Bệnh viên q2 nhà đầu tư khác người

Description: http://www.thesaigontimes.vn/Uploads/Articles/126364/96363_rafi_kot_200.jpg(TBKTSG Xuân) - Tôi đã gặp ông nhiều lần, trao đổi nhiều đề tài, tán gẫu cả những chuyện tiếu lâm. Cảm giác của tôi về Rafi sau những lần gặp gỡ vẫn rất chung chung, rằng ông là một con người bộc trực, thẳng thắn và tinh tế. Tôi chẳng thể vẽ được chân dung ông, vì mọi nhận xét của mình về nhà đầu tư nước ngoài này cứ mơ hồ sao đó. Cho đến lần gặp gỡ gần đây nhất, trước sinh nhật lần thứ 55 của ông một ngày (10-11), tôi mới hình dung ra cụ thể hơn về Rafi, rằng ông rất “khác người”.

Tên đầy đủ của ông là Rafi Kot. Bác sĩ Rafi Kot, Tổng giám đốc chuỗi tám phòng khám Family Medical Practice Vietnam trải rộng khắp ba miền.

Rafi, 55 tuổi, đã dành đến một nửa cuộc đời mình ở mảnh đất này, kể từ khi ông tình cờ đến Việt Nam vào năm 1988, thời chưa mở cửa. Bao nhiêu thời gian, bao nhiêu tiền của, bao nhiêu công sức, bao nhiêu tâm huyết, và không ít ước mong.

Vâng, Rafi không giống bất cứ nhà đầu tư nước ngoài nào mà tôi từng gặp, những người đến làm ăn, “đôi bên cùng có lợi”, rồi ra đi sau khi hoàn thành sứ mệnh, mang theo lợi nhuận là thành quả chính đáng của mình. Bác sĩ Rafi Kot ở lại, và ở lại lâu dài, vì sứ mệnh chưa hoàn thành đối với một con người cầu toàn như ông tự nhận. Có thể Rafi tự hào là nhà đầu tư nước ngoài làm ăn lâu dài nhất, gắn bó nhất với Việt Nam.

Đến và gắn bó

Nơi đến của ông lẽ ra là Namibia ở châu Phi, chứ không phải Việt Nam. Nhưng, Rafi kể, duyên phận lại đưa ông đến nơi này, khi một bác sĩ khác trong chương trình từ thiện do một tổ chức phi chính phủ của Đức vì một lý do cá nhân đã không thể đến Việt Nam. Và ông là người thay thế, là người “điền vào chỗ trống”. Nơi mà ông đặt chân đến là Ninh Bình, trong chương trình hỗ trợ xây dựng trạm xá, nơi của những con người mà Rafi dùng tiếng Việt rất chuẩn để mô tả là “nhà quê”.

Năm 1994, Rafi khai trương phòng khám đầu tiên của mình ở Việt Nam.

“Cha tôi nói với tôi rằng “nếu con đã đến đấy, và đấy là nơi đã mở rộng vòng tay với con, thì đấy cũng là nơi mà con cần thể hiện lòng trung thành. Con đừng quên lòng trung thành của mình””.

Năm 2002, ông lập gia đình với một phụ nữ Việt Nam, và có ba con, hai trai và một gái. “Tôi rất yêu vợ, tôi rất yêu con, và tôi yêu Việt Nam”,  Rafi nói. Và ông ở lại, dù mọi chuyện không hề dễ dàng. “Tôi sống ở đây, làm ăn ở đây, và gắn bó với nơi này; tôi không trở về quê hương, dù mọi chuyện (ở đây) không hề dễ dàng”.

Cha mẹ của ông đều đã ngoài 90 tuổi, vẫn đang ở Israel, và Rafi là người con duy nhất của ông bà. “Điều đó (việc ông đến và ở lại Việt Nam) là rất khó khăn đối với cha mẹ tôi, vì tôi là người con duy nhất của một gia đình là những người sống sót sau nạn diệt chủng phát-xít thời Thế chiến 2, không còn bà con thân thích”, ông kể. Ngay cả tên của ông, Rafi Kot, cũng không phải là tên gốc Do Thái, vì cha mẹ ông phải thay tên đổi họ để an toàn trước họa diệt chủng.
Người cha của ông rất can đảm khi bằng lòng để Rafi ở lại Việt Nam.

