử cũ ở Tin Sáng có anh bác sĩ Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Sùng Chính, nay là trung tâm chỉnh hình TP, trước khi đi định cư ở Mỹ, đã từng cùng mấy bạn bác sĩ nổi tiếng của Sài Gòn cũ, nhận luân phiên làm bác sĩ riêng cho gia đình Tin Sáng 18, và anh Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng ban Tư liệu thư viện Tin Sáng 19 từng là Thứ trưởng đặc trách liên lạc với Quốc Hội VNCH, thời Chánh Phủ Trần Văn Hương, nhưng trước đó là dân biểu Quốc Hội Lập Hiến Đệ nhị CHVN, đồng viện với dân biểu lập hiến chủ báo Lý Quý Chung. Gia đình hai anh Chung Hiệp đã từng, trong một thời gian rất dài trước khi Tin Sáng “bị nạn”, là bạn rất thân với nhau.

– “GIA ĐÌNH TIN SÁNG” còn là một Đại Gia Đình của nhiều gia đình nhân viên Tin Sáng, bởi có rất nhiều anh chị em, nếu không nói là đa số, có thân nhân, cha con, vợ chồng, anh em, cùng làm chung ở Tin Sáng, trong gần suốt 6 năm 20.

– Các đoàn thể như Công Đoàn, Chi Đoàn Thanh niên cộng sản hay Ban Nữ Công đã ra đời rất sớm ở Tin Sáng, bởi chủ nhiệm Ngô Công Đức đã sớm chủ động gởi người của Tin Sáng đi tập huấn đào tạo ở các nơi để về làm nòng cốt cho các đoàn thể ở Tin Sáng, để chuẩn bị chuyển giao tờ báo cho tập thể, bắt đầu từ năm thứ hai trở đi. Hầu hết anh chị em Tin Sáng đều có thể khẳng định rắng Ban chấp hành các đoàn thể ở đây đã hoạt động rất hăng hái, năng nổ. Nhân sự các BCH đó vẫn còn hiện diện khá đông đủ đó đây. Có người đã trở thành thành viên khá đắc lực ở một số đơn vị khác, sau khi Tin Sáng bị đóng cửa, nhưng vẫn không quên định kỳ về sinh hoạt với “gia đình Tin Sáng” nhân các dịp kỷ niệm.

– Không như ở Tin Sáng cũ, Điện Tín hay ở những tờ báo ở Sài Gòn cũ, Tin Sáng bộ mới được quản lý điều hành trong khuôn khổ một Bản Nội Quy do đại diện Ban Chấp Hành các đoàn thể cùng tôi hợp tác soạn thảo và toàn bộ tập thể nhà báo thông qua. Và khi nhà báo ngưng hoạt động thì cho ra đời một Ban Thanh lý Tin Sáng, mà tôi là trưởng ban, với sự chứng kiến của đại diện Ban Tuyên huấn Thành ủy và Sở Thông tin 21. Các nhân viên Tin Sáng đều ít nhiều được ban nầy phục vụ. Ít ra là cũng được xác nhận giấy tờ công tác ở Tin Sáng, hoặc để đi xin việc, mua gạo hay mua dầu lửa. Mọi người còn được chia phần thanh lý xí nghiệp sơn mài Lam Sơn của tập thể Tin Sáng, tính theo công điểm và thâm niên của từng người.

– Ngoài ra hai ông Võ Văn Kiệt và Trần Bạch Đằng còn thường xuyên theo sát chỉ đạo, hỗ trợ Tin Sáng hết mình. Ông Kiệt đã từng đến tham quan, thăm viếng, động viên anh em. Ông Trần Bạch Đằng thì đều đặn viết bài cho Tin Sáng. Đặc biệt, dù biết tôi đã có ba phụ tá Chủ bút trong biên chế Tin Sáng là Nguyễn Hữu An 22, Dương Văn Ba và Lý Quý Chung 23, ông còn gởi đến một người để giúp tôi, mà ông gọi đùa với tôi là Phụ Tá đặc biệt 24.

– Đặc biệt đối với Dương Văn Ba, trong thời gian hoạt động gần 6 năm của Tin sáng (từ tháng 8/1975 đến 29/6/1981), thì Ba vừa làm Phụ tá Chủ bút vừa đi hợp tác khai thác kinh doanh gỗ với tỉnh Minh Hải hơn 3 năm (từ 1978 đến 1981), với quy mô làm ăn ngày càng lớn và những chức vụ không nhỏ. Việc để cho Ba đi làm với Minh Hải đã làm cho ông Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Bô Nội vụ không bằng lòng và lên tiếng trách tôi và Đức 25.

