Chuyên đề về nhà đất chỉ có giấy trắng

Chưa thống nhất giao dịch 'giấy trắng'

Bộ Tư pháp vừa yêu cầu Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND TP HCM xem xét lại công văn hướng dẫn về thời hạn hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy định cách thức giao dịch các loại "giấy trắng" sau ngày 1/1.

'Giấy trắng' hết thời nhưng vẫn còn rắc rối 

Ngày 31/12/2007, UBND TP HCM có công văn hướng dẫn thi hành Nghị định 84 của Chính phủ về thời hạn hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó quy định kể từ ngày 1/1, người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận "giấy hồng” (chứng nhận quyền sở hữu nhà) hoặc “giấy đỏ” (chứng nhận quyền sử dụng đất) mới được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Nếu người sử dụng đất chưa có hai loại giấy này thì phải có đủ hai điều kiện, nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận trước ngày 1/11/2007 và có các giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai. Đối với các loại giấy tờ hợp lệ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp và công nhận trước đây, kể cả các loại “giấy trắng” vẫn được sử dụng. Công văn này không quy định thời hạn hết hiệu lực giao dịch của các loại "giấy trắng", các loại giấy tờ liên quan đến việc chuyển nhượng, mua bán, thừa kế, các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đất đai của chế độ cũ .... 

Sau đó 2 ngày, trong công văn Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành, ngoài những hướng dẫn giống công văn của UBND TP HCM, còn một số điểm khác: "Trường hợp người sử dụng đất không có các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất hợp lệ nhưng được Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất xác định là đủ thông tin để được cấp giấy chứng nhận sẽ vẫn được công chứng giao dịch. Trường hợp người sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai, thì được thực hiện giao dịch chậm nhất đến ngày 31/12/2010".

Vẫn còn nhiều vướng mắc trong cơ chế một giấy, một cửa. Ảnh: ANTĐ

Vẫn còn nhiều vướng mắc trong cơ chế một giấy, một cửa. Ảnh: ANTĐ

 

Theo ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật, cả hai công văn của Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND TP HCM đều có những điểm chưa đúng.

Công văn của bộ đưa ra vừa không đảm bảo thẩm quyền về hình thức, vừa không phù hợp với nội dung. Để hướng dẫn thực hiện nghị quyết của Quốc hội, về thời hạn hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phạm vi cả nước, cần phải có nghị định của Chính phủ hoặc thông tư của Bộ trưởng. Về nội dung, trong công văn của bộ đưa ra ấn định thời hạn ngày 31/12/2010, không phù hợp với nghị quyết của Quốc hội. Ông Sơn nhấn mạnh: "Trong nghị quyết của Quốc hội chỉ nói là phấn đấu đến năm 2010 cơ bản hoàn thành về cấp giấy chứng nhận, trong khi văn bản của Bộ lại ấn định là 31/12/2010 phải hoàn thành. Như vậy là đã bao gồm cả những yếu tố không cơ bản trong nghị quyết của Quốc hội".

Còn theo hướng dẫn tại công văn của UBND TP HCM, người sử dụng đất phải có đủ hai điều kiện, đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận trước ngày 1/11/2007 và có các giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai. Theo ông Sơn, khi áp dụng trong thực tế sẽ loại đi một số lượng lớn những người chỉ thỏa mãn một trong hai điều kiện, hoặc đã nộp hồ sơ nhưng chưa có các loại giấy tờ được quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50, Luật Đất đai; hoặc có các loại giấy này nhưng chưa nộp hồ sơ. "Như vậy diện được hưởng quyền sẽ còn lại không nhiều, nếu không nói là quá hẹp", ông Sơn nói.

Ông Sơn cho biết thêm, về thẩm quyền, thể thức văn bản cũng như nội dung công văn của Bộ Tài nguyên Môi trường có những điểm không phù hợp, nhưng Bộ là cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trong phạm vi toàn quốc về vấn đề này, những hướng dẫn của Bộ có hiệu lực áp dụng với tất cả các địa phương. TP HCM cần trao đổi thống nhất với bộ về nội dung hai công văn này. Trong trường hợp cần thiết phải báo cáo Thủ tướng để tháo gỡ vướng mắc.