“Cha tôi nói với tôi rằng “nếu con đã đến đấy, và đấy là nơi đã mở rộng vòng tay với con, thì đấy cũng là nơi mà con cần thể hiện lòng trung thành. Con đừng quên lòng trung thành của mình””, Rafi nhớ lại, với một giọng chùng xuống.

Rafi kể ba người con của ông nói rất sõi tiếng Việt, nói khá tiếng Anh, và biết rất ít tiếng Do Thái. “Nhưng điều quan trọng mà tôi dạy chúng là biết mình từ đâu đến, làm sao trở thành những con người tốt, biết nỗ lực, biết cảm thông, độ lượng”.

Và góp phần thay đổi

Rafi nhớ lại rằng ông bị sốc khi mới đặt chân đến Ninh Bình, với thời hạn dự kiến chỉ là sáu tháng, khi chứng kiến sự nghèo đói của vùng đất, chứng kiến điều kiện y tế vô cùng lạc hậu. Và ngay từ lúc ấy, ông “muốn là một phần của việc xây dựng một hệ thống y tế tại Việt Nam”.

“Tôi yêu thách thức, muốn thúc đẩy cho sự thay đổi. Tôi yêu đất nước này, và muốn góp phần mình vào việc xây dựng đất nước này”, ông tâm sự. “Nếu mọi sự dễ dàng, tôi sẽ mau chán, và tôi sẽ chẳng có lý do ở lại đây”, Rafi nói, nhưng ông cũng thừa nhận rằng việc cố gắng thay đổi tập quán của hệ thống y tế là một chuyện thiên nan vạn nan.

Vấn đề lớn nhất tồn tại trong hệ thống y tế, theo bác sĩ Rafi Kot, chính là thiếu một tầm nhìn, và song hành với nó là tình trạng tham nhũng trong hệ thống.

Nền y tế Việt Nam vẫn đứng yên, trong khi các nước chung quanh không ngừng tiến lên, theo Rafi. Hệ quả là rất nhiều người tìm kiếm dịch vụ y tế ở các nước khác, với chi phí lên đến hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

Hệ thống y tế Việt Nam không chuyển động, vì nó thiếu một tầm nhìn. Thiết bị y tế ở Việt Nam trong nhiều trường hợp mắc gấp đôi nước khác. Người ta đổ tiền vào những dự án bệnh viện quy mô lớn, với chi phí gấp hai lần bệnh viện cùng loại ở những nước lân cận. Chi phí đội lên cao còn vì những thủ tục hành chính rườm rà, vì tham nhũng.

Nhưng theo Rafi, việc xây dựng nhiều bệnh viện như hiện nay để rồi chủ đầu tư tìm cách thu hồi vốn bằng các dịch vụ nội trú đắt đỏ là không cần thiết, là chệch hướng.

“Tôi cho rằng Việt Nam cần những phòng khám chất lượng cao. Vấn đề của Việt Nam hiện nay không phải là thiếu bệnh viện, mà là thiếu các phương tiện kỹ thuật cao, thiếu các dịch vụ y tế ngoại trú có chất lượng, và đặc biệt là thiếu một đội ngũ bác sĩ giỏi, biết chia sẻ, trò chuyện với bệnh nhân. Ngay cả các bệnh viện trong phần lớn các trường hợp cũng không cần lưu giữ bệnh nhân qua đêm, mà chỉ nên tiếp nhận, điều trị và buổi tối cho họ về nhà”.

“Anh hỏi tôi tại sao ư? Bởi vì môi trường bệnh viện là môi trường khiến cho bệnh nhân dễ bị lây nhiễm những bệnh khác, và vì phần lớn các trường hợp là không cần thiết”, ông nói.