 

2) Dương Văn Ba chỉ lập lại một câu nói của một người khác. Người đó là ai ? Và tại sao ?

a/ Người đó là ai ? Để trả lời câu hỏi nầy, tôi xin trở lại những ngày trong tháng 6 năm 1981. Vào thời đó, những ai từng làm báo và làm văn nghệ ở Sài Gòn đều nhớ đây là thời kỳ ông Võ Văn Kiệt có kế hoạch kiểm điểm chỉnh đốn các cơ sở báo chí và văn nghệ toàn thành, bằng cách hằng tuần luân phiên đến tiếp xúc trao đổi với từng cơ quan. Tin Sáng cũng nằm trong kế hoạch đó. Khi đến ngày hẹn gặp, ở một cơ sở ở đường Tú Xương, Ngô Công Đức đề nghị có cả đại diện các đoàn thể Tin Sáng cùng dự, thay vì chỉ có Ban lãnh đạo tờ báo gồm chủ nhiệm, chủ bút, ba phụ tá chủ bút và Quản lý.

Tôi đại diện Tin Sáng báo cáo tình hình chung của tờ báo, hoạt động hằng ngày của nhà báo và tòa soạn, hình thức nội dung mỗi số báo, quá trình hoạt động trong gần 6 năm, từ số báo đầu tiên đề ngày 10-8-1975, một số thành quả bước đầu thu hái được, dư luận độc giả, những ưu và khuyết điểm… Và để kết luận, tôi nói, đại ý: “Tin Sáng có thể đã có một phần đóng góp nào đó cho việc xây dựng Thành Phố trong những năm đầu Thành Phố còn nhiều khó khăn. Chút công gì, nếu có, thì cũng không đáng kể. Mà khuyết điểm, hay “tội”, thì chắc phải nhiều hơn những gì đã được tôi báo cáo. Mong được lãnh đạo hết lòng chỉ dẫn”.

Tạm nghỉ, “ra chơi”, “toàn dân” Tin sáng đều “tán dương” tôi, cho rằng tôi đã nói đúng bụng anh em.

Khi vào họp lại, đại diện Ban Tuyên huấn Thành ủy đáp lời tôi. Một loạt các ưu khuyết điểm của Tin Sáng trong hoạt động mấy năm qua đã được vắn tắt nêu lên, mà nổi bật nhất trong các khuyết điểm, có thể nói là “cây đinh” trong buổi họp, là một “bài báo” của chủ nhiệm Ngô Công Đức. Không đừng được nên tôi đã “nổ”. Ngay giữa phiên họp và cả khi về đến tòa soạn. Vậy đó là bài báo nào ? Và tại sao tôi “nổ” ?

Đó là một “bài báo” không có đăng báo. Một hôm Ngô Công Đức chuyển cho tôi một bản thảo bài báo có tựa bài là “Nạn hồng về binh mới”, để tôi biên tập lại và cho đăng. Nhận thấy hạn cuối nạp bài đã sắp hết, bài viết lại thuộc loại “khó nuốt”, khó sửa, tôi xếp bỏ vào hộc tủ bàn viết, rồi gọi báo Đức rằng tôi tạm gác lại, không sửa cũng không cho đăng. Hai bên trao đổi một hồi thì Đức cũng để tùy tôi quyết định. Và tôi quyết là xếp. Nhưng có một người lúc đó đang có mặt tại tòa soạn lại không chịu “xếp”. Người đó, khi nghe Đức và tôi trao đổi qua điện thoại, đã đến gần tôi và nói: “Anh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu cho đăng bài nầy của Đức”. Tôi hết sức kinh ngạc ! Bởi đây là lần đầu tôi được “nhắc nhở” về trách nhiệm của tôi, Mà tôi là ai ? Nếu chủ bút một tờ báo không chịu trách nhiệm trên hết về các bài đăng trên báo của mình thì là ai ? Từ trước tới nay, tôi đã duyệt bỏ không chỉ một bài, mà không biết bao nhiêu bài, kể cả của các đảng viên, kể cả của ông Trần Bạch Đằng, và tôi có phải hỏi ý kiến hay báo cáo với ai đâu ? Ở Tin Sáng cũ và Điện Tín cũng vậy. Các tin bài bị duyệt bỏ, bất cứ vì lý do gì, bởi nhiều cấp trách nhiệm khác nhau ở một tòa soạn báo trong một ngày, một tháng, một năm là không thể kể xiết, chưa nói đến những tin bài bị sửa, bị cắt xén trước khi cho đăng báo. Nếu bươi lại hết những thứ đã bị bỏ để kết tội thì làm sao gánh cho hết tội ? Kể cả các “ý kiến” có độc giả gửi đến chửi chế độ mà tôi đã xếp, cũng coi là tội hay sao ? Một bài viết đã được loại bỏ, không bao giờ được đăng báo, không ai biết nội dung là gì, thì sao gọi là một bài báo ? Bài viết của chủ nhiệm Ngô Công Đức, mà với tư cách là chủ bút tôi đã loại bỏ, với sự đồng tình của tác giả, mà tôi chỉ còn nhớ được cái tựa chớ không nhớ được nội dung là gì, thì may ra chỉ còn nằm trong đầu của tác giả, vì lúc đó làm gì có máy vi tính để truy tìm dấu vết. Không lẽ đi bắt tội cả những ý định trong đầu người khác ? Một ý định chưa biến thành hành động thì sao gọi là một hành động ? Không lẽ cứ có ý định tốt là được lên thiên đàng, có ý định không tốt là xuống địa ngục ? Nếu vậy thì đó là chế độ gì ? Hay là “ai đó”, trước khi đi báo cáo, đã lục lạo hộc tủ bàn viết của tôi để lôi ra “bằng chứng” báo cáo ? Mà nếu có bản nháp bài viết “làm bằng” thì đó cũng không phải là một bài báo, không phải là một cái tội.

