48 năm một mẩu chuyện nhỏ
Thân gửi các bạn tôi và “gia đình Tin Sáng”
Nhân ngày giỗ Ngô Công Đức lần thứ 8 (22/6/2007–22/6/2015)
Nhằm ngày 8 tháng 5 năm Đinh Hợi
Hồ Ngọc Nhuận
Các bạn thân mến,
Vừa qua có một số bạn đã liên tiếp hỏi tôi về cuốn hồi ký của anh Dương Văn Ba trong đó có nói về tờ Tin Sáng và về chủ nhiệm Tin Sáng, anh Ngô Công Đức.
Chị Minh Hiền, nguyên Tổng biên tập báo Doanh Nghiệp, anh Võ Văn Điểm, tức nhà văn Võ Ngàn Song, thành viên của “gia đình Tin Sáng trước và sau 1975”, và mấy bạn nữa đã gọi điện. Có bạn đã viết thư.
Anh Tống Văn Công, người từng lần lượt điều khiển ba tờ báo Công Đoàn, Người Lao Động,Lao Động Mới và Lao Động, trong thư gửi tôi đề ngày 29-3-2015, đã viết: “… Lâu quá không có liên lạc với anh. Nay có chuyện hồi ký Dương Văn Ba, tôi muốn hỏi ý kiến anh. Cách đây mấy năm khi đọc hồi ký này, tôi thấy nhiều chỗ không đúng. Vì không thân anh Ba nên tôi yêu cầu Trần Trọng Thức góp ý. Khi thấy Viet-studies đăng, tôi liền góp ý với anh Trần Hữu Dũng. Anh THD trả lời: anh ấy cũng thấy nhiều chỗ không đáng tin, nhưng anh DVB “sắp đi” và muốn gửi gắm quyển hồi ký cho THD nên anh ấy cứ phải đăng, sau nay ai thấy sai thì có ý kiến.
Sáng nay có anh bạn gọi điện hỏi tôi về nguyên nhân Tin Sáng "hoàn thành nhiệm vụ" có đúng như DVB nói không?”
Và anh tiếp: “Anh Ngô Công Đức đã qua đời. Anh Nhuận là người có đủ tư cách để trả lời câu hỏi này: Một là trả cho lịch sử đúng sự thật. Hai là minh oan cho người bạn đã qua đời” (Tống Văn Công, 29-3-2015)
Tôi chân thành cám ơn và xin lỗi các anh chị, vì đã chần chờ khá lâu. Bởi tôi không biết viết những gì và viết như thế nào. Mà viết thế nào thì cũng như là bới thêm chuyện gia đình mà phơi thêm ra. Tốt đâu chưa thấy, đã thấy tự mình vạch lưng mình. Mặc dù, với tư cách là một trong hai người chủ trương tờ Tin Sáng cũ, rồi Tin Sáng mới, và cả tờ Điện Tín của cựu Nghị sĩ Đại tá Hồng Sơn Đông, nếu tôi lên tiếng thì không phải chỉ để minh oan cho “người bạn đã quá cố” mà thôi, mà còn là minh oan cho chính tôi và cho cả tập thể gia đình Tin Sáng. Bởi có thể nói tờ Tin Sáng trước 1975 là một tờ báo đối lập chánh trị có nhiều độc giả nhất nhì Sài Gòn lúc bấy giờ, với những cây viết nổi tiếng mà ai cũng biết. Và tờ Tin Sáng sau 1975 là một tập hợp hiếm thấy chẳng những trong làng báo, làng văn xưa nay ở Sài Gòn, mà còn trong một số khá đông những thành phần tiêu biểu của Sài Gòn cũ, lại có cả sự tiếp tay của một số cây viết của Hà Nội hay từ Hà Nội về. Vì vậy, nếu có ai nói rằng mối quan hệ giữa chủ nhiệm Ngô Công Đức và tập thể Tin Sáng là mối “quan hệ chủ thợ” thì chẳng những là nói oan cho Ngô Công Đức, mà còn xúc phạm cả một tập thể rộng lớn những người từng đóng góp công sức cho Tin Sáng và xúc phạm cả chính tôi nữa.
Nhưng tốt nhất là đề cho các sự kiện lên tiếng. Và vì vậy tôi xin gởi đến các bạn một mẩu chuyện nhỏ sau đây. Một mẩu chuyện nhỏ có thực, đã thực sự diễn ra tại đây đến nay đã được 48 năm. 48 năm, một mẩu chuyện nhỏ, về một “gia đình” mà tôi gọi là “gia đình chánh trị nhỏ” của chúng tôi, mà trong đó cũng có một vài anh em thuộc “gia đình Tin Sáng”, và nhật báo Tin Sáng cũng là một thành phần quan trọng có liên quan 1. “Gia đình chánh trị nhỏ” nầy trong một thời gian dài mấy chục năm, qua mấy thời kỳ lịch sử tiếp nhau, đã cùng chung sức với nhau trong nhiều hoạt động, vui buồn, hoạn nạn thường có nhau. Trong đó có Ngô Công Đức, có Dương Văn Ba, có Nguyễn Văn Binh, có Hồ Ngọc Nhuận, có Hồ Văn Minh, có Nguyễn Hữu An và nhiều người nữa. Trong đó còn có nhiều anh từ nhiều miền đất nước lưu vong qua nhiều nước sau 1975, và có 09 anh từ đất Mỹ, và mấy anh từ mấy nước nữa, đã gởi thư điện tử về cho tôi để chia buồn cùng gia đình Ngô Công Đức, khi Ngô Công Đức qua đời ngày 22 tháng 6 năm 2007, nhằm ngày 8 tháng 5 năm Đinh Hợi.
Tôi gọi là “gia đình chánh trị nhỏ” chớ không gọi là “tổ chức chánh trị”, bởi không ai tổ chức, cũng không có tổ chức gì hết, mà chỉ là đồng thanh, đồng lòng tìm đến với nhau, và cùng sát cánh hoạt động với nhau trong mấy chục năm liền, trước và sau năm 1975. Ngoại trừ một thời gian ngắn 08 năm, từ 1967 đến 1975, với một “nhóm” nhỏ đối lập ở Hạ Nghị Viện Quốc Hội VNCH, nhóm Xã Hội Mới, mà tôi là trưởng nhóm. Gọi là “nhóm” vì chỉ có 11 thay vì 12 người là túc số cần thiết theo nội quy HNV để thành lập một Khối chánh thức tại Quốc Hội. Sau một thời gian hoạt động khá năng nổ, Nhóm Xã Hội Mới, gồm đa số là trẻ, đã kết hợp với vài nhóm đối lập khác, đặc biệt với nhóm Dân Tộc, và vài dân biểu độc lập, để trở thành một khối đối lập chánh thức có tên là khối Xã Hội Dân Tộc. Khối nầy, không lâu sau, lại lột xác một lần nữa để biến thành hai khối, một trong hai là Khối Xã Hội, mà anh Phan Thiệp, gốc Quốc Dân Đảng Quảng Nam, làm trưởng khối cho đến hết nhiệm khóa 1/HNV, vào năm 1971, và tôi là Phó Trưởng Khối. Sang khóa 2/HNV, từ 1971 đến 30-4-1975, một số dân biểu Khối Xã Hội bị chánh quyền tổ chức gian lận bầu cử đánh bại ở một số tỉnh, trong đó có anh Ngô Công Đức, nhưng Khối Xã Hội vẫn trụ vững, nhờ có một số dân biểu mới đặc cử gia nhập, trong đó có dân biểu luật sư Trần Văn Tuyên. Ở nhiệm khóa 2/HNV anh Trần Văn Tuyên là Trưởng Khối Xã Hội, tôi là Phó Trưởng Khối, cho tới ngày “đứt phim”.