Theo Rafi, Việt Nam cần chú tâm vào việc phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Đối với dịch vụ y tế, người Việt có một thói quen rất xấu, và rất phổ biến, đó là chỉ chạy đến bệnh viện khi đã phát bệnh, và trong trường hợp này, chi phí thường cao hơn nhiều so với phòng bệnh.

Rafi đã có một thời gian tham gia tư vấn cho Bộ Y tế trong các chương trình cải cách. Nhưng, “tôi không còn tham gia tư vấn cho Bộ Y tế nữa”, ông nói.

“Tôi là một người cầu toàn. Tôi đã nhiều lần phát biểu rất thẳng thắn. Có thể anh sẽ nghe người ta nói rằng Rafi Kot là một gã điên. Có nhiều người Việt Nam không muốn nghe sự thật. Nhưng dù sao cũng phải có ai đó nói ra chứ”, ông nói.

Khi nghe hỏi ông có thích ứng với văn hóa Việt Nam sau khi đã ở đây 26 năm, rằng ông có thấy câu ngạn ngữ “nhập gia tùy tục” (When in Rome, do as Romans do) là đúng đắn không, Rafi bật ra câu trả lời rất nhanh: “Tôi không ở Rome. Tôi đến từ ngoại ô Rome. Trong tôi chỉ có 30% là Rome, còn 70% là ngoại ô, là nhà quê”.

Bác sĩ Rafi Kot hóm hỉnh giải thích thêm: “Tôi đã ở Ninh Bình sáu năm, ở với những con người nhà quê”.

Đầu tư cho Việt Nam

Rafi đã khá thành công trong sự nghiệp, với doanh thu và lợi nhuận tăng đều qua từng năm. Ngoài dự án bệnh viện ở quận 2 dự kiến sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2016 với số vốn 43 triệu đô la, trong đó 30% từ tiền túi của ông và 70% là vốn vay dự kiến từ Vietcombank, Rafi có kế hoạch phát triển hệ thống lên đến 15 phòng khám trong vòng 10 năm tới.

“Lý do mà tôi quyết định đầu tư xây bệnh viện là vì tôi không thể thay đổi cách nhìn của Bộ Y tế về việc cho phép các phòng khám tư có một vai trò lớn hơn trong việc lưu bệnh”, Rafi nói. Bệnh viện ở quận 2, với 76 giường bệnh, sẽ là nơi tiếp nhận bệnh nhân trực thuộc hệ thống phòng khám của mình.

Cho dù không hài lòng với hiện trạng của ngành y tế, Rafi cho biết ông vẫn tin tưởng vào viễn cảnh phát triển của Việt Nam, một nền y tế tốt đẹp hơn, trong đó có phần đóng góp của mình. “Tôi muốn thúc đẩy nhanh hơn sự thay đổi, tôi muốn góp phần mình vào sự thay đổi đó”, ông nói.

Bác sĩ Rafi Kot đã đến, và xem miền đất này - nơi có vợ, con, sự nghiệp, và một sứ mệnh chưa hoàn thành - như một phần máu thịt của mình. Người đàn ông hơi gầy, cao khoảng 1,9 mét, ngoài những lúc trầm tư thì thường nói rất nhanh và đầy sôi nổi, như sợ không đủ thời gian để thực hiện những kế hoạch của mình, trong đó có tham vọng phát triển một hệ thống phòng khám cao cấp rộng khắp cả nước trong 10 năm tới, trong đó có ước muốn thay đổi tập quán phòng bệnh và chữa bệnh. Và, với mong muốn gắn bó với Việt Nam, bác sĩ Rafi Kot, khác với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ đang đầu tư vào Việt Nam. Ông đang góp phần đầu tư cho Việt Nam.

Sơn Nguyễn


Ngày cập nhật 2015/03/13 Tác giả: nhadatphucankhang





Hỗ trợ trực tuyến

 

0835570473 - Họa sĩ Minh Tâm vẽ tranh Phong Thủy và Tôn Giáo

---

0938168807 (Marina)

Hình Ảnh Dự Án

Liên Kết Website

BACK TO TOP