Đại ý nội dung phát biểu phản ứng của tôi, mà đến nay tôi vẫn chưa quên, là như trên. Bởi tôi không chỉ phản ứng tại chỗ mà còn không dằn được cơn tức khi về đến tòa soạn. Tôi cũng không quên cho rằng ai đó đã đi báo cáo sau lưng Đức và tôi như vậy là “không thể chấp nhận” được, mặc dù tôi dư biết chúng tôi đã bị báo cáo đều đặn từ mấy năm nay. Những báo cáo có cái viết tay, có cái đánh máy, mà sau nhiều năm Tin Sáng đã rã đám, nhờ bạn bè thương tình đã gom góp cho tôi được một mớ 26Nhưng tôi cũng nghĩ cái “tội” đụng đến “hồng vệ binh” lần nầy là nặng nhất, lại có “bằng chứng”, và công người đi tố cáo cũng là công lớn nhất.

Và màn một của vở tuồng “Tin Sáng hoàn thành nhiệm vụ” đã kết thúc ở đó.

Màn hai là khi ông Võ Văn Kiệt mời dự một phiên họp tiếp với ông. Nhưng lần nầy thì chỉ thu hẹp với ban lãnh đạo Tin Sáng, tất cả 5 người, gồm: chủ nhiệm, chủ bút, hai phụ tá chủ bút là Dương Văn Ba và Lý Quý Chung và quản lý Nguyễn Văn Binh. Anh Nguyễn Hữu An, Phụ tá thứ nhất không dự vì đang là Giám đốc Sơn mài Lam Sơn. Nội dung là để ông Kiệt nghe tiếp các bên. Nói là các bên, nhưng kỳ thật là chỉ có hai bên: bên tố và bên biện hộ. Bên tố là người đã “cảnh cáo” tôi là “tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu cho đăng bài về “Nạn hồng vệ binh mới” của Ngô Công Đức”. Bên biện hộ là tôi và Dương Văn Ba, mà nhất là Dương Văn Ba. Chủ nhiệm Ngô Công Đức là người bị tố nặng nhất nên ít lên tiếng, Quản lý Nguyễn Văn Binh vì là anh rể Đức nên cũng ít lên tiếng.


Những “tội danh” Đức bị tố là gì ? Là những gì cả nhà báo đã từng râm ran nghe nói về Đức, và một phần về tôi, trong mấy tháng sau cùng của tờ báo. Những “tội” mà Ngô Công Đức đã “giữ kín” trong nhiều năm trời, và chỉ nói ra một phần, 3 năm trước khi mất, trong các thư gửi ông Trần Bạch Đằng, ông Dương Đình Thảo và bà Giám Đốc Nhà xuất bản Trẻ đề ngày 30 và 31-12-2004, sau khi có một cuốn hồi ký vừa được xuất bản, được tờ Công Luận, một tờ báo mới xuất bản số ra mắt và tờ Công An Thánh phố Hồ Chí Minh quảng cáo rầm rộ, có liên quan đến ngày 30-4-1975, đến ông Đại tướng Dương Văn Minh, và đặc biệt có nhiều đoạn nói đến báo Tin Sáng. Thư Đức gửi ông Trần Bạch Đằng có đoạn viết: “Tin Sáng đã đình bản bởi một loạt mâu thuẫn chia rẽ nội bộ, và anh LQC đã từng tố cáo tôi trước Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt với sự hiện diện của Ban Tuyên huấn và anh em Tin Sáng rằng tôi lãnh đạo Tin Sáng chống Đảng. Bây giờ tôi đã quên lời tố cáo “giết người” của anh, và còn đưa cho anh tài liệu để viết hồi ký, anh LQC lại tiếp tục gián tiếp tố cáo Tin Sáng và cá nhân tôi, để người đọc… hiểu rằng nếu không có mâu thuẫn với anh thì Tin Sáng cũng không thể tồn tại vì tôi sẽ như Walesa của Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan sẽ phát động lật đổ chế độ cộng sản…”. Thư gửi ông Dương đình Thảo có đoạn viết: “…Sau khi thấy báo chí ca ngợi trước khi sách phát hành, đọc lời tựa của anh Trần Bạch Đằng, và thấy anh (DĐT) đến (buổi ra mắt quyển HKKT tại Khách sạn Sofitel Plaza, số 17 đường Lê Duẩn, Q1 TP Hồ Chí Minh, lúc 10 giờ 30 ngày 04-12-2004. HNN) để tăng sức nặng cho sự ra đời của quyển hồi ký có lẽ nhiều người cũng hiểu vai trò của cuốn hồi ký nầy cho những gì sẽ mở màn cho năm 2005… Nếu ông Dương Văn Minh còn sống chắc có nhiều thay đổi trong nội dung hồi ký của (… ) có liên quan đến ông”. Thư gửi bà Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ có đoạn viết: “Tôi xin được quyền dựa trên luật pháp để bảo vệ sự thật và danh dự của mình, và sẽ lên tiếng trước công luận về cuốn hồi ký của ông (…)”. (xem ĐỜI, bản thảo năm 2010).