Tôi nói “gia đình chánh trị nhỏ”, mà không nói riêng gia đình Tin Sáng. Bởi hoạt động của Đức, Ba và tôi, và một số anh em nữa, là có trước và sau cả Tin Sáng. Là gồm một số lãnh vực hoạt động khác hơn hoạt động báo chí, mà những anh chị em thuộc riêng gia đình Tin Sáng không phải ai cũng tham gia. Và nếu chỉ nói riêng về gia đình Tin Sáng thì thiết nghĩ bất cứ người nào trong gia đình nầy cũng có thể lên tiếng phủ nhận cái gọi là “quan hệ chủ thợ” ở Tin Sáng. Trừ phi có ai đó đã thực sự ngồi nhầm chỗ.
Nhưng nếu chỉ nói riêng về “gia đình Tin Sáng” thì “gia đình” nầy có tới ba tờ Tin Sáng, dưới những hình thức và thời kỳ khác nhau: Tin Sáng bộ mới, Tin Sáng bộ cũ và Tin Sáng hải ngoại. Trước “Tin Sáng bộ mới” ở thành phố Hồ chí Minh (1975-1981) với Ngô Công Đức làm chủ nhiệm, Nguyễn Văn Binh làm quản lý, Hồ Ngọc Nhuận làm chủ bút, cùng với hai phụ tá chủ bút Nguyễn Hữu An, Dương Văn Ba, và ông Lý Quý Chung được mời làm Phụ tá chủ bút thứ ba, còn có tờ “Tin Sáng bộ cũ” ở Sài gòn (1968-1972), với Ngô Công Đức làm Chủ nhiệm kiêm chủ bút, Hồ Ngọc Nhuận làm Giám Đốc chánh trị, với Chi Lăng, Phan Ba, Nguyễn Hữu An, trước sau, làm Thư ký tòa soạn. Với Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Nguyển văn Trung, Dương Văn Ba, Sơn Nam, Vũ Hạnh, Phan Xuân Huy, và nhiều bạn nữa, là những cây viết chủ lực … Và cùng với tờ “Tin Sáng bộ cũ” ở Sài Gòn, là tờ “Tin Sáng hải ngoại” xuất bản ở Paris 2,cũng với thành phần chủ biên và những cây viết chủ lực như trên tờ “Tin Sáng quốc nội”, nhưng dưới hình thức bán nguyệt san. Tin Sáng hải ngoại số 1 đề ngày 08-21.4.1971, có mặt gần như đầy đủ các cây viết chủ lực của Tin Sáng quốc nội, đặc biệt có chuyện “Thị Kiều”, nói về cây cầu vượt (kiều) nối chợ Sài Gòn (thị) qua bùng binh Quách Thị Trang, nói lái lại là chuyện “Thiệu Kỳ” của Tư Trời Biển. Tin Sáng hải ngoại số 2 có bài “Chợ Chiều” của Lý Chánh Trung ; số 3 với bài “Mỹ thua Mỹ ở Mỹ” của Nguyễn Văn Trung ; số 4 với “Không còn ảo tưởng” của Dương Văn Ba, và “Giả từ Việt Nam khói lửa” của Don Luce, người đã phát hiện chuồng cọp ở Côn Đảo. Đây cũng là vào khoảng thời gian Chủ nhiệm Ngô Công Đức đi lưu vong ở Pháp và Thụy Điển. Nhưng người chịu trách nhiệm bán nguyệt san Tin Sáng hải ngoại là linh mục Nguyễn Đình Thi, ở số 18 rue Cardinal Lemoine Paris và Montreuil. Linh mục Thi là bạn thân của linh mục Trương Bá Cần, chủ nhiệm báo Công Giáo và Dân Tôc, thành phố Hồ Chí Minh.
Tin Sáng song hành với Điện Tín. Tôi nói “gia đình chánh trị nhỏ”, mà không nói riêng “gia đình Tin Sáng”, bởi không chỉ có ba tờ Tin Sáng, mà cùng với “Bộ Ba Tin Sáng”, còn có tờ Điện Tín mà Nghị Sĩ Đại tá Hồng Sơn Đông là chủ báo, kiêm chủ nhiệm chủ bút, với Hồ Ngọc Nhuận là Giám Đốc Chánh Trị, với Dương Văn Ba là Thư Ký Tòa soạn (1971-1975). Với một bộ phận quan trọng của “Tin Sáng bộ cũ” chuyển sang, khi Tin Sáng bị chánh quyền đe dọa đóng cửa. Tôi nói một bộ phận quan trọng của “Tin Sáng bộ cũ” chuyển sang, chớ không phải toàn bộ Tin Sáng đã kéo qua Điện Tín, như có người đã viết. Trong những người chuyển sang Điện Tín có nhà giáo nhà thơ My Sơn Nguyễn ngọc Thạch, (Thạch là một trong năm anh Tư Trời Biển của Tin Sáng,l à bạn học cũ của anh Dương Văn Ba và anh Võ Văn Điểm ở Đại Học Đà Lạt, là một anh em cùng ê kíp cũ với tôi ở Chương trình Phát triển Quận 8, và về sau là một trong những trưởng ban biên tập của Tin Sáng bộ mới), có nhà báo Trương Lộc,có họa sĩ Ớt, có nhà thơ Cung Văn Nguyễn vạn Hồng,v.v… Nói là “chuyển sang” chớ kỳ thật coi như là được thỏa thuận phân công, chia nhau một phần qua Điện Tín,một phần vẫn ở lại với Tin Sáng. Đây có thể nói là một “chiến thuật”, trong hoạt động làm báo chánh trị của chúng tôi lúc bấy giờ. Số anh em Tin Sáng còn ở lại, với anh Phan Ba là Tổng thư ký tòa soạn, với nhà văn Sơn Nam, với nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà, v.v… và tôi là Giám Đốc chánh trị (của cả tờ Điện Tín), vẫn tiếp tục duy trì Tin Sáng bộ cũ, trong mấy tháng đầu Ngô Công Đức đi lưu vong (cuối năm 1971, đầu năm1972 ). Chánh quyền lại áp dụng một biện pháp đàn áp “không giống ai”, chưa hề có tiền lệ trong lịch sử báo chí trước đây ở Sài Gòn, là không chấp nhận cho Tin Sáng nạp lưu chiểu. Dù vậy, Tin Sáng vẫn tiếp tục phát hành, và “các bạn hàng báo”, cả các sạp báo và các em bán báo rao, đều vẫn tiếp tục nhận bán báo Tin Sáng hằng ngày. Và thường là bán chợ đen, vì báo in có hạn 3. Để có thể cầm cự lâu dài chống đỡ các đòn đàn áp của chánh quyền, Tin Sáng rút xuống 4 trang, rồi 2 trang. Và Giám Đốc chánh trị Tin Sáng thì liên tục phản đối trên trang nhất báo Điện Tín. Vậy là chánh quyền tìm cớ tịch thu luôn Điện Tín, khi lùng sục để tịch thu Tin Sáng. Cho tới khi không còn nhà in nào dám nhận in báo Tin Sáng nữa, và nhất là vì sợ Điện Tín bị vạ lây mà chết yểu, nên tôi đành chịu thua (nhất là chịu thua những người đã góp vốn cho ra tờ Điện Tín). Tôi nghĩ hầu hết những số báo của Điện Tín, và những số báo cuối của Tin Sáng bộ cũ (đầu năm 1972) chắc phải còn được lưu trữ ở Thư Viện Quốc Giá, nay là Thư Viện Tổng Hợp. Riêng những số báo Tin Sáng bị chánh quyền không chấp nhận cho nạp lưu chiểu thì không chắc còn.