Ông Đào Trung Chính, Vụ phó Vụ Đất đai Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, hiện ông vẫn chưa nhận được công văn của Bộ Tư pháp, nên chưa thể đưa ra ý kiến. Còn về những điểm chưa thống nhất với Công văn của UBND TP HCM, ông Chính nói: "Cơ quan nào sai thì sẽ phải sửa".

Các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1, 2 và 5, Điều 50, Luật Đất đai

1) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp.

2) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính.

3) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất.

4) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15/10/1993, nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993.

5) Giấy tờ về thanh lý, hoá giá nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định của pháp luật.

6) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.

7) Người sử dụng đất có một trong 6 loại giấy tờ trên mà ở giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp.

8) Người sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Toà án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã được thi hành, thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

 

Kiên Thành

 

Sau 1/1/2008, "giấy trắng" vẫn được giao dịch nhà đất

Ông Đào Trung Chính, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường, khẳng định, chỉ cần có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất vẫn sẽ được thực hiện giao dịch sau thời điểm 1/1/2008.

"Giấy trắng" có quyền giao dịch ngang... sổ đỏ

 

 

- Thưa ông, theo Nghị định 84/2007, từ 1/1/2008 người sử dụng đất phải có "sổ đỏ" mới được thực hiện giao dịch. Điều đó đồng nghĩa với các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất (gọi chung là “giấy trắng”) sẽ bị vô hiệu hóa khi tham gia giao dịch từ thời điểm trên?

- Không phải như vậy, có 3 trường hợp sẽ vẫn được giao dịch: 

Thứ nhất, người đã có sổ đỏ đương nhiên được giao dịch bình thường.

Thứ hai, trường hợp nộp hồ sơ hợp lệ lên chính quyền trước ngày 1/11/2007 mà chưa được cấp sổ đỏ thì văn phòng đăng ký đất nhà sẽ phải cấp biên nhận cho họ. Người đó có thể mang giấy tờ xác nhận đó, đi thực hiện quyền của mình.

Trường hợp thứ 3 là người sử dụng đất chỉ cần có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất (gọi chung là giấy trắng) như bằng khoán điền thổ, văn tự đoạn mãi bất động sản, văn tự mua bán nhà ở, tặng cho nhà ở, đổi nhà ở, thừa kế nhà ở, tờ di chúc hoặc tờ thỏa thuận tương phân di sản về nhà ở, giấy phép cho xây cất nhà của chính quyền cũ cấp trước năm 1975... thì vẫn được thực hiện các giao dịch.

- Nói như ông thì rõ ràng quy định tại Khoản 1 Điều 66 của NĐ 84 "kể từ 1/1/2008, người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận mới được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng, cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất" là mâu thuẫn với thực tế sẽ triển khai?

- Hiểu như vậy là không đúng. Xin nhắc lại là tại Khoản 2 Điều 66 Nghị định 84/2007 đã quy định rất rõ là có thêm hai đối tượng được thực hiện giao dịch, gồm: Một là trường hợp người sử dụng đất đã nộp đủ hồ sơ hợp lệ xin cấp giấy chứng nhận trước ngày 1/11/2007 mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.

Hai là trường hợp người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1, 2, 5 Điều 50 của Luật Đất đai giấy tờ về quyền sử dụng đất thì vẫn được thực hiện các giao dịch. Có nghĩa là nếu tôi chưa làm hồ sơ xin cấp giấy mà có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì tôi vẫn được thực hiện các giao dịch.

Tuy nhiên, đối với trường hợp này, khi đăng ký việc chuyển nhượng thì cơ quan chức năng sẽ thực hiện việc đăng ký này đồng thời với việc xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tức là trường hợp này sẽ thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 148 của Nghị định số 181/2004.