Những tố cáo mà Ngô Công Đức gọi là “giết người” đó không chỉ nói về việc Đức muốn bắt chước Công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan, mà còn về nhiều “tội” khác, như:

– có những tư tưởng được cho là thân Nam Tư,

– lập trại sản xuất nông nghiệp “sát biển” ở Minh Hải, nằm giữa đông đảo bà con người Khmer,

– thu dụng hoặc kêu gọi sự hợp tác của quá nhiều thành phần của chế độ cũ, đặc biệt có tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, có cả đảng viên của đảng Cấp tiến của giáo sư Nguyễn ngọc Huy

– thu dụng cả con em có khuynh hướng tự do của các bạn đi tập kết miền Bắc về, điển hình là con gái anh Hồ Ngọc Chiếu, cháu ruột anh Hồ Ngọc Cứ,

– và về việc Đức không từ bỏ nếp sống của một ông chủ báo cũ, đối xử với nhân viên như chủ với thợ thời trước 1975.

 

Tin hay không tin ? Trước những lời tố cáo nặng nề đó, tôi nghĩ chính ông Võ Văn Kiệt cũng một phần nào bị bất ngờ, nhất là về tính cách dữ dội của những lời lẽ tố cáo, mặc dù chắc có thể ông đã biết qua hoặc đoán qua một phần, do những báo cáo đã có trước từ đâu đó 27. Ông đã kiên nhẫn ngồi nghe hết những lời lẽ “hùng hồn” của người tố cáo duy nhất, và của bên biện hộ gồm Dương Văn Ba và tôi. Mà người bênh Ngô Công Đức hăng nhất, có khi còn lớn tiếng vì không dằn được cơn tức, là Dương Văn Ba, chớ không phải tôi. Tại sao ? Bởi tôi đã bắt đầu thấy ngán cho tình đời, và dự đoán khi người ta đã quyết liệt “tố hết lán” như vậy thì kết cục ở tờ báo phải có một thay đổi lớn, không đến nỗi là một cuộc “thanh trừng”, nhưng Đức thì khó có thể ngồi yên. Nhưng nếu Đức đi thì tôi cũng sẽ không ở. Vì vậy có thể là một cuộc thay bậc đổi ngôi, điều mà có người hằng muốn. Có thể là Tin Sáng sẽ bị “dẹp tiệm”, coi như “chìm xuồng” cả đám. Tôi thầm nghĩ như vậy. Còn Dương Văn Ba thì đang cùng trang lứa với người tố cáo và đang thời sung sức. Là người có quá trình hợp tác lâu dài nhất với Đức, so với nhiều anh em khác ở Tin Sáng, Ba lại đang trên đà hợp tác làm ăn tốt với Minh Hải, vừa làm phụ tá chủ bút Tin Sáng, nên Ba không thể không cảm thấy như chính mình bị đụng đến khi Đức bị tố oan, và Tin Sáng bị xúc phạm.



Mục tiêu của ông Võ Văn Kiệt là gì khi để cho hai bên “đối chất” trước mặt ông ? Để hòa giải chăng ? Có thể ông có nghĩ như vậy phần nào trước khi mở cuộc họp. Nhưng càng nghe càng thấy các lời trả đũa nhau giữa hai bên càng nảy lửa thì hàn gắn gì được nữa ?

Vậy thì sao ? Tạm cho những người bị tố nghỉ việc để tiến hành điều tra ? Giao cho người “trung tín” đã tố cáo tạm thời điều hành tờ báo một thời gian rồi sấp xếp lại ? Hay tạm giao tờ báo cho các đoàn thể ? Với bề dầy hoạt động của Tin Sáng cũ và mới, với bề dầy hoạt động chánh trị của những người chủ trương lãnh đạo Tin Sáng cũ và mới, những cái “tạm, tạm” đó không thể không gây những phản ứng nầy nọ trong dư luận quần chúng.