Thư ký tòa soạn Điện Tín, Dương Văn Ba và “Người giấu tên”. Dương Văn Ba làm thư ký tòa soạn Điện Tín mà không có mặt ở tòa soạn Điện Tín ngày nào, cũng không có tên trên manchette báo. Khi viết bài thì ký dưới bút hiệu là “Người giấu tên” (đặc biệt trong mục “Ký sự nhân vật” của báo Điện Tín) 4. Bởi đây là thời kỳ Dương Văn Ba bị kết án 4 năm tù khiếm diện vì bị buộc tội trốn lính, sau khi bị gian lận bầu cử ở Bạc Liêu, và thất cử chức Dân biểu Quốc Hội VNCH nhiệm kỳ 2, phải “lánh nạn” tại nhà Đại Tướng Dương Văn Minh. Nói là “lánh nạn” tại nhà Đại tướng Dương Văn Minh, nhưng kỳ thật là tại nơi làm việc của Trung tá Trương Minh Đẩu, Chánh Văn Phòng Đại tướng, và ở nhà của Thiếu tá Trịnh Bá Lộc. Anh Lộc, cùng với anh Hoa Hải Đường, là tùy viên quân sự của Đại tướng. Người đặc trách liên lạc giữa TKTS Dương Văn Ba và Tòa soạn Điện Tín mỗi ngày, và trong một thời gian dài suốt mấy năm liền, là em ruột của anh Nguyễn Vạn Hồng, sau 1975 trở thành ký giả Triệu Bình của Tin Sáng bộ mới, và là bí thư chi đoàn TNCS cùa tờ báo. Riêng tôi cũng có một thời gian “lánh nạn” nơi Đại tướng Dương văn Minh, ở nhà Thiếu tá Hoa Hải Đường, khít vách nhà Thiếu tá Lôc, nhưng vẫn lui tới tòa soạn Điện Tín, và không hề bỏ lỡ dịp xuống đường, hay bỏ họp Quốc Hội. Bởi tôi chỉ bị bắt đưa đến Tòa án Sài Gòn có một ngày, cùng với chị DB Kiều Mông Thu, vì bị vu “tội rải truyền đơn VC” trong cuộc biểu tình tại chợ Cầu Muối, với gia đình 18 ký giả bị bắt, trong đó có các anh Sơn Nam, Vũ Hạnh,Lê Hiền, Nguyễn Công Uẩn… 5. Sau khi gần như nằm vạ cả buổi trước pháp đình Sài Gòn, chị Kiều Mộng Thu và tôi được ông Biện Lý mời vô “hỏi cung” và được cho “tự do tạm”, với sự chứng kiến của Luật sư DB Trần Văn Tuyên, Trưởng Khối Xã Hội HNV/VNCH, và Trung tá DB Nguyễn Văn Binh, Trưởng Khối Quốc Gia /HNV/VNCH. Chớ không hề bị xử phải ngồi tù ngày nào.
Cùng với hai người của chúng tôi thất cử phải bỏ trốn là Đức và Ba, chúng tôi còn mấy người anh em nữa cũng bị nạn chung, trong số có anh cựu Đại tá Nguyễn Văn Thanh. Anh Thanh là đại tá thương binh giải ngũ, cựu tỉnh trưởng Trà Vinh, là “đồng viện” và “đồng khối” của chúng tôi ở HNV/QH/VNCH. Chẳng những anh bị gian lận cho thất cử tại cùng đơn vị Trà Vinh với Đức, mà còn bị đánh, bị nhốt hết mấy ngày nơi khám đường của tỉnh. Và sau năm 1975 thì bị đi tù tiếp, rồi bị nhiều kiếp nạn khác mà tôi đành chịu bó tay.
Ngô Công Đức và tờ Điện Tín. Khi Ngô Công Đức chuẩn bị đi lưu vong thì tôi cũng chuẩn bị những giấy tờ hợp pháp cần thiết để thay Đức làm chủ nhiệm Tin Sáng. Nhưng vẫn lo chánh quyền thừa cơ Đức vắng mặt lâu ngày để hạ độc thủ đóng cửa tờ báo vĩnh viễn, sau nhiều lần đóng cửa báo có thời hạn và tịch thâu liên miên. Trong khi đó thì tờ Điện Tín của anh Đại tá Hồng Sơn Đông do ông Lý Quý Chung ký hợp đồng bỏ vốn khai thác đang ngưng hoạt động. Ông Lý Quý Chung trước đây từng ký hợp đồng khai thác, và từng đứng tên làm chủ nhiều tờ báo ở Sài Gòn, mà tôi chỉ nhớ tên có hai tờ là Bút Thần và Tiếng Gọi Dân Tộc. Nay thì tờ Điện Tín do ông không khai thác nữa lại “bỏ không”. Vì vậy Đức và tôi cùng bàn với anh Hồng Sơn Đông cho ra lại tờ Điện Tín để tôi làm Giám Đốc chánh trị, và Dương Văn Ba làm Thư ký Tòa soạn, hoạt động song hành với tờ Tin Sáng, cho tới khi nào Tin Sáng còn trụ được. Và tiếp nối con đường của Tin Sáng khi Tin Sáng không hoạt động được nữa. Xin nói thêm là lúc đó tôi cũng được anh Dân biểu chủ báo chủ nhiệm Võ Long Triều mời làm Giám đốc chánh trị của tờ Đại Dân Tộc. Nếu Tin Sáng “bị đòn” thì tôi cũng có được hai tờ báo anh em, nếu không nói là báo nhà, hiệp lực chống đỡ.
Mọi thứ cần thiết, từ vốn liếng, nhân sự, trụ sở tòa soạn, trị sự, phát hành… đã được ba anh em chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng cho tờ Điện Tín, trước khi anh Ngô Công Đức vượt biên. Công việc chuẩn bị cũng không có gì nhiều lắm. Trụ sở Tòa Soạn Điện Tín vẫn ở nơi nhà cũ của anh ĐT Hồng Sơn Đông, số 101 đường Võ Tánh Q1, nay là Nguyễn Trãi, gần như đấu lưng với tòa soạn Tin Sáng ở số 126 đường Lê Lai, hai bên qua lại chỉ bằng một con hẻm nhỏ. Và văn phòng Giám đốc chánh trị của Tin Sáng và Điện Tín thì nằm ở số 132 Lê Lai, sát với Tòa soạn báo Tin Sáng. Văn phòng đó vẫn được tôi giữ nguyên cho tới sau ngày 30-4-1975 6.
Bộ phận quản lý kế toán của Điện Tín cũng chính là bộ phận quản lý kế toán của Tin Sáng bộ cũ. Và bộ phận nầy, từ ngày đầu ra báo cho đến ngày báo ngưng hoạt đông, năm 1975, cũng không hề thay đổi. Nhưng tiền lương của tòa soạn và nhuận bút của các cộng tác viên ở Điện Tín là do Thư ký tòa soạn Dương Văn Ba đề nghị để Giám đốc chánh trị Hồ Ngọc Nhuận duyệt. ( Bảng lương Điện Tín hiện tôi còn giữ trong hồ sơ tài liệu riêng).
Nhân sự của bộ phận quản lý kế troán Điện Tín, nay đã lớn tuổi, vẫn còn đây. Có người đi đi về về từ nước Mỹ, có người, cũng như nhiều người của Điện Tín (và Tin Sáng bộ cũ), trở thành nhân viên của Tin Sáng bộ mới (1975-1981), nhưng phục vụ trong những bộ phận khác, chớ không ở trong bộ phận quản lý kế toán, như ở báo Điện Tín. Bộ phận quản lý kế toán của Điện Tín (và Tin Sáng cũ) là thuộc quyền Chủ báo Chủ nhiệm, còn đối với Tin Sáng bộ mới thì hoạt động theo nội quy tập thể. Ban chấp hành các đoàn thể ở Tin Sáng mới, Công Đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ban nữ công, đã hợp tác với tôi cùng soạn thảo bản nội quy Tin Sáng để tập thể thông qua và áp dụng cho tới khi hoàn thành nhiệm vụ. Chính bản nội quy nầy là cơ sở của chế độ tiển lương ở Tin Sáng mới. Tất cả mọi nhân viên Tin Sáng mới từ chủ nhiệm, chủ bút trở đi đều ăn lương theo ấn định của nội quy tập thể. Các anh chị em thuôc Ban Chấp hành các Đoàn thể đó hầu như tất cả đều còn đủ, có vài bạn đang ở nước ngoài. Nhưng ở cả hai thời kỳ cũ và mới, chế độ nhuận bút ở Tin Sáng vẫn được đặt dưới quyền Giám đốc chánh trị và chủ bút 7.