Việc đưa ra quy định tại Điều 66 của Nghị định 84/2007 là nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia giao dịch về quyền sử dụng đất. Chúng ta biết trên thực tế nhiều hộ dân khi giao dịch cũng không cần đến sổ đỏ mà chủ yếu là do thỏa thuận của 2 bên, điều đó khiến người dân phải chịu mọi rủi ro khi gặp sự cố và nhà nước không thể bảo vệ được cho họ.

Ví dụ trường hợp khi mua bán với giá thấp, bán xong thì giá đất tăng vùn vụt, trong khi các giấy tờ giao dịch đã là tự viết giấy trao tay lại không kín kẽ khiến bên bán quay trở lại lật kèo.

- Việc thực hiện từ 1/1/2008 phải có sổ đỏ mới được giao dịch liệu có gấp gáp đối với người dân hay không?

- Không gấp gáp, vì tại Nghị định 181 đã quy định từ 1/1/2007 giao dịch phải có sổ đỏ. Tuy nhiên chủ trương này không thể thực hiện được nên phải lùi lại một năm (đến khi có Nghị định 84). 

Thực ra về cơ bản, các địa phương đã cấp được lượng sổ đỏ tương đối. Thứ nữa, những nơi người cần giao dịch cũng đã có ý thức từ rất sớm. Chỉ còn những trường hợp người dân hoặc là những vùng đồng bào miền núi từ trước đến giờ chưa bao giờ nghĩ đến việc bán mảnh đất, hoặc là chỉ để thừa kế cho các con mới chưa chuẩn bị.

Giao dịch "giấy trắng" phải có xác nhận của phường, xã

- Thực tế hiện nay không chỉ ở những vùng sâu, vùng xa mà ngay ở các thành phố lớn tình trạng người dân tiến hành mua bán trao tay cũng diễn ra rất phổ biến. Vậy sau 01/01/2008 thì các giao dịch bằng giấy trắng có buộc phải được chính quyền chứng nhận mới đủ điều kiện hợp pháp?

- Thứ nhất, người dân đã nộp hồ sơ chờ cấp sổ đỏ thì vẫn giao dịch bình thường, còn nếu giao dịch bằng giấy trắng để đúng quy định đồng thời tránh rủi ro thì phải có những loại giấy tờ theo quy định. Sau khi thỏa thuận, người bán và người mua sẽ trực tiếp lên UBND phường, xã đăng ký thủ tục chuyển quyền và nộp thuế đất và lệ phí trước bạ. Lúc đó giao dịch mới được coi là hợp lệ.

- Còn với những trường hợp người dân nộp hồ sơ theo quy định trước ngày 1/11/2007 mà thiếu một số giấy tờ thì văn phòng đăng ký đất nhà có cấp giấy biên nhận cho người dân để họ tiện việc giao dịch hay không?

- Theo quy định thì phải nộp đủ hồ sơ hợp lệ, chỉ khi có đủ hồ sơ hợp lệ thì cơ quan chức năng mới tếp nhận hồ sơ, làm giấy biên nhận cho người dân. Tức là anh phải nộp đầy đủ hồ sơ, nếu thiếu hồ sơ thì sẽ không bao giờ được tiếp nhận.

- Vậy đối với trường hợp giao dịch bằng giấy trắng khi bồi thường GPMB sẽ áp dụng mức giá như thế nào?

- Vấn đề này đã được quy định cụ thể tại Nghị định 197/2004, Nghị định 84/2007 theo nguyên tắc là anh được bồi thường nhưng phải trừ đi phần nghĩa vụ tài chính mà nếu như được cấp sổ đỏ thì anh phải thực hiện đối với nhà nước.

Đa số các trường hợp này khi được cấp sổ đỏ thì không phải nộp nghĩa vụ tài chính, do đó khi bị thu hồi đất thì họ chỉ bị trừ đi tiền thuế chuyển quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ, vì ở đây đã có sự chuyển nhượng.