Hay cứ im lìm giữ nguyên trạng, tiếp tục để Tin Sáng hoạt động như không có gì, rồi từ từ tìm giải pháp ? Làm vậy tức là quyết giữ một trái bom nổ chậm trong nhà, và sẽ bị họa lây: họa lây cả khi bom chưa nổ, vì tội bao che một hiểm họa.

Tôi tin chắc ông Võ Văn Kiệt, trước những mâu thuẩn trầm trọng và những tố cáo nặng nề như vậy, qua quá trình tiếp xúc, “làm việc” với Ngô Công Đức và tôi trong suốt gần 6 năm, cũng thấy có “một cái gì đó không bình thường đàng sau những lời tố cáo quá nặng nề”, mà chỉ cần một thôi cũng đủ làm chết người, và chúng tôi bị tố oan. Mà bênh ai, bỏ ai ? Khi trong năm người cãi nhau quyết liệt trước mặt ông thì một người chưa là “chuẩn đảng viên”, vì muốn xin vô Đảng mà chưa được, và cả năm đều là những người làm chánh trị, là cựu dân biểu đối lập với chế độ cũ, và những tội bị đem ra tố là những tội chánh trị ? Tin hay không tin ai thì trước mắt tối thiểu cũng phải dẹp hết, không dẹp là mang họa vào thân….

 

Lựa chọn. Một sáng tinh mơ khi tôi đang say ngủ sau một đêm thức “canh báo” (vì tôi cũng là chủ hộ tập thể của Tin Sáng, thường phải thức khuya và “ngủ” lại tòa soạn cho tới lúc báo phát hành) thì Đức và Ba đến vực tôi dậy, cho biết ông Kiệt kêu ba người chúng tôi, Đức, Ba và tôi đến gặp ông gấp. Mà không gọi người tố cáo. Tại sao ? Tôi không biết, nhưng có lẽ người ấy đã được thông báo quyết định trước chúng tôi. Vì muốn để cho tôi ngủ, Đức và Ba đi gặp ông Kiệt và về báo: “Ông Kiệt cho biết Hà Nội đề nghị ông nên cho ngưng Tin Sáng. Và ông cho chúng ta chọn: một là tạm kéo dài Tin Sáng một tháng nữa rồi ngưng, để chuẩn bị dư luận ; hai là ngưng ngay, sau số báo đề ngày hôm nay, 29-6-1981. Tụi tui (Đức, Ba) đã chọn ngưng ngay, ý anh thế nào?” Ý tôi là thế nào ? Để làm gì ? Khi ba người được gọi để chọn mà có hai đã nhất trí thì tôi là thiểu số, có ý kiến hay không thì chuyện cũng đã rồi. Nhưng tôi vẫn có ý kiến: “Tôi đã dự đoán là không thể khác. Đối với riêng tôi, được nghỉ là quá tốt. Trước đây, khi cho Tin Sáng ra lại, tôi nghĩ và mong người ta cho làm thử vài năm rồi nghỉ, là cũng đủ mệt. Nào ngờ kéo tới sáu năm. Bề nào cũng ngưng, mà ngưng ngay là tốt nhất. Càng kéo dài ngày nào, càng chuẩn bị dư luận càng đổ thêm “nợ”. Mà chuẩn bị cái gì, làm sao chuẩn bị ?

Và như vậy là bắt đầu cái ngày dài nhất của anh em Tin Sáng, mà cũng là của tôi, như tôi đã kể lại trong bản thảo quyển ĐỜI. Với việc hình thành số báo Tin Sáng cuối cùng đề ngày 29-6-1981, với lời xin lỗi, cáo biệt, cám ơn độc giả, với tổ chức buổi lễ “hoàn thành nhiệm vụ” có đít-cua của Tin Sáng và đại diện chánh quyền và Đảng, với việc hình thành Ban Thanh lý Tin Sáng, có sự hiện diện của đại diện Ban Tuyên huấn Thành ủy và Sở Thông tin (Riêng người tố cáo thì lánh mặt cả cho tới mấy năm sau khi Tin Sáng đóng cửa)