Kế hoạch vượt biên. Kế hoạch tổ chức vượt biên của anh em chúng tôi ban đầu dự tính là cho hai người, Ngô Công Đức và Dương Văn Ba, vì nếu ở lại trong nước cả hai thế nào cũng bị chánh quyền tìm cớ bắt nhốt. Nhưng sau cùng Ba không đi, vì nhiều lý do. Mà một là vì Ba con đông, tất cả đều còn nhỏ, nếu tôi nhớ không lầm thì tới lúc đó Ba đã có được 6-7 con. Còn Đức thì chỉ có một con trai, năm 1971 đã lên 12 tuổi. Giữa hai cuộc phiêu lưu, đi ra nước ngoài và bỏ trốn trong nước, sau cùng Ba đã chọn ở lại, và đưa hết vợ con vào lánh mặt nơi ĐT Dương ăn Minh, ở cổng sau “Dinh Hoa Lan”, số 3 Trần Quý Cáp, nay là Võ Văn Tần. Tại đây, với một phần phương tiện và sự giúp sức về nhân sự của một bộ phận văn phòng Trung tá Trương Minh Đẩu, Ba và tôi vừa cùng đặc trách khởi thảo, biên tập, in ấn các tài liệu hoạt động của “nhóm ông Dương văn Minh” vừa cùng làm báo Điện Tín. Ngoài ra Ba còn giúp tôi làm cả tờ Tin Sáng “bươm bướm” để tôi mang đi phổ biến đến các tổ chức đấu tranh ủng hộ đường lối hòa bình dân tộc của ông Dương Văn Minh. Để “hợp đồng tác chiến” giữa anh em trong nước và Ngô Công Đức cùng một số anh em ở nước ngoài, cho đường lối hòa bình của “nhóm ông Dương văn Minh”, tôi đã viết nhiều thư và kêu gọi nhiều anh em cùng viết cho Đức. Trong số đó, thư của Dương Văn Ba gởi cho Đức có lẽ là nhiều nhất sau thư của tôi, mà sau nầy tôi tập hợp in trong cuốn Tình Bạn. “In lậu”, để bạn bè cùng giữ làm kỷ niệm. Hồi Ngô Công Đức mất (22 tháng 6 năm 2007) tôi đã cho in lại quyển Tình Bạn gởi thân nhân bạn bè cùng đọc, nay chắc một số bạn còn giữ.
Người đưa Ngô Công Đức vượt biên qua kênh Vĩnh Tế, qua Campuchia, rồi Bắc Thái Lan, rồi Bangkok là anh Thạch Phen, nguyên Đại úy Quận Trưởng Quận Vĩnh Châu Bạc Liêu, nguyên dân biểu QH/VNCH, trong cùng “gia đình chánh trị nhỏ” của chúng tôi. Sau ngày Tin Sáng bộ cũ ngưng hoạt động, tôi đã kể về chuyến vượt biên của Đức cho nhiều bạn bè nghe chơi, đặc biệt tỉ mỉ hơn cho anh Cung Văn Nguyễn Vạn Hồng, với ý định để anh Vạn Hồng viết một “chuyện dài” trên báo Điện Tín, với một cái tựa do tôi chọn: “Một chuyến vượt biên”. Chuyện nầy thời đó là khá mới mẻ và “giựt gân”, đặc biệt người vượt biên lại chính là chủ nhiệm báo Tin Sáng, người đã góp phần “làm cho ông Thiệu sớm bạc đầu”, theo lời của chính ông Thiệu với Đức và tôi, nhân gặp nhau trong một buổi tiếp tân ở Hạ Nghị Viện VNCH, nếu được kể dài dài, hằng ngày trên báo Điện Tín, tôi tin chắc sẽ rất “ăn khách”. Nhưng chuyện không thành, vì một số lý do, mà một là do tôi cũng không muốn để cho Điện Tín “giỡn mặt” chánh quyền nhiều quá mà sớm có cùng số phận với Tin Sáng, làm liên lụy đến mấy anh em trong cuộc. Anh Thạch Phen nay đã ra người thiên cổ, Ngô Công Đức cũng vậy, không hỏi chuyện hai người được nữa, nhưng anh bạn Cung Văn Nguyễn Vạn Hồng thì chắc hỏi được, vì anh còn đây, đang ở quê nhà Đà Nẵng. Hỏi được ,nhưng anh Vạn Hồng có nhớ được nhiều và có kể được hay không thì tôi không biết.
Phụ tá chủ bút Tin Sáng đặc trách khai thác gỗ cho tỉnh Minh Hải. Ngoài lãnh vực làm báo, anh em chúng tôi còn hết mình hỗ trợ cho nhau trong các hoạt động hữu ích khác, và đặc biệt đối với Dương Văn Ba trong hoạt động hợp tác phát triển kinh tế. Ngay cả khi Tin Sáng bộ mới còn hoạt động, để đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Minh Hải gồm Bạc Liêu Cà Mau), và yêu cầu đặc biệt của Dương Văn Ba, Ngô Công Đức và tôi đã đồng ý để cho Dương Văn Ba vừa làm Phụ tá chủ bút Tin sáng vừa đi làm gỗ cho tỉnh Minh Hải 8 với nhiều chức vụ liên tiếp khác nhau, ngay từ năm 1978, tức 3 năm trước ngày Tin Sáng bị đóng cửa. Những chức vụ làm gỗ của Dương Văn Ba ở Minh Hải, trong mấy năm Tin Sáng còn hoạt động, tôi không thể biết và nhớ hết. Nên phải dựa vào tài liệu chánh thức mà tôi có trong tay là toàn văn bản án ngày 14-22/4/1989 của Tòa án nhân dân tối cao về vụ án Cimexcol Minh Hải, trong đó có ghi như sau: “Cuối năm 1978 Dương Văn Ba được… giới thiệu ký hợp đồng kéo gỗ ăn công với công ty vật liệu xây dựng chất đốt Minh Hải. Sau đó Dương Văn Ba… tập hợp một số tư nhân đưa xe ô tô chuyên dùng… từ TPHCM, Đồng Nai về Minh Hải để hợp đồng kéo gỗ ăn công. Ba đứng đại diện. Lúc đầu đầu có 10 chiếc đến năm 1984 lên 18 chiếc… Trong nhiều năm làm đội trưởng đội xe hợp tác hợp đồng kéo gỗ ăn công… Dương Văn Ba… được tín nhiệm giao cho giữ nhiều chức vụ quan trọng: Phó Giám Đốc Công ty gỗ, Phó Giám đốc Liên hiệp xí nghiệp gỗ, Phó Giám đốc xí nghiệp khai thác vận chuyển, Phó giám đốc Cimexcol liên doanh và Phó giam đốc Cimexcol Minh Hải, từ năm 1979 đến 1987…”.