- Nếu coi giấy trắng có "tư cách" giao dịch ngang bằng sổ đỏ thì mục tiêu cấp 100% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân sẽ rất khó thực hiện, chưa kể sẽ nảy sinh tình trạng khiếu kiện, thất thoát tiền thuế đất. Ông nghĩ sao?

- Không phải như vậy, đối với trường hợp không có bất cứ một loại giấy tờ về đất đai nào thì bắt buộc phải có sổ đỏ mới được giao dịch. Còn đối với trường hợp có một trong các loại giấy tờ về đất đai thì khi đăng ký chuyển nhượng cũng là lúc thực hiện luôn việc cấp sổ đỏ cho bên nhận chuyển nhượng. Do đó, quy định này thực chất là vẫn hướng tới mục tiêu hoàn thành việc cấp sổ đỏ cho dân.

Cũng cần nhấn mạnh là không bao giờ chúng ta có thể hoàn thành 100% việc cấp sổ đỏ mà chỉ đặt mục tiêu là cơ bản hoàn thành. Vì trên thực tế có nhiều trường hợp chắc chắn không thể cấp được sổ đỏ và có nhiều trường hợp đã có sổ đỏ rồi lại tiếp tục có sự chia tách, hợp thửa dẫn đến phải cấp lại sổ đỏ.

Điều quan trọng là cần phải hoàn thành sớm việc thiết lập được hệ thống hồ sơ địa chính để phục vụ cho quản lý của nhà nước về đất đai và các mục tiếu khác như thuế, quy hoạch...

- Xin cảm ơn ông! 

Lại "xính vính" với "giấy trắng"

từ ngày 1-1-2008:

Lai xinh vinh voi giay trang

Giải quyết hồ sơ nhà đất ở quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: P.HUY

Kể từ ngày 1-1-2008, một số giấy tờ được coi là hợp lệ về nhà ở, đất ở (còn gọi là “giấy trắng”) sẽ không được thế chấp, mua bán. Điều này đồng nghĩa với việc hàng chục ngàn giấy trắng của người dân tại TP.HCM chưa kịp đổi sang giấy chủ quyền mới sẽ bị “treo” giao dịch.

Sau 1-1-2008, “số phận” giấy trắng sẽ ra sao?

Do thời hạn chấm dứt giao dịch “giấy trắng” đã đến gần nên không chỉ người dân mà cả các ngân hàng nhận thế chấp “giấy trắng” cũng đang chạy đua để đổi sang giấy chủ quyền mới. Hiện TP còn khoảng 80.000 “giấy trắng”, trong đó hàng ngàn giấy đang thế chấp tại các ngân hàng.

Chạy đua đổi giấy

Tại quận Tân Phú và Gò Vấp, người dân có “giấy trắng” đang thế chấp ngân hàng sẽ được ngân hàng thảo một công văn gửi bộ phận cấp giấy chủ quyền của UBND quận. Người dân đi làm các bước thủ tục, đến ngày nộp hồ sơ thì cán bộ ngân hàng sẽ đem bản chính “giấy trắng” để nộp lại. Khi giải quyết xong hồ sơ, UBND quận sẽ thông báo cho nhân viên ngân hàng đến ký nhận giấy chủ quyền. Ở quận Tân Phú, việc cấp giấy chủ quyền cho những trường hợp này chỉ mất 5-7 ngày làm việc.

Còn tại quận 5, một số ngân hàng mới chỉ thăm dò tình hình. Quận này đã hướng dẫn các ngân hàng cách làm thủ tục một loạt cho tất cả “giấy trắng” đang được thế chấp. Nếu ngân hàng và người dân không tự làm các thủ tục thì phòng tài nguyên - môi trường quận sẽ đảm nhận các thủ tục này nhằm tạo điều kiện cho việc cấp giấy mới được nhanh chóng, thuận tiện.