Thái độ ông Võ Văn Kiệt và ông Trần Bạch Đằng hồi năm 1981, sau khi Tin Sáng ngưng hoạt động ? Hơn một lần ông Võ Văn Kiệt, bằng cách nầy cách khác, đã tỏ cho Ngô Công Đức và tôi biết ông không thể không thấy tiếc khi thấy Tin Sáng phải ngưng hoạt động,một cách oan uổng. Làm sao ông không tiếc một tờ báo mà chính ông và ông Trần Bạch Đằng đã dày công giúp đỡ gầy dựng ? Mà ông đã từng đến thăm, với nhiều thích thú ? Một tờ báo mà Alain Ruscio, trước là đại diện thường trú của báo L’Humanité ở Hà Nội, về sau là nhà nghiên cứu sử học ở Paris, trong một cuốn sách có tựa là Vivre au Viêt Nam (sống ở Việt Nam) đã viết là “một tờ báo độc nhất vô nhị ở các nước xã hội chủ nghĩa”. Một tờ báo mà nhà báo Pháp Jean Lacouture đã cho là “một trắc nghiệm có tính quyết định về tinh thần dân chủ của chế độ mới”. Và tôi còn nhớ chính ông Võ Văn Kiệt đã kêu Đức và tôi chuẩn bị để cho ra lại tờ Tin Sáng hải ngoại, một thời gian không lâu trước khi nổ ra “sự cố Walesa – Tin Sáng” . Riêng ông Trần Bạch Đằng, vốn luôn thẳng tính, thì rất lâu sau khi Tin Sáng đóng cửa, vẫn luôn “than” với tôi, trong vụ Đức bị tố và Tin Sáng phải đóng cửa, rằng các ông lãnh đạo, trong đó có ông, rất được “nâng cao”, nhưng “ông cảm thấy rất bị… nhột…” (bảo đảm gần như nguyên văn), nhột đến mức ông không thể nhìn mặt người đã gây ra cái nhột đó trong một thời gian khá dài.

Tôi nghĩ dù sao thì hai vị ân nhân đã đỡ đầu cho Tin Sáng cũng có thể tự an ủi, bởi Tin Sáng khi bị đóng cửa đã vượt qua cái móc thời gian trắc nghiệm mà nhà báo Jean Lacouture đã đặt ra hồi năm 1980. Nhà báo viết: “…Báo Tin Sáng của Ngô Công Đức và các bạn ông vẫn ra đều. Trắc nghiệm như vậy là có tích cực không ? Người ta có thể kết luận rằng một chế độ đa nguyên chính trị và văn hóa tương đối vẫn còn là một thực tế của Việt Nam năm 1980 hay không”? (Alain Ruscio, Vivre au Việt Nam, xuất bản đầu năm 1981, trang 178). Jean Lacouture đã đặt cược cho Tin Sáng tới năm 1980, mà chúng tôi thì vẫn “ra đều” cho tới giữa năm 1981.

 

Và hơn 20 năm sau ? Vào năm 2004 thì thái độ của hai ông ra sao ? Như Ngô Công Đức đã có nhắc trong thư gửi ông Dương Đình Thảo, năm 2004 là giáp năm 2005, kỷ niệm 30 năm ngày “giải phóng Sài Gòn và Miền Nam”. Có Kỷ niệm thì phải có tuyên dương. Công lao sự nghiệp nầy là của lãnh đạo, mà cũng là của “quần chúng” được “lãnh đạo”. Để tuyên dương phải xác định vai tuồng, vị trí, công lao các nhân vật “được lãnh đạo”. Có những vị trí, vai tuồng phải đảo ngược nếu cần, vì lợi ích chánh trị, vì “đại sự quốc gia”. Như ông Tổng thống đã tuyên bố đầu hàng ngày 30-4-1975, dù có góp chút công chấm dứt đổ máu, công đó cũng không bằng người “có khả năng làm hòa bình” 28, nên chỉ là “đồng đội” của một tổng trưởng do ông đã dựng lên, vì đã có “cống hiến lớn nhường ấy” khi “đảm nhiệm Tổng trưởng Thông tin”, của chính ông Tổng thống đã đầu hàng. (Theo ông Trần Bạch Đằng trong lời giới thiệu HKKT, ấn bản 1, trước khi bị rút lại). Chánh trị là như vậy.


Còn Dương Văn Ba, sau năm 1981, sau khi Tin Sáng bị ngưng hoạt động ? Anh vẫn tiếp tục hợp tác với Minh Hải,với quy mô hoạt động ngày càng quan trọng, với sự giúp sức đắc lực của một số anh em thuộc gia đình Tin Sáng, trong đó có chính tôi, cho đến năm 1987. Rồi bị tố oan, bị tù đằng đẵng gần cả chục năm, mà anh em vẫn luôn gắn bó với nhau. Để rồi, khi người người đã lần lượt ra đi gần hết, thì bỗng viết ra những điều gần như lặp lại những lời của một người khác đã tố cáo một người anh em đã chết, những lời tố cáo mà cách đây hơn 30 năm Ba đã cực lực phản đối, trước mặt ông Võ Văn Kiệt, và với hai người chứng còn lại là anh Nguyễn Văn Binh và tôi, hồi tháng 6/1981. Tại sao ?


Tại sao ? Giữa những người ruột thịt với nhau trong một gia đình cũng có khi có những bất đồng và nếp sống không giống nhau. Huống hồ là trong một “gia đình chính trị” hay một “gia đình làm báo”. Đó là sự thường.