Trong Chuyện một vụ án và Chuyện về những người tù, tôi đã từng tỏ ý chẳng những không tin mà còn cho rằng vụ án và bản án Cimexcol Minh Hải là hoàn toàn bịa đặt. Nhưng đó là về nội dung và một số hình thức, còn về mấy chức vụ của Dương Văn Ba do bản án liệt kê trên đây thì không thể là bịa đặt. Vả lại, có một người mà tôi bătt buộc phải tin. Đó là ông Năm Hạnh Lê văn Bình. Ông Năm Hạnh đã từng nói trước lãnh đạo Đảng trong phiên họp của Bộ chánh trị ngày 9-3-1994 tại T78 TP HCM như sau: “Hội đồng xử án kết tội Dương Văn Ba trốn cải tạo đoàn xe… Thật sự vào năm 1979 là thời kỳ cải tạo công thương nghiệp, Dương Văn Ba… làm đơn xin UBND Tỉnh cho đăng ký cho xe (14 chiếc) được mang biển số xanh. Lúc nầy anh Nguyễn Minh Đức (Bảy Nông) là Chủ tịch UBND Tỉnh ký văn bản ngày 31/3/1979 cho phép đoàn xe đăng ký… Giả thuyết lúc cải tạo bỏ lọt đoàn xe, nhưng sau đó có chủ trương thừa nhận kinh tế nhiều thành phần thì luật đâu có hồi tố… Rõ ràng không có lý do nào buộc Dương Văn Ba trốn cải tạo đoàn xe. Nếu có thì chủ tịch Nguyễn Minh Đức chịu trách nhiệm... Về riêng phần tôi, bị kết tội không cải tạo đoàn xe của Dương Văn Ba, thực sự lúc đó (đầu năm 1979) tôi phụ trách tuyên huấn, rồi làm Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi, kế đến huyện Gá Rai, mãi đến tháng 9/1983 tôi mới về công tác ở UBND Tỉnh Minh Hải. Không lẽ các anh lại nhầm lẫn đến thế. Khi kết tội bị cáo lại không biết sự việc xảy ra lúc đó họ ở đâu, làm gì, có liên quan đến vụ án hay không ?”
Công ty Cimexcol liên doanh. Sau khi Tin Sáng được cho “hoàn thành nhiệm vụ”, tỉnh Minh Hải, với sự vận đông của Dương Văn Ba, và hai anh Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu ở Sài Gòn, đã phối hợp với TP Hồ Chí Minh để cho ra đời Công Ty Cimexcol liên doanh hợp tác làm ăn với Lào. Thành phố cử anh Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thơ ký Hội Trí thức yêu nước TP làm Giám đốc Công ty Cimexcol liên doanh, anh Lê Công Giàu, nguyên Giám Đốc Công ty Savimex SàiGon làm một Phó Giám Đốc. Minh Hải cử một Phó Giám đốc là anh Dương Văn Ba. Đối tác bên phía Lào là Công Ty BPKP, Công ty Chấn hưng Miền rừng núi Lào, thuôc Bộ Quốc Phòng Lào. Giám Đốc BPKP là tướng Bun Niên, Phó Giám Đốc là Đại Tá Chẹng Sayavong, không lâu sau cũng được phong tướng, cả hai vị nay đã qua đời.
Cimexcol liên doanh Minh Hải – TP Hồ chí Minh chỉ hoạt động một thời gian ngắn trong năm 1985, nhưng cũng đủ để “bắt dính” tôi với Cimexcol, khi tôi để bị các anh Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu, Dương Văn Ba và nhiều bạn nữa thuyết phục đứng ra tổ chức gian hàng của Cimexcol liên doanh và BPKP tham dự hội chợ Vientane tháng 12 năm 1985, kỷ niệm 10 năm giải phóng Lào, mà tôi có nói qua trong bản thảo quyển ĐỜI. Sau đó là tham dự triển làm toàn quốc ở Giảng Võ, Hà Nôi, rồi đến các chương trình phát triển trên đất Lào… cho tới vụ án oan nghiệt năm 1989.
Công ty Cimexcol Minh Hải hợp tác kinh doanh với Lào. Khi thành phố Hồ Chí Minh không liên doanh nữa, Cimexcol trở thành Cimexcol Minh Hải, với anh Nguyễn Quang Sang , nguyên Giám Đốc Sở Tài chánh tỉnh được cử làm Giám Đốc, anh Dương Văn Ba và anh Trương công Miên, một cộng sự đắc lực của Ba thời còn Công Ty gỗ Minh Hải, làm Phó Giám Đốc. Một số nhân sự của Tin Sáng rã gánh đã sang đầu quân Cimexcol, trong đó đương nhiên là có anh bạn nối khố Thạch Phen, đã từng hợp tác với Ba từ hồi các công ty gỗ.
Đây có thể nói là thời kỳ hoạt động kinh tế năng nổ và có hiệu quả nhất của Dương Văn Ba, đặc biệt trong lãnh vực khai thác kinh doanh gỗ và kinh doanh tổng hợp.Thành công của Cimexcol đã làm nức lòng lãnh đạo và người dân Minh Hải vì giúp đem gỗ xây dựng về cho tỉnh, trong khi Minh Hải chỉ có hai loại gỗ tràm và đước, mà cũng không còn nhiều. Và làm nức lòng lãnh đạo nước Lào, vì giúp đem ngoại tệ về cho nước bạn, do xuất khẩu gỗ thông Lào qua Nhật, thay vì bị “chảy máu” gỗ lậu qua ngã Thái Lan. Đến nỗi lãnh đạo Lào, nhân kỷ niệm ngày thành lập Cimexcol, đã cho chuyên cơ chở Đoàn Văn Công của Bộ Quốc Phòng Láo, cũng là Đoàn Văn Công lớn nhất nước Lào, do ông tướng Chẹng Sayavong, Phó TGĐ/BPKP hướng dẫn, sang Minh Hải biểu diễn cho cán bộ và bà con Minh Hài xem mấy buổi liền, và chiếc chuyên cơ Lào chở Đoàn văn công thì nằm chờ suốt mấy ngày ở sân bay Tân Sơn Nhứt. Anh em trong “gia đình chánh trị nhỏ” của chúng tôi, trong đó không thể thiếu Ngô Công Đức, không thể không vui lây.
Riêng tôi, sau hội chợ Vientiane năm 1985, đã phải xin phép Thành Phố sang Lào nhiều lần để giúp các bạn Lào trong mộ số chương trình phát triển của bạn, do Cimexcol liên doanh và Cimexcol Minh Hải đề xuất, đặc biệt là ở Lạc Sao vùng Trung Lào. Lạc Sao, một địa danh từ hồi còn nghe vượn hú giữa rừng già, dày đặc hố bom,đã được lãnh đạo Lào quyết tâm biến thành một thị trấn chiến lược của cách mạng Lào, nay đã thật sự là một thị trấn sầm uất, cách thành phố Vinh của Việt Nam không xa, lại được nối liền với thành phố cảng nầy bằng con đường 8B huyết mạch đã từng bị phá nát trong chiến tranh, và đã được Cimexcol hợp tác với bạn Lào làm lại gần như toàn bộ, mà có tráng nhựa hẳn hoi. Nhưng không biết cái tên “Minh Hải” do bà con địa phương đặt cho một cây cầu trên đường nầy đến nay có còn được giữ hay không.