Từ nhiều tháng qua, các quận huyện đã đề xuất TP xin gia hạn thêm thời gian giao dịch “giấy trắng”. Có quận còn đề nghị nên kéo dài thời gian đến năm 2010, có quận đề nghị không nên đặt ra thời hạn. Đại diện quận 5 lập luận: “giấy trắng” do cơ quan nhà nước cấp để quản lý nhà, đất trong một giai đoạn nhất định nên nó cũng có đầy đủ những căn cứ pháp lý. Vì vậy, nên công nhận hiệu lực của “giấy trắng” để giảm bớt gánh nặng về giấy tờ nhà đất cho người dân. Chấm dứt giao dịch “giấy trắng” sẽ gây ra sự xáo trộn lớn, nhất là vào thời điểm cuối năm, nhiều người dân có nhu cầu mua bán, thế chấp nhà đất để vay vốn làm ăn.

Tuy nhiên, một cán bộ Sở Tài nguyên - môi trường TP lại cho rằng không nên kéo dài hiệu lực của “giấy trắng”. Theo cán bộ này, “giấy trắng” chỉ là chứng nhận tạm thời của riêng TP.HCM trong một giai đoạn nhất định, trên giấy cũng không thể hiện số thửa, số tờ, không có tọa độ... nên rất khó cho việc quản lý. Hơn nữa, nghị định 84 chỉ qui định hết hiệu lực giao dịch của “giấy trắng” nhưng vẫn còn giá trị chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất của người dân.

Tiếp tục gia hạn?

Nghị định 181 ban hành năm 2004 qui định: đến ngày 1-1-2007 tất cả các loại “giấy trắng” không kịp đổi sang giấy chủ quyền mới sẽ không được giao dịch. Đến thời hạn này TP còn khoảng 100.000 “giấy trắng” và người dân một phen “xính vính” khi các phòng công chứng đều “đóng cửa” với “giấy trắng”, ngân hàng không dám cầm cố, thế chấp. Phải đến tháng 5-2007, Chính phủ mới ban hành nghị định 84 cho gia hạn thời gian giao dịch “giấy trắng” thêm một năm nữa. Nhưng đến thời điểm này, kế hoạch đổi “giấy trắng” sang giấy chủ quyền mới một lần nữa bị phá sản.

Theo các phòng công chứng, số lượng “giấy trắng” chiếm khoảng 30% tổng số giao dịch nhà đất tại đây. Trưởng một phòng công chứng cho biết sẽ thực hiện theo đúng tinh thần của nghị định 84, tức không công chứng giao dịch nhà đất có “giấy trắng” vào đầu năm 2008. Điều này sẽ gây ách tắc cho giao dịch nhà đất của người dân, nếu các cơ quan nhà nước không có biện pháp tháo gỡ kịp thời.

Nguồn tin từ Bộ Tài nguyên - môi trường cho hay, bộ này đang dự thảo nghị định liên quan đến cấp giấy chứng nhận để trình Chính phủ. Trong đó có đề cập đến việc gia hạn thời gian giao dịch “giấy trắng” đến hết năm 2010. Như vậy trong vòng ba năm tới, nhiều khả năng các loại “giấy trắng” sẽ kịp đổi sang giấy chủ quyền mới, vừa đảm bảo tính pháp lý, vừa thuận tiện cho công tác quản lý. Nhưng nhiều ý kiến không tán đồng với đề xuất trên.

CÔNG TRÌNH - PHÚC HUY

Đổi giấy trắng sang giấy đỏ - Nảy sinh rắc rối

Hàng loạt rắc rối pháp lý nảy sinh trong quá trình xin đổi giấy trắng sang giấy đỏ, giấy hồng.

Sau khi có thông tin cho rằng sang năm 2008 nhà đất có giấy trắng sẽ không được thế chấp, mua bán, nhiều người đang sở hữu đất bằng giấy trắng phải tìm mọi cách để đổi sang giấy đỏ, giấy hồng. Tuy nhiên, việc đổi giấy trắng sang giấy đỏ, giấy hồng không hề đơn giản một chút nào.