Có điều đáng tiếc và không được bình thường lắm ở đây là: khi đi bôi bác một người đã gắn bó với mình hơn nửa đời người, một người có trách nhiệm đứng đầu một tập thể đã gắn bó với nhau như một đại gia đình trong đó có mình, Dương Văn Ba đã đồng thời bôi bác cả tập thể anh em, và tự hạ thấp chính mình.

Những trường hợp tương tự là rất hiếm xảy ra, nhất là trong hàng ngũ những người thường được xã hội đem lòng trọng nể, gọi là trí thức, nên càng khiến cho nhiều người kinh ngạc. Càng kinh ngạc hơn là việc xảy ra khi Đức đã mất khá lâu, nên nhiều bạn phải hỏi tôi về lý do, tình huống đặc biệt bức bách nào đã khiến xảy ra việc đáng buồn đó.

Với tư cách là một người có quá trình lâu dài nhất với Ba và Đức và với tập thể gia đình Tin Sáng, thú thật tôi cũng có ngạc nhiên, nhưng ít hơn là buồn. Éo le chuyện đời, ai cũng biết, có khi chỉ bắt nguồn từ một việc nhỏ, không đáng gì, bỗng dưng hóa thành lớn, đến nỗi che hẳn chính mình và người thân. Một lời nói có khi cũng làm đổ vỡ tất cả mà không thể nào hàn gắn được. Có việc nhỏ như một “cục đất”, cục gạch hay như một “tờ giấy”… có khi cũng có một sức nặng gây tác động không ngờ. Có khi việc nhỏ đáng buồn nào đó lại không do một trong hai người có liên quan, mà do một người thứ ba ! Tôi có quen biết một gia đình mà cha con không nhìn nhau, cho tới chết. Và một gia đình thì hai anh em cũng vậy. Cũng vì một việc nhỏ mà tôi không biết, cũng không hỏi. Nhưng ở đây, giữa Dương Văn Ba và Ngô Công Đức, cái chuyện nhỏ đó là gì, tôi có biết không ? Tôi có biết !

Nhưng, như người ta thường nói: “Nếu có giặt đồ… thì nên giặt trong nhà”. Anh em trong gia đình Tin Sáng, hay cái gia đình chánh trị nhỏ của tôi, nay ra đi cũng khá nhiều, nhưng cũng còn được một mớ. Khi có dịp ngồi lại với nhau, giữa anh em cùng có trách nhiệm trong nhà với nhau, thì tôi sẽ nói. Để mọi người cùng “giặt”.

48 năm, một mẩu chuyện nhỏ, dù sao cũng là một chuyện nhỏ đáng buồn. Nhưng cũng là một thử thách, để cho tình nghĩa anh em trong “gia đình Tin Sáng” không chỉ tròn 50 năm trong 2 năm nữa, mà sẽ là mãi mãi.

Để kết thúc chuyện về thử thách nhỏ trên đây, và cũng nhân kỷ niệm ngày Ngô Công Đức qua đời cách đây vừa đúng 8 năm, tôi xin nêu lên vài lời chứng của một số anh chị em đã từng sống dưới cùng mái nhà Tin Sáng với Đức, và của vài người khác đã từng biết Đức, trong nhiều chục năm:

Một số anh chị em đang ở Mỹ, Pháp,Úc, Thụy Sĩ, trong đó có hai người đã qua đời là chị Huỳnh Thị Mỵ Cơ và anh Nguyễn Xuân Hoàng, đã viết:

Chúng tôi, một số anh chị em trong gia đình TIN SÁNG, vô cùng thương tiếc được tin Anh GIOAN NGÔ CÔNG ĐỨC đã từ trần lúc 3.00 giờ sáng, ngày 22 tháng 6 năm 2007 (nhằm ngày 8 tháng 5 năm Đinh Hợi), Hưởng thọ 72 tuổi. Với tất cả niềm quý mến vẫn còn mãi trong lòng mỗi người, chúng tôi xin chia buồn với cháu Ngô Minh Hoàng và tang quyến, và cầu chúc Anh nghỉ ngơi bình an trên Nước Trời./. Trịnh Thị Ánh Nguyệt, Châu Tuyết Anh, Nguyễn Thái Vân, Đào văn Phước (Pháp). Cao Thanh Tùng, Hoàng Ngọc Biên, Võ Văn Điểm và Minh Kha, Tạ Thúy Thanh, Nguyễn Xuân Hoàng, Huỳnh Thị Mỵ Cơ, Trần Hồng Sư, Nguyễn Thị Kim Phượng, Kim Ngôn, Trần Huỳnh Thịnh, Lê Thụy, Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp, Huỳnh Phan Anh (Hoa Kỳ).­Tạ văn Bo, Trần thị Minh (Úc). Trần ngọc Báu (Thụy sĩ). (Ngày 22-6-2007)