“Một tỉnh lẻ mà đi làm ăn… với một nước”. Nhưng đất Lào, từ nhiều chục năm qua, là địa bàn hoạt động gần như độc quyền, coi như một thứ sân sau, của một số ngành, công ty, xí nghiệp thuộc “loại đặc biệt” ở Trung Ương, còn Minh Hải thì lại là một tỉnh lẻ ở tận cùng đất nước, không một tấc đất dính với đất Lào. Thành công vang dội của Dương Văn Ba và Cimexcol Minh Hải không thể không làm “động lòng” nhiều người, và bắt đầu râm ran đâu đó câu “Một tỉnh lẻ mà đi làm ăn… với một nước”. Cũng không thể không làm động lòng “ai đó” ở Trung ương Đảng vốn đang “nhắm” đến một người nào đó có quá nhiều quan hệ gốc rể ở các địa phương Bạc Liêu Cà Mau, Đồng Bằng Sông Cửu Long và Sài Gòn. Vì vậy mới có vụ “quăng một mẻ chài bắt gọn Dương Văn Ba và đồng bọn”, theo lời ông Đại tá điều tra ông Nguyễn Quang Sang, Giám Đốc Công ty Cimexcol, và “vụ án Cimexcol” năm 1989, xử “Dương Văn Ba và đồng bọn”, cùng với ông 5 Hạnh Lê văn Bình, nguyên Chủ tịch tỉnh Minh Hải. Mà tôi đã kể lại trong quyển Chuyện một vụ án hay “hồ sơ về vụ án Cimexcol Minh Hải”, với 432 trang, viết xong tháng 7/1997. Và trong chương 14 của quyển “Đời”, tập 1, hay “Chuyện về những người tù của tôi” (bản thảo các năm 2000, 2003 và 2006).
Trong vụ án nầy Dương Văn Ba đã bị xử tù chung thân, nhưng được thả sau 7 năm mấy tháng. Nhiều người từng giữ các chức vụ quan trọng ở Cimexcol bị xử các mức án khác nhau, trong đó không thể không có mấy anh em ở Tin Sáng cũ. Một thằng cháu họ Hồ của tôi phục vụ Cimexcol tại Lào thì ở lại Lào và thành dân Lào. Riêng anh Thạch Phen thì qua đời một thời gian ngắn sau khi được thả. Anh Phó Giám đốc Trương Công Miên cũng vậy. Một anh học trò cũ đồng thời là một người anh em của chúng tôi trong “gia đình Chương trình Phát triển Quận 8”, một cựu Trưởng Ban Biên tập của Tin Sáng bộ mới, một Trưởng Ban của Cimexcol Minh Hải cũng bị lãnh án 10 năm tù, cùng với nhiều người khác, và sau khi ra tù thì hợp tác với anh Ngô Công Đức và gia đình anh Đức cho tới nay. Riêng tôi đã may mắn thoát nạn, dù đã bị “mời” vô ra công an Bộ Nội vụ cả tháng trời, sau anh Huỳnh Kim Báu nguyên Giám Đốc Cimexcol liên doanh một thời gian, nhưng không bị tạm giam như anh Báu, và trước phiên tòa xử vụ Cimexcol chỉ có mấy ngày, vì bị cáo buộc trong hồ sơ vụ án là “cố vấn cấp cao của Dương Văn Ba, cùng với Hồ Văn Minh, Dương Văn Ba và đồng bọn trong Cimexcol nằm trong kế hoạch hậu chiến của Mỹ, và có dính với nhóm Hoàng Cơ Minh đã bị bắt ở Hạ Lào”. Tôi thoát nạn vì, với một bộ máy đồ sộ và một thời gian dài hằng năm tẩu tán, ngụy tạo hồ sơ các loại, “người ta” đã không thể có được một bằng chứng nào về những cáo buộc đối với tôi.
Cái tội của tôi. Tôi có cái tội là qua lại Lào nhiều lần để giúp Cimexcol và các bạn Lào, thường là qua ngả Vinh, qua đường 8 B qua đèo Keo Nưa trên dải Trường Sơn. Cái tội nữa của tôi, “nặng hơn”, là không đi Lào một mình, mà còn kéo theo hằng trăm công nhân Minh Hải và thành phố Hồ Chí Minh, hằng chục chuyên viên các ngành, cùng tôi sang Lào giúp nghiên cứu thực hiện các dự án phát triển miền rừng núi Lào. Trong đó không thiếu những sĩ quan chế đô cũ, khiến cho một ông Đại tá điều tra viên đã kết tội chúng tôi, là đã “sử dụng người của ngụy đưa vào nội bộ Cimexcol gồm đủ thành phần binh chủng, ngành nghề, đủ lập một quốc gia riêng, lấy Cimexcol làm chỗ dựa hợp pháp để thừa cơ lật đổ chính quyền hợp pháp”, khi hỏi cung ông Nguyễn Quang Sang, Giám Đốc Cimexcol, khi ông nầy bị bắt để điều tra. Tôi thoát nạn, chỉ có mấy ngày trước khi vụ án mở màn ở Bạc Liêu. Và vụ án sở dĩ mở màn trễ, theo lời mấy ông công an điều tra tôi, là vì phải “chờ” tôi (?). Chờ tôi là chờ để kết thúc cuộc điều tra kết tội tôi ? Hay là chờ để tìm ra cách kết tội tôi mà không phải kết tội Công An Minh Hải và Công An thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp giấy tờ hợp pháp cho tôi và những bạn đồng hành sang Lào ? Mà không phải chỉ một lần, cũng không phải chỉ trong một thời gian ngắn ? Có ông Trưởng Công An Minh Hải còn sang tận Lào để điều tra xem xét tình hình. Ngoài ra, để có thể kết tội tôi, có lẽ “người ta” còn phải lôi cả vài ông lãnh đạo Thành Phố ra tòa, như ông Nguyễn Võ Danh, sếp Công an TP và là lãnh đạo Thành ủy TP/HCM lúc bấy giờ, là người đã gặp tôi (với anh Lê Hiếu Đằng) trong thời gian tôi vô ra Công an Bộ Nội Vụ, và đã nói với tôi: “Anh cứ có gì nói nấy, có sao nói vậy”. Và tôi đã “có gì nói nấy”, không quên cả câu “có sao nói vậy”, với các điều tra viên. Nghĩa là lần nào đi Lào để giúp Cimexcol và các bạn Lào tôi cũng đều có “xin phép” lãnh đạo Thành Phố, “đi thưa về trình” hẵn hoi. Tôi nói “xin phép” là có thực, bởi tôi đang làm việc ở UBMTTQTP, và bởi tôi biết, trong “thời đại nhiễu nhương” như bây giờ, mọi “tai họa” là không hiếm, là có thể đến “gõ cửa” mọi người bất cứ lúc nào.Tôi còn cẩn thận viết thư chánh thức trả lời từ chối các thư mời tôi về làm việc chánh thức ở Cimexcol, kể cả với cái chức “Trưởng ban Quản lý” các chương trình phát triền của Cimexcol ở Lào, mà Cimexcol đã đặt cho tôi. Các chương trình nầy là khá đa dạng và đã bước đầu có hiệu quả, như xây dựng câu đường, xây dựng bệnh viện, trường học, xí nghiệp khai thác nhựa thông, xí nghiệp chế biến thảo dược, chương trình làm thủy điện “mini” (dọc theo nhiều con suối nhỏ mà không phải ngăn suối, theo đề án của một anh bạn chuyên viên người Ý nhiều năm kinh nghiêm), xây dựng khu du lịch, khu bảo tồn tài nguyên, chương trình trồng lúa nước, trồng rừng, trồng cây công nghiệp… Các chương trình nầy có cái còn nằm trong dự án, nhưng phần lớn đã bắt đầu đi vào thực hiện. Riêng hai chương trình trồng lại rừng và trồng cây công nghiệp đã cho kết quả “thấy mê”, khiến tôi nổi hứng đi khoe với ông Võ Văn Kiệt, và được ông hứa có dịp sẽ đi thăm. Nhưng chương trình nào thì có Ban Quản lý và Trưởng Ban Quản lý nấy, với các chuyên viên tôi mời đến từ Sài Gòn. Bởi mỗi chương trình đều có một hồ sơ đồ sộ, gồm các thủ tục, dự án, kế hoạch, nhân sự, dự chi ngân sách… không phải nhỏ. Như chương trình làm đường 8B đi từ “thị trấn” Lạc Sao trong rừng Lào ra Vinh. Trong số các chuyên viên của Sài Gòn cũ thuộc các Ban Quản lý các chương trình không thiếu người là sĩ quan chế độ cũ. Cả đội hợp tác xây dựng huyện Pha Thoong ở Trung Lào cũng do một anh bạn cựu sĩ quan chế độ cũ chỉ huy, lại được bộ đội bạn tin cậy trang bị đầy đủ vũ khì để hiệp lực chống phỉ. Cả tôi, khi đến đó thăm anh em mà ở lại nhiều ngày, cũng được cấp súng để tham gia phòng bị. Tất cả các bạn nầy đã hợp tác, giúp đỡ tôi rất tận tình, không trong chức vụ là tổng quản lý các chương trình, mà là người tập hợp anh em và “chạy việc” tại chỗ thay cho hai chánh và phó Giam Đốc Cimexcol, nhất là Phó Giám đốc Dương Văn Ba, luôn bận việc kinh doanh túi bụi ở Sài Gòn, Bạc Liêu hay Vientiane. Vì là chánh thức từ chối mọi chức vụ nên đương nhiên là tôi có đủ giấy tờ chứng minh. Nếu bắt tội tôi, như bị cáo buộc trong hồ sơ, là hoàn toàn không có bằng chứng gì hết, hoặc chỉ có bằng chứng là tôi vô can.
Bảo lãnh. Có một điều đặc biệt mà tới nay tôi mới nói rõ: đó là tôi được yêu cầu viết giấy bảo lãnh để Dương Văn Ba được thả trước thời hạn. Trong khi tôi cũng là người cùng bị nạn mà được thoát nạn sớm hơn, trong một vụ án mà một số báo Nhà nước lúc bấy giờ gọi là “một vụ án lớn nhất lịch sử”, với những vu cáo nặng nề, và hồ sơ cáo buộc nằm cả trong các báo cáo chánh thức của Ban Bí thư TƯ Đảng 9. Ai yêu cầu ? Cấp nào hay ngành nào yêu cầu ? Lần nầy thì thật sự tôi không biết. Chỉ biết có một bữa Dương Văn Ba đến gặp tôi, vì Dương Văn Ba thời đó vô ra trại là thường, và nói: “Anh phải viết gấy bảo lãnh cho tôi để tôi được thả”. Viết thì viết. Bởi đây không phải là lần đầu tôi “bị yêu cầu” viết giấy bảo lãnh, và cũng không phải chỉ đối với một mình Dương Văn Ba.
Về cái giấy bảo lãnh “cốt tử” nầy, tôi không còn bản lưu. Nhưng tôi tin trong hồ sơ các nơi có liên quan chắc phải còn, để làm bằng chứng và đề cho ai muốn tra cứu. Riêng ông Đại tá trưởng trại tù nơi anh Dương Văn Ba ở, là một người rất dễ mến, mà rất tiếc tôi không nhớ tên cũng không biết đang làm gì ở đâu, hôm gặp tôi trong buổi cơm sau khi anh Dương Văn Ba được thả, thì chắc phải còn nhớ. Hôm đó, ông Đại tá đã tỏ vẻ rất vui, và hé cho tôi biết rằng cái thư bảo lãnh của tôi để xin thả Dương Văn Ba là rất quan trọng.
Cái thư bảo lãnh của tôi, mà tôi vừa nhắc lại ở đây, có thể coi như là cái dấu chấm cho câu chuyện tù của Dương Văn Ba.
Kêu oan. Nhưng để đi đến cái dấu chấm nhỏ đó là cả một câu chuyện thật dài về công cuộc kêu oan cho Dương Văn Ba, cho Cimexcol và cho tập thể cán bộ nhân viên Cimexcol, cho một số anh em chúng tôi ở báo Tin Sáng, cho một số thành viên lãnh đạo Minh Hải và một số khá lờn cán bộ đảng viên Minh Hải và các tỉnh Đồng Bắng Sông Cửu Long, và cho hằng trăm lao động, trí thức chuyên viên các ngành nghề của Thành phố và Minh Hải… đã hết lòng theo Cimexcol tận tụy phục vụ trên đất Lào, mà bị vu oan là phản động. Trong đó có một số người đã hy sinh, trên đường, trong rừng, trên núi, dưới ngầm, nơi công trường, và suýt chết oan trong tù. Có một số đã bị Fulro bắt đi mất tích đến nay đã trên dưới 30 năm mà không biết bỏ xác ở đâu. Câu chuyện thật dài, bắt đầu từ khi Dương Văn Ba và lãnh đạo cùng cán bộ nhân viên chủ chốt của Cimexcol bị bắt giữ (1987), cho đến khi được ra khỏi tù, đối với Dương Văn Ba là hơn 7 năm, nhưng không kết thúc ở đây. Cũng không kết thúc 10 năm sau, khi tôi viết “Chuyện một vụ án” (1997). Cũng không kết thúc 16 năm sau, khi ông Ba Hùng Phạm văn Hoài, nguyên Chủ tịch tỉnh Minh Hải qua đời, vào ngày 04-9-2003, sau khi đã viết lá “ĐƠN KHIẾU TỐ” cuối cùng của ông, đề ngày 15-5-2003, cùng với ông Đoàn Thành Vị, nguyên ủy viên trung ương Đảng, nguyên Bí thư tỉnh Minh Hải và ông 5 Hạnh Lê văn Bình nguyên Chủ tịch tỉnh Minh Hải, trong đó có câu: “Dẫu có chết đi chúng tôi cũng không nhắm mắt ngậm miệng”.
Tập thể kêu oan. Đây là cả một cuộc vận động kêu oan tập thể, và tập thể nầy là không nhỏ, lại rộng khắp nhiều địa phương ở miền Nam. Nhưng là hoàn toàn tự phát, gồm nhiều thành phần từ Đảng ta tới Đảng Lào (bởi Tổng Bí Thư Đảng Lào đã từng qua Hà Nội gặp TBT Đảng ta về vụ Cimexcol) 10, tới các Mặt Trận địa phương, tới các đoàn thể và người dân, tới các ngành, đặc biệt là ngành báo chí, từ Minh Hải đến An Giang, Cần Thơ, Bến Tre, và các tỉnh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, cho đến tận Thành phố Hồ Chí Minh… Một tập hợp đông đảo những người bức xúc, bất bình về vụ án Cimexcol như vậy thì không thể nào kể ra cho hết trong một vài trang giấy. Vì vậy tôi hy vọng quý vị trong các địa phương, các giới tôi kể trên, như anh Vi Trăn và anh 6 Sơn ở Hội nhà báo, ông Nguyễn Văn Để ở MT, ông Nguyễn Quốc Sử ở Viện KS, chị 5 Hạnh Lê Văn Bình và các cán bộ lão thành cách mạng ở Minh Hải, nhà báo lão thành Tô Hòa nguyên Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, anh Chánh Trực, gốc Minh Hải, nguyên Giám Đốc Đoàn Bông Sen, và nhiều người hơn nữa vì chắc chắn tôi đã kể sót, sẽ có dịp nói về các cuộc vận động minh oan cho Dương Văn Ba và Cimexcol thời điểm đó.
Nếu không có tất cả những vị đó, và nhiều người nữa đã âm thầm giúp sức, với lòng trung thực và can đảm, thì không tài nào phát hiện, dù chỉ là một phần, hồ sơ giả mạo của vụ án Cimexcol, như tôi đã trình bày trong “Chuyện một vụ án”.
Hai vị Hội thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao. Nhưng có hai người mà nếu tôi không nói ra thì có thể rất ít người biết, cả người trong cuộc. Hai người đó không công khai ở trong tập thể kêu oan tự phát nêu ra trên đây, nhưng là những người chính trực, đã dám nói “không” với cỗ máy xử án oan nghiệt. Hai tiếng nói “không” tuy không ngăn được cổ máy lăn tới, nhưng cũng chứng tỏ nó đã “xì khói” từ bên trong. Một hôm, chỉ vài ngày trước khi phiên tòa xử vụ án Cimexcol khai mạc ở Bạc Liêu, Giáo sư Phan Gia Bền, Tổng thơ Ký Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỷ thuật Thành phố bỗng gọi báo cho tôi biết anh vừa xin rút khỏi ghế hội thẩm Tòa án nhân dân tối cao trong vụ án Cimexcol. Tôi lo lắng nhắc anh phải có lý do chánh đáng vững chắc, và được anh đáp: “Anh không lo, tôi có lý do chánh thức là bận tiếp khách nước ngoài quan trọng không thể bỏ được.” Sau đó tôi được biết Toà án đã phải điều động cấp tốc nhà văn Viễn Phương, Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật TP, hội thẩm dự khuyết, để thay thế Giáo sư Phan Gia Bền. Tôi biết Giáo sư không có lý do gì phải báo tôi biết tin giáo sư đã rút khỏi ghế hội thẩm. Nhưng chắc giáo sư biết tôi lo lắm nên gọi tôi để ngầm “chia sớt”. Và tôi thật lòng cám ơn giáo sư. Người nói “không” thứ hai là một người đã chấp nhận ngồi ghế hội thẩm, nhưng lại không chịu ký vào biên bản kết luận bản án vì thấy có nhiều điểm “không bình thường”. Người đó là bà Võ Thị Thắng, lúc bấy giờ là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tôi mong hai vị sẽ chứng giám cho lời nói của tôi, vì hai vị nay đều đã qua đời. Mà không cần ai nhắc công.
Nòng cốt của tập thể kêu oan tự phát lớn đó là ba anh Ba Vị, Ba Hùng, 5 Hạnh Mà chủ yếu là anh 5 Hạnh Lê Văn Bình, người đã kiên trì đấu tranh cho tới hơi thở cuối cùng, vì công lý, vì những người đã bị tù tội oan trong vụ án Cimexcol. Cả cho đến khi nằm liệt ở bệnh viện Thống Nhất vì chứng bệnh nan y, ông Năm Hạnh vẫn không ngừng tranh đấu chống lại vụ án oan, và đã khiến cho bà 7 Huệ, phu nhân TBT Nguyễn Văn Linh, cũng nằm điểu trị ở đây, đã phải động lòng viết thư cho Trung ương Đảng yêu cầu xét lại vụ án Cimexcol.
Người hỗ trợ. Và người đã đứng sau hỗ trợ cho tấp thể lớn đó không ai khác hơn là ông Võ Văn Kiệt. Bởi không thể tự dưng mà ông Võ Văn Kiệt đã mấy lần về Bạc Liêu thăm các ông Ba Vị, Ba Hùng, 5 Hạnh khi các ông nầy đã về vườn, và thăm ông 5 Hạnh khi ông nầy bệnh nặng ở Bạc Liêu, và nằm ở bệnh viện Thống Nhất. Cũng không thể bỗng dưng mà có “BUỔI LÀM VIỆC” đặc biệt ngày 9-3-1994, tại T.78 Thành phố Hồ chí Minh, dưới sự chủ trì của TBT Đỗ Mười, gồm 6 ủy viên Bộ Chánh trị, trong đó có ông Võ Văn Kiệt, 8 ủy viên BCH Trung ương Đảng, lãnh đạo các cơ quan Pháp luật Trung ương và Bộ Nội vụ, các Ban Đảng, toàn bộ Thường vụ Tỉnh ủy Minh Hải, với ba ông Đoàn Thành Vị, Phạm Văn Hoài và Lê Văn Bình, để nghe ba ông nầy, đặc biệt là nghe ông Lê văn Bình, trình bày, hay có thể nói là “tố ngược”, về vụ án Cimexcol, nếu không có bàn tay của ông Võ văn Kiệt.
Tại “BUỔI LÀM VIỆC”, trước sự trình bày, chất vấn, gần như tố cáo của ba ông Ba Vị, Ba Hùng, Năm Hạnh, những người có trách nhiệm trực tiếp và cao nhất trong vụ án Cimexcol đã không thể có một lời nào để phản bác lại, mặc dù đã được ông Sáu Hậu, tức ủy viên Bộ Chánh trị Lê Phước Thọ, người điều khiển cuộc họp liên tiếp trao lời. BUỔI LÀM VIỆC đã kết thúc với lời tuyên bố của ông Sáu Hậu là “Ban Bí Thư sẽ có kết luận sau. Và, qua thông báo của Ban BT/ TƯ Đảng ngày 14/3/1994, kết luận đó là: “Vì Ban BT nhiệm kỳ VI theo dõi chỉ đạo xuyên suốt vụ án… nên Ban BT nhiệm kỳ VII không xem xét lại, cũng không cho xử lại, mà chỉ xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể”. Một kết luận đã đưa đến việc Dương Văn Ba được thả sau hơn 7 năm ở tù thay vì chung thân, nhưng không trả lại công bằng công lý cho rất nhiều người, nhất là các đảng viên đã bị hàm oan, bị mất Đảng tịch hay mất chức,lại còn xúc phạm nặng nề danh dự của nhiều người, đặc biệt đối với ba ông nguyên lãnh đạo tỉnh Minh Hải. Một kết luận đã khiến ông 5 Hạnh Lê văn Bình đã có nhận xét: “Trước đây, Ban Bí Thư nhiệm kỳ VI đã can thiệp quá sâu và cụ thể vào vụ án, mang tính chất nghiệp vụ của vụ án, nên không còn khách quan nữa. Giờ đây Ban Bí Thư nhiệm kỳ VII chưa chi đã ra lệnh không xét xử lại, thế là đứng trên phap luật. Qua thông báo ngày 14/3/1994 làm chúng tôi không thể hiều được chân lý thuộc về ai.” (Trích tường thuật của ông Lê văn Bình, “Chuyện một vụ án” trang 311, HNN).
Được thả. Dương Văn Ba được thả trước thời hạn, dù nền công lý vẫn tiếp tục bị bóp méo, cũng khiến mọi người đều vui, nhất là những ai đã bỏ ra rất nhiều công sức, và đánh cuộc cả sinh mạng chánh trị của mình, để góp phần kêu oan. Cả các vị lãnh đạo Thành phố cũng thở phào, và vui lây, vì đã thoát tội để cho Ba đi làm với Minh Hải, và cũng thoát luôn cái tội không bắt tôi làm kiểm điểm về tộ phát tán tài liệu bất hợp pháp, khi tôi phổ biến cuốn “Chuyện một vụ án”, tập hợp biên soạn từ nhiều “giỏ cần xé” đơn từ khiếu nại, như tôi đã “biện hộ” với ông Lê Khắc Bình, Chủ tịch UBMTTQTP, khi ông đại diện Thành ủy gặp tôi.
Con đường tự do. Ai cũng nghĩ được tự do đương nhiên là hơn ở tù. Nhưng mới đây lại có anh công dân Canada tên Omar Khadr, bị bắt cầm tù ở Afghanistan, rồi ở Guantánamo , rồi ở Canada, từ hồi 15 tuổi, mà bây giờ là 28 tuổi, vừa được bảo lãnh cho tự do tạm ở Canada, thì lại tuyên bố: “Sau Guantánamo thì con đường tự do là điều tốt hơn là tôi đã nghĩ”. Nói vậy phải chăng anh nầy cho rằng ở trong các nhà tù khác mà anh đã trải qua là tốt hơn được tự do ? Hay phải chăng, đối với một số người, bước ra khỏi nhà tù lắm khi là phải đối mặt với một con đường đầy chông gai, vô định ? Với một tương lai ảm đạm, mù mịt ?