Ông Trần Văn L (ở Gò Vấp, TP HCM), sau khi biết tin, vội chạy tiền để giải chấp, lấy lại giấy trắng từ ngân hàng để đi đổi sang giấy hồng.

Tuy nhiên, khi phòng chức trách làm việc thì cán bộ quận yêu cầu phải lập bản vẽ mới, nộp giấy tờ liên quan đến việc mua bán, xây dựng nhà... y như người chưa có giấy tờ hợp lệ.

Ông N (ở đường Lê Thị Riêng, Quận 1,TP HCM) phải mất 30 ngày và một triệu đồng cho việc lập bản vẽ mới. Chưa hết, ông còn phải mất 10 ngày nộp hồ sơ xác nhận tình trạng nhà đất ở phường, 42 ngày nộp hồ sơ ở quận và chờ nơi đây một cái hẹn, đến hẹn lại sang cơ quan thuế nộp nghĩa vụ tài chính và mất thêm bảy ngày nữa mới được cấp giấy hồng.

Đổi màu giấy hay xin cấp mới 

Nhiều quận, huyện cho hay, việc đổi giấy trắng sang giấy đỏ, giấy hồng không đơn thuần là đổi màu giấy mà thực sự là thủ tục xin cấp giấy mới. 

Bà Nguyễn Thị La, Tổ trưởng Tổ Dịch vụ Hành chính Uỷ Ban Nhân dân Quận 3, cho hay, giấy trắng chỉ là bằng chứng xác nhận thời điểm, mục đích sử dụng đất. 

Bên cạnh đó, bản vẽ cũ không thể hiện được số tờ, số thửa, vị trí của thửa đất, chưa kể một số nhà có giấy trắng có sự chênh lệch về diện tích so với bản vẽ cũ.

Trong gần 500 hồ sơ nhà có giấy trắng mà quận thụ lý, số bản vẽ cũ được sử dụng lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ngoài ra, chủ nhà còn phải giải thích về nguồn gốc phần diện tích dôi ra (nếu có). Vì vậy, thời gian đổi giấy trắng có khi còn dài hơn so với trường hợp chưa có giấy tờ gì.

Bà Nguyễn Thị Phấn, Trưởng phòng Tài nguyên&Môi trường Quận 5, cho biết, việc xử lý hồ sơ nhà có giấy trắng còn phức tạp hơn hồ sơ xin cấp mới. Đối với trường hộp chưa có giấy tờ, quận chỉ cần cấp giấy hồng cho diện tích mới đo vẽ là xong.

Với trường hợp có giấy trắng nhưng chênh lệch diện tích thì phải tìm hiểu kỹ phần đất dô ra và phải có thời gian niêm yết, phải được uỷ ban nhân dân phường kiểm tra và xác định.


Sẽ phát sinh nhiều rắc rối 

Luật sư Huỳnh Văn Nông - Văn phòng Luật sư Sài Gòn Luật - cho rằng, ý kiến của nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ “thủ tục đổi giấy rất đơn giản nên người dân khỏi lo ngại” là chưa sát thực tế vì nhiều nơi còn đẻ thêm nhiều thủ tục khi cấp đổi giấy trắng mặc dù quy định không bắt buộc.

Để thực hiện Nghị định 84, với khoảng thời gian sáu tháng, liệu nhà nước có thể cấp đổi xong hàng trăm nghìn giấy trắng.

Luật sư cũng đưa ra kiến nghị, giấy trắng, giấy đỏ, hay giấy hồng đều là giấy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nên phải được đối xử như nhau.

 

Theo PL 


Ngày cập nhật 2015/03/02 Tác giả: nhadatphucankhang





Hỗ trợ trực tuyến

 

0835570473 - Họa sĩ Minh Tâm vẽ tranh Phong Thủy và Tôn Giáo

---

0938168807 (Marina)

Hình Ảnh Dự Án

Liên Kết Website

BACK TO TOP