Nhà báo Nguyễn Ninh Quang Anh Tử, nguyên phóng viên Thông Tấn Xã VNCH, nhật báo Tin Sáng, Đài BBC, đang ở Anh, viết: “Được tin anh Ngô Công Đức đã vĩnh viễn “rũ áo” ra đi, tôi bàng hoàng, ngẩn ngơ, tiếc nhớ. Tôi rời báo Tin Sáng vào tháng tư năm 1979… và có dịp gặp lại anh năm 1996…Về Việt Nam năm trước tìm cách liên lạc thì anh đi vắng. Không ngờ đó là lần liên lạc cuối cùng… Khi còn sinh tiền, anh Ngô Công Đức là một nhà báo đầy nhiệt huyết, đầy lý tưởng, đầy sáng kiến, và giàu lòng nghĩa hiệp, đầy tình thương và hăng say hoạt động. Nay Anh mất đi Anh không chỉ để lại một nỗi bàng hoàng nhớ tiếc, mà còn để lại biết bao kỷ niệm thân ái cho biết bao người về những ngày làm việc chung dưới mái nhà Tin Sáng…” (Nguyễn Ninh Quang Anh Tử, ngày 22-6-2007)


Nhà báo Jean-Claude Pomonti, báo Le Monde, Pháp, một người bạn chung của Đức và tôi, viết: “Nhuận thân mến, Tôi thật sự đổ sụp ! Tôi biết anh không bao giờ hồi phục hoàn toàn sau mất mát phải hứng chịu về sự ra đi của Đức. Đức thường kể với tôi về anh, như hai anh em song sinh, như hai “đồng lõa muôn đời”. Không thề có Đức mà không có Nhuận, và ngược lại. Và chắc anh cũng hình dung được tôi đã hạnh phúc và hãnh diện dường nào khi được cùng hai anh có cuộc thăm viếng ngắn vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nào. Có một cái gì đó thật khủng khiếp – và cũng bất công khủng khiếp – trong một kết thúc.

Tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ Đức trên tạp chí FASE (Focus Asie Du Sud Est) của chúng tôi số đề ngày 01-7-2007 đính kèm. Nhưng có lẽ phải nghĩ đến, vào dịp thích hợp, một tập thể rộng lớn hơn. Thân ái”. (Jean-Claude Pomonti, ngày 22-6-2007).


Ông Võ Văn Kiệt viết: “ Khi nhận được tin Ngô Công Đức ra đi, tôi đang ở Hà Nội. Mặc dù biết trước là Đức khó lòng qua khỏi bạo bịnh, không ngờ Đức ra đi quá sớm như vậy ! Tôi rất buồn và rất tiếc một con người mà tôi hằng quý mến, đúng ra một người bạn thân, luôn chia sẻ vời nhau nhiều điều trong việc chung của đất nước. Tôi quý anh bởi con người có nghị lực, ứng xử trong những trường hợp không ít khó khăn, Anh đã vượt qua và phấn đấu không mệt mỏi. Ngay trong lúc phải đối mặt với bệnh hiểm nghèo, anh giành hết sức lực còn lại, Anh giành hết cho đời (cho nước, cho dân, cho bè bạn, cho quê hương còn nghèo Trà Vinh của Anh, và cho vợ con anh). Ngô Công Đức có một nhân cách lớn… đáng khâm phục, một người hoạt động chánh trị đa dạng, trong nhiều lãnh vực phong phú, và tư duy luôn sáng tạo. Tôi đánh giá cao về giá trị cống hiến của anh, và tôi hiểu là Anh không biểu hiện sự bằng lòng những gì Anh cống hiến được cho đời (đó là ngoài ý muốn của Anh). Những gì Ngô Công Đức gởi gắm lại, những gì Anh tâm sự với tôi về công việc lớn của đất nước, tôi đã hứa với Đức bữa đến thăm sau cùng, đó là lần vĩnh biệt Anh, sẽ làm những gì mà Anh gởi gắm.

Tôi thương tiếc Ngô Công Đức nhiều lắm, xin được chia sẻ nỗi đau tận cùng của gia đình Anh, vợ con Anh”. (Ngày 30-06-2007, Võ Văn Kiệt).

 

Hồ Ngọc Nhuận

Tháng 6-2015

Nhân ngày giỗ Ngô Công Đức lần thứ 8 (22/6/2007 – 22/6/2015)

nhằm ngày 8 tháng 5 năm Đinh Hợi

Xem tiếp ....


Ngày cập nhật 2015/08/30 Tác giả: nhadatphucankhang





Hỗ trợ trực tuyến

 

0835570473 - Họa sĩ Minh Tâm vẽ tranh Phong Thủy và Tôn Giáo

---

0938168807 (Marina)

Hình Ảnh Dự Án

Liên Kết Website

BACK TO